22/09/2019 - 08:26

Những giai điệu cuộc đời 

Hội Sân khấu TP Cần Thơ vừa tổng kết Cuộc thi Sáng tác bài vọng cổ chủ đề “TP Cần Thơ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019. Từ cuộc thi truyền thống này của Hội Sân khấu, những tấm gương người thật, việc thật được lan tỏa bằng những giai điệu bổng trầm của bài vọng cổ.

Các tác giả nhận giải thưởng tại cuộc thi.

Các tác giả nhận giải thưởng tại cuộc thi.

"Xới năm chén cơm đầy muối dưa, cá lạt, gió Phong Điền quyện khói hương ngào ngạt, hố mắt mẹ rưng rưng trong sương sớm quê nhà…”. Đó là mấy câu trong bài vọng cổ “Bà mẹ Phong Điền” của tác giả Lê Việt Thuận, đoạt giải Nhất tại cuộc thi này. Tác phẩm phác họa hình ảnh của người mẹ nơi tuyến lửa Vòng Cung năm lần tiễn người thân ra trận rồi năm lần “khóc thầm lặng lẽ”. Mẹ nén nỗi đau của riêng mình vì non sông, vì Tổ quốc… Cách triển khai câu chuyện mạch lạc, ca từ giàu chất văn học là điểm đáng ghi nhận ở bài vọng cổ này.

Ông Nguyễn Hoàng Dũ, Chủ tịch Hội Sân khấu thành phố, cho biết: Sau hơn 4 tháng phát động, có 41 tác phẩm được gửi dự thi. Con số ấy chưa thật nhiều nhưng bù lại, chất lượng tác phẩm đã góp phần làm nên thành công của cuộc thi. Hầu hết các tác phẩm không còn thể hiện câu chuyện chung chung, thiếu điểm nhấn - nhược điểm của nhiều bài vọng cổ bây giờ, mà các tác giả đã chịu khó sưu tầm, tìm hiểu để thể hiện những câu chuyện đời thường rất thật.

Như tác phẩm “Chén cháo nghĩa tình” của tác giả Nguyễn Trung Nguyên, đoạt giải Nhì, đó là câu chuyện về một người đàn ông nghèo nhưng thời gian qua vẫn cần mẫn chiều chiều lại nhóm bếp nấu cháo, nước sôi từ thiện trước cổng Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ. Bằng nhãn quan của một nghệ sĩ, tác giả Nguyễn Trung Nguyên đã khiến người nghe đồng cảm: “Chỉ là chén cháo nhỏ thôi. Mà nghe hương sắc cuộc đời nở hoa”. Một tác phẩm khác của tác giả Nguyễn Trung Nguyên đoạt giải Khuyến khích tại cuộc thi là “Tấm lòng người cựu chiến binh” kể chuyện về một cựu chiến binh ở Phước Thới - Ô Môn gom góp tiền để mua xe cứu thương làm từ thiện. Với sự vận dụng nói lối, Lý Cái Mơn vào bài ca, tác phẩm trở nên hấp dẫn và đậm tính sân khấu. Tác giả Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, chính từ cuộc sống với những con người, câu chuyện đã chứng kiến và cảm nhận đã chắp cánh cho những bài vọng cổ của anh.

Ông Nguyễn Hoàng Dũ còn nêu thêm những nhân vật rất hay được các tác giả gửi gắm trong bài ca cổ dự thi. Đó là nữ Anh hùng Lê Hồng Quân can trường trong thời chiến và thời bình lại đau đáu tâm nguyện đi tìm mộ đồng đội. Hay là anh Tư Thành, một người đàn ông bao năm giữ gìn trật tự cho khu phố… Mỗi nhân vật một cảnh đời, một câu chuyện và một nghĩa cử nhưng họ có điểm chung là sống đẹp, sống vì mọi người, họ vẫn đang từng ngày làm theo lời Bác - đúng như chủ đề của cuộc thi.

Các tác giả tham dự cuộc thi này đều cho rằng, chủ đề cuộc thi “tuy dễ mà khó” bởi nếu không khéo sẽ dễ sa vào ca ngợi chung chung, hoặc giáo điều, sáo rỗng, không chạm được trái tim người nghe. Vậy nên, một mẫu nhân vật hay, một câu chuyện đẹp sẽ góp phần làm nên thành công cho tác phẩm. Đó thực sự là những giai điệu cuộc đời!

Sẽ thành lập câu lạc bộ Sáng tác cổ nhạc

Qua cuộc thi này, nhiều người băn khoăn về việc các tác giả dự thi và đoạt giải hầu hết là những tác giả quen thuộc, chưa thu hút người trẻ, người mới. Chủ tịch Hội Sân khấu Nguyễn Hoàng Dũ cũng nhận định, nhiều tác giả còn nghĩ gì viết nấy, thiếu tính nghệ thuật. Đây là hạn chế mà Hội Sân khấu đã nhìn thấy và hướng tới sẽ thành lập câu lạc bộ sáng tác để giao lưu với các câu lạc bộ sáng tác cổ nhạc tại TP Hồ Chí Minh nhằm nâng cao kỹ năng, phương pháp sáng tác.

 

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết