24/05/2009 - 07:42

Những khuyến nghị phát triển nông nghiệp tổng hợp ở ĐBSCL

Được ví là vùng đất phì nhiêu, vựa lúa của cả nước, nhưng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn là vùng nghèo khó, trình độ giáo dục và khoa học kỹ thuật thấp; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ với giá trị tri thức trong hàng hóa thấp làm cho giá thành trong sản xuất cao, chất lượng nông sản thấp và tính cạnh tranh kém... Làm gì để phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân ĐBSCL? Vấn đề này đã được các đại biểu tập trung thảo luận, nêu những giải pháp, khuyến nghị tại Hội thảo “Chiến lược và giải pháp phát triển nông nghiệp tổng hợp ở ĐBSCL” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ.

* ÔNG NGUYỄN DUY VĨNH, PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ KẾ HOẠCH, BỘ NN&PTNT:
CẦN PHÁT HUY CAO NHẤT CÁC LỢI THẾ CỦA VÙNG VÀ TỪNG KHU VỰC

Phát triển kinh tế nông nghiệp và kinh tế nông thôn dựa trên việc phát huy cao nhất các lợi thế của vùng và từng khu vực nhưng phải phù hợp với điều kiện thị trường; phải do nông dân và các thành phần kinh tế thực hiện, Nhà nước chỉ hướng dẫn và tạo điều kiện; phải đảm bảo các yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.

Hàng năm ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa của cả nước. Trong ảnh: Vụ lúa bội thu ở Đồng Tháp. Ảnh: KHẮC HIẾU 

Mục tiêu tổng quát và dài hạn của nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL trong giai đoạn này là: Xây dựng một nền nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, hiệu quả và bền vững; có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư thủy lợi, đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại vùng ĐBSCL. Xây dựng nông thôn có cơ cấu kinh tế hợp lý, có quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại, mọi người có việc làm, thu nhập và đời sống nhân dân không ngừng nâng cao.

Nhằm khắc phục những tồn tại thời gian qua, đưa ngành nông nghiệp và nông thôn vùng ĐBSCL phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, các địa phương vùng ĐBSCL cần làm tốt công tác qui hoạch sử dụng đất. Việc xây dựng qui hoạch sử dụng đất cần dựa trên yêu cầu phát triển ngành của từng huyện, xã và phải có tính khả thi để thực hiện. Trong cơ chế thị trường, để thực hiện tốt, không phá vỡ qui hoạch thì giá cả các sản phẩm nông sản phải được bình ổn, không biến động lớn. Việc xây dựng và lập quỹ bình ổn giá nông sản cũng cần được tính đến cho từng lĩnh vực với mỗi loại cây trồng. Phát huy thế mạnh vai trò của các Hiệp hội trong liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản. Thúc đẩy nhanh việc hình thành các quan hệ sản xuất tiên tiến, phát triển mô hình kinh kế hợp tác, trang trại... Đẩy mạnh sự phối hợp giữa các ngành nông nghiệp, y tế, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, môi trường và các địa phương trong việc xây dựng, giám sát thực hiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường nông thôn. Nhằm nâng cao khả năng phát hiện, dập dịch bệnh kịp thời đối với ngành chăn nuôi, trồng trọt thì hệ thống bảo vệ thực vật và thú y cần được xây dựng trên cơ sở xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, hệ thống này phải hoạt động khá độc lập về hành chính với các cấp chính quyền địa phương. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi. Lập quỹ và yêu cầu các đơn vị, cá nhân kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi thành lập quỹ phòng chống rủi ro về giống.

* ÔNG NGUYỄN ĐỖ ANH TUẤN, CƠ SỞ PHÍA NAM - VIỆN CHÍNH SÁCH VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN, BỘ NN&PTNT:
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP PHẢI HÀI HÒA VỚI PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÀ ĐÔ THỊ

Trong thời gian vừa qua, yêu cầu duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, mong muốn chuyển đổi cơ cấu kinh tế khỏi nông nghiệp đã dẫn đến thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bằng mọi giá ở một số địa phương vùng ĐBSCL. Mặc dù không có lợi thế về nhiên liệu, năng lượng, tài nguyên khoáng sản, cơ sở hạ tầng, lao động có tay nghề cao, nhưng ở nhiều nơi người ta đã tập trung phát triển sân golf, xây dựng các khu công nghiệp... Các hoạt động đầu tư này diễn ra rất tốn kém do phải san nền tạo mặt bằng trên những vùng vốn thích hợp với nền nông nghiệp lúa nước, gây ra những biến đổi lớn về sinh thái và môi trường nhưng hiệu quả kinh tế đem lại vẫn chưa rõ ràng.

Hình ảnh nông nghiệp trong tương lai sẽ khác hẳn với quan niệm về một lĩnh vực kinh tế lạc hậu, rẻ tiền, năng suất thấp, phụ thuộc vào thiên nhiên, thu hút nhiều lao động. Một vùng sản xuất nông nghiệp có lợi thế nếu được đầu tư đúng hướng sẽ có khả năng phát triển to lớn. Đây mới là tương lai cần được tập trung khuyến khích cho ĐBSCL, là mối quan hệ của phát triển nông nghiệp với công nghiệp, giữa kinh tế nông thôn và kinh tế đô thị, giữa các địa phương, giữa kinh tế vùng và cả nước.

Với diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, trong đó 32% là đất nông nghiệp, hằng năm, ĐBSCL có mức đóng góp khoảng 18% GDP, 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Trong thời gian vừa qua, ở ĐBSCL, một số tỉnh như An Giang, với những cố gắng to lớn đã tạo nên những thành tích đáng tự hào về phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, kết quả đem lại vẫn là mặt bằng thu nhập chung thấp, dân trí thấp, tệ nạn và những hệ lụy xã hội xuất hiện và mức độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh chậm. Nên nếu như chỉ phát triển nông nghiệp thì kinh tế của các địa phương không thể cải thiện, nhưng nếu phát triển công nghiệp theo cách hiện nay thì dù kinh tế của địa phương có được cải thiện thì lợi ích đem lại cũng ít đến với nông dân nông thôn. Rõ ràng, với một nền công nghiệp ít chú ý đến thị trường hàng hóa phục vụ nông thôn, dù có phát triển cũng không trở thành đầu tàu hỗ trợ thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, ngược lại còn gây ra tranh chấp về tài nguyên và gây tác hại môi trường cho nông thôn.

Cần thiết phải xác định rõ một chiến lược hợp lý về phát triển công nghiệp để phục vụ cho một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại ở ĐBSCL. Đó là một hệ thống đồng bộ các nhà máy chế biến với công nghệ cao gắn chặt các vùng nguyên liệu nông nghiệp ở ĐBSCL và Đông Nam bộ. Một hệ thống nhà máy sản xuất nông cụ, vật tư nông nghiệp và hàng hóa phục vụ nông thôn. Hệ thống này được nối liền với châu thổ bằng những kênh phân phối đến tận địa bàn phường/xã.

* TIẾN SĨ NGUYỄN VĂN SÁNH, PHÓ GIÁM ĐỐC VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN ĐBSCL - TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ:
5 ĐỀ ÁN LIÊN KẾT VÙNG, SỰ THAM GIA “4 NHÀ” GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN “TAM NÔNG” Ở ĐBSCL

Qua nhiều lần thảo luận, được sự đồng thuận giữa Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam... chúng tôi phát triển một chương trình hành động tổng thể. Trước mắt, với 5 đề án về giải pháp liên kết vùng và tham gia “4 nhà” góp phần phát triển nông nghiệp -nông dân- nông thôn ở ĐBSCL. Cụ thể gồm: phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; phát triển sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái; phát triển sản xuất và tiêu thụ cá da trơn; huấn luyện và nâng cao năng lực cho nông dân và chính quyền địa phương; cơ chế, tổ chức và chính sách thực hiện 4 đề án vừa nêu...

Liên kết vùng và tham gia “4 nhà” là cách tiếp cận hiệu quả cao. Việc liên kết này khắc phục trình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời góp phần thực hiện quy hoạch nhà nước nhằm tập trung nguồn nguyên liệu, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và nối kết sản xuất nông dân với thị trường; đối phó thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với tác động thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến ĐBSCL sắp tới mà từng địa phương sẽ thực hiện kém hiệu quả. Ngoài ra, việc liên kết nhằm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào nông thôn hiệu quả hơn qua liên kết Viện/Trường với các Sở/Ngành các tỉnh với sự tham gia tích cực nông dân và chính quyền địa phương. Từ đó, góp phần thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn nhanh hơn qua giải pháp liên kết vùng và tham gia “4 nhà”.

Nhà nước phát triển tổ chức và chỉ đạo thực hiện mạng lưới vùng và tham gia “4 nhà” nhằm đưa ra các mục đích, chiến lược và kế hoạch cho toàn vùng về 5 đề án. Tổ chức hội thảo mỗi năm 2 lần, đầu năm để triển khai kế hoạch, cuối năm để đánh giá kế hoạch và chỉ đạo nhân kết quả ra diện rộng. Đề án về cơ chế, tổ chức, và chính sách sẽ hỗ trợ hoạt động này. Nhà khoa học bao gồm các nhà khoa học Viện/Trường và cán bộ kỹ thuật các tỉnh/thành được tổ chức thành nhóm chuyên môn để thực thi các giải pháp mà đề án đưa ra. Sẽ họp 3 lần/năm để thực hiện: Kế hoạch Ban chỉ đạo và các tiểu ban giao đầu năm; đánh giá giữa năm và kết hợp Bộ/Ngành Trung ương để họp, báo cáo mạng lưới và đề xuất nhân kết quả vào cuối năm. Các doanh nghiệp liên quan đến đầu vào và đầu ra sẽ được mời tham gia với mạng lưới vùng và tham gia “4 nhà” nhằm đồng thuận liên kết với nông dân vào đầu năm và phản hồi với mạng lưới về kết quả vào cuối năm. Nhà nông là đại diện Hội Nông dân, hợp tác xã và các tổ chức nông dân họp đầu và cuối năm để nắm kế hoạch hợp tác 3 nhà còn lại. Đồng thời, tham gia đánh giá các kết quả đạt được và có kế hoạch xây dựng tổ chức của mình để 3 nhà còn lại hỗ trợ...

HÀ TRIỀU - TRANG THẢO (lược ghi)

Chia sẻ bài viết