06/12/2018 - 20:58

Những lời khuyên dành cho người mới tập yoga  

Yoga là phương pháp luyện tâm, luyện thân ngày càng phổ biến trên thế giới và được công nhận giúp giải tỏa căng thẳng, xoa dịu tinh thần, làm cơ thể trở nên dẻo dai, linh hoạt, tăng cường sức mạnh và khả năng giữ thăng bằng của cơ thể. Tuy nhiên, có một điều mà những người mới bắt đầu tập yoga không biết, đó là hình thức tập luyện này dù nhẹ nhàng, ít tác động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như mọi phương pháp rèn luyện khác.

Nên chọn các bài tập yoga phù hợp điều kiện thể chất nhằm mang lại lợi ích sức khỏe tốt nhất. Ảnh: health.harvard.edu

Theo các chuyên gia, do phần lớn bài tập yoga ít động tác và cử động nhẹ nhàng, uyển chuyển, nên các “yogi” - người tập yoga - thường không nghĩ họ bị đau do tập không đúng hoặc quá sức. Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học thể thao cho biết gần 30.000 trường hợp chấn thương liên quan yoga đã được cấp cứu ở Mỹ giai đoạn  2001-2014. Tỷ lệ chấn thương gia tăng nhiều nhất là ở người từ 65 tuổi trở lên.

Nhưng điều đó không có nghĩa người lớn tuổi hoặc những đối tượng khác nên tránh tập yoga, mà quan trọng là các yogi nên biết những rủi ro và cách để phòng tránh chúng. Các chuyên gia khuyến cáo, bất kỳ ai mới tập yoga, người đang có thương tích hoặc tiềm ẩn bệnh tật nên trao đổi với giáo viên về tiền sử sức khỏe để biết rủi ro và chọn bài tập cho phù hợp. Trong quá trình luyện tập, các yogi nên biết lắng nghe cơ thể để tránh thực hành những động tác mà sức khỏe không theo kịp có thể hại nhiều hơn lợi.

Biết rõ thể trạng bản thân để chọn bài tập phù hợp

Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Bobby Chhabra thuộc Trường Y Đại học Virginia (Mỹ) cho biết, đa phần chấn thương là bong và viêm gân nhưng không phải do tập yoga gây nên mà nó chỉ là tác nhân làm trầm trọng thêm tình trạng sẵn có. Theo đó, khi yogi có sẵn chấn thương trên cơ thể, việc lặp đi lặp lại các động tác tập trung áp lực, trọng lượng lên những phần này sẽ khiến cơn đau chuyển biến tệ hơn so với ban đầu.

Đối với người phải cử động cổ tay/bàn tay nhiều như gõ máy tính thì việc tập các tư thế đòi hỏi sức mạnh tay có thể gây đau, dẫn đến viêm gân hoặc hội chứng ống cổ tay. Người bị viêm khớp cũng nên thận trọng nếu có nhu cầu học yoga bởi các triệu chứng có thể bùng phát và kéo dài nếu chọn sai tư thế tập. Lời khuyên cho hai nhóm đối tượng này là nên chọn Iyengar Yoga - tập trung kéo giãn và uốn cong các bộ phận khác nhau trên cơ thể như cánh tay và chân.

Nói đến tư thế cụ thể, chủ trung tâm Yoga ở Thủ đô Washington (Mỹ) Alyson Shade cho biết người có hội chứng khớp linh hoạt (hypermobility) nên chú ý uốn cong khuỷu tay và đầu gối một chút khi thực hiện các tư thế căng duỗi như Plank (động tác duỗi thẳng người và chống tay xuống sàn) hoặc tư thế chữ V ngược/Chó úp mặt (Downward facing dog) để tránh trạng thái duỗi quá mức. Tương tự, người bị chấn thương vai nên bỏ qua động tác đòi hỏi đưa tay quá đầu như trong thế trồng chuối bằng tay (Handstands) mà nên thay bằng tư thế Cái bàn (Table top).

Trong khi đó, người mắc vấn đề sức khỏe cổ tay nên bỏ qua những bài dồn sức nặng lên tay như trong thế bánh xe - uốn cong thân người, ưỡn toàn bộ phần hông và ngực hướng lên, tay và chân chống xuống thảm chịu lực cơ thể, hoặc chữ V. Còn người loãng xương hoặc thoát vị đĩa đệm thì cần tránh động tác xoay lưng, gập hay vặn mình. Chuyên gia vật lý trị liệu Chris Estafanous nhắc nhở người bị mắc bệnh lý khớp hông rằng các động tác kéo căng cơ thể như trong tư thế chim bồ câu (Pigeon Pose) có thể lợi bất cập hại; người đau cổ không nên tập tư thế trồng chuối bằng tay hoặc thế đứng bằng vai.

Tóm lại, tất cả tư thế trong các loại hình yoga đều đòi hỏi quá trình rèn luyện kiên trì từng bước một. Đối với người mới học, cần chú ý tập đúng động tác, không nên nôn nóng bắt đầu với những tư thế khó đòi hỏi kỹ thuật cao hoặc quá sức chịu đựng. Với mục đích rèn luyện sức khỏe, mọi người nên xem yoga là một phương cách tập luyện với cả lợi ích (nếu tập đúng) cũng như tác hại (nếu tập sai) mà bất kỳ môn thể dục thể thao nào cũng có.

ĐƯỜNG THẤT (Theo SCMP)

 

Chia sẻ bài viết