15/07/2014 - 20:47

Những điều có thể bạn chưa biết về chất béo

Chúng ta biết rằng thịt đỏ, mỡ động vật và bánh kẹo chứa nhiều chất béo bão hòa, vốn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, trong khi quả hạt khô, cá có dầu và các sản phẩm từ sữa lại chứa chất béo không bão hòa làm giảm nguy cơ nói trên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thông tin về chất béo mà chúng ta cần tìm hiểu để sử dụng chúng hợp lý và bảo vệ sức khỏe.

Chất béo là một nguồn năng lượng

Hầu hết năng lượng trong chế độ ăn của chúng ta đến từ carbohydrate (chất bột đường). Chất béo cung cấp từ 25-40% năng lượng cho người trưởng thành và 50% năng lượng cho trẻ nhỏ. Ở trẻ nhỏ, chất béo giúp thúc đẩy hình thành mô mỡ, giúp bé giữ ấm. Theo các chuyên gia, bổ sung chất béo vào thức ăn có thể làm tăng gấp đôi hàm lượng năng lượng của thực phẩm, còn loại bỏ chất béo khỏi thực phẩm (như thịt và sữa) thì giảm đáng kể hàm lượng năng lượng trong món ăn.

Tiêu thụ năng lượng càng ít, giảm cân càng nhiều

 

Giảm tiêu thụ năng lượng thay vì tăng hoạt động thể chất được xem là phương pháp giảm mỡ thừa hiệu quả nhất. Do đó, để giảm cân hiệu quả, bạn nên loại bỏ mỡ khi chế biến thịt và hạn chế dầu trong chế biến thức ăn, đồng thời cắt giảm nguồn cung tinh bột và đường cũng như các loại thức uống có cồn.

Tích tụ mỡ thừa ở đâu có hại nhất?

Đó là vùng bụng hoặc gan, những vị trí mà nếu có nhiều mỡ sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường típ 2.

Nữ giới thường tích tụ mỡ dưới da trong khi nam giới thường có mỡ trong phủ tạng. Khi năng lượng trong các tế bào mỡ được giải phóng, các axít béo sẽ thâm nhập dòng máu. Mỡ từ nội tạng di chuyển nhanh hơn mỡ dưới da và có thể tích tụ trong gan, do đó nam giới bất lợi hơn phụ nữ nếu ăn nhiều mỡ. Ngoài ra, mỡ cũng tích tụ trong gan nếu chúng ta dùng nhiều đường hoặc thức uống có cồn.

Cơ thể dùng chất bột đường làm năng lượng chứ không phải tạo thành chất béo

Theo các chuyên gia, rất ít chất béo được tạo thành trong cơ thể từ chất bột đường, do hầu hết chúng được chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể hoạt động. Tuy nhiên, nếu năng lượng dư thừa, chúng sẽ được tổng hợp thành chất béo tích tụ trong cơ thể, dẫn đến thừa cân hoặc béo phì.

Phụ nữ cần chất béo để sinh sản

Khoảng 20-30% trọng lượng cơ thể của một phụ nữ trưởng thành khỏe mạnh là mỡ. Nếu hàm lượng mỡ giảm xuống dưới 18%, việc rụng trứng của người phụ nữ sẽ dừng lại, nhưng nếu lượng mỡ quá cao, chiếm khoảng 50% thể trọng, nó có thể gây vô sinh.

Một số axít béo thiết yếu

Cơ thể chúng ta cần một số axít béo không bão hòa đa (PUFA), như linoleic và linolenic, trong chế độ ăn để có làn da khỏe mạnh. Những PUFA này (có nhiều trong dầu thực vật, các loại hạt và cá có dầu) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tim mạch, não bộ và chức năng thị giác.

Cơ thể cần chất béo để hấp thu một số vitamin

Mỗi ngày cơ thể cần khoảng 30g chất béo để thúc đẩy việc hấp thu các vitamin hòa tan trong chất béo như A, D, E và K, thường có trong các loại thực phẩm béo. Ví dụ, để tăng hấp thu carotene (tiền chất vitamin A), bạn cần ăn cà rốt và thêm một ít dầu.

Chất béo ảnh hưởng lớn đến hàm lượng cholesterol trong máu

Các thử nghiệm cho thấy thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa đa trong chế độ ăn giúp làm giảm hàm lượng cholesterol trong máu cũng như giảm tỷ lệ mắc bệnh tim.

Không phải mọi chất béo bão hòa đều có hại

Các chuyên gia cho rằng không phải chất béo bão hòa nào cũng làm tăng cholesterol trong máu. Sự gia tăng này thường bị tác động bởi các axít như lauric, myristic và palmitic. Các axít này làm tăng cholesterol “xấu” LDL nhưng cũng làm tăng cholesterol “tốt” HDL, giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Tuy nhiên, để kiểm soát cholesterol hiệu quả, bạn nên thay thế chất béo bão hòa (từ mỡ động vật, bơ, phô mai) bằng các loại chất béo không bão hòa đơn (dầu ô liu, dầu hạt cải) hoặc chất béo không bão hòa đa (dầu đậu nành, dầu hướng dương). Các nghiên cứu gần đây cho thấy thay thế bơ hoặc mỡ heo bằng dầu ô liu có thể giảm tới 10% LDL.

TRÍ VĂN (Theo Live Science)

Chia sẻ bài viết