08/05/2015 - 13:21

Những điều cần biết về rối loạn tiền đình

Trước đây rối loạn tiền đình (RLTĐ) chỉ phát triển trong nhóm bệnh nhân trung niên, lao động trí óc. Hiện nay, do áp lực môi trường sống (thời tiết nóng bức, công việc căng thẳng) và nhiễm độc từ thực phẩm nên RLTĐ xuất hiện ở người trẻ tuổi (trên 20 tuổi) và không lao động trí óc. Theo khuyến cáo từ các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, mức nguy hại là bệnh nhân bị RLTĐ do thiếu máu não hoặc có bệnh cao huyết áp đi kèm sẽ có nguy cơ đột qụy, dẫn đến tử vong.

* Không thể xem thường cơn chóng mặt

RLTĐ biểu hiện bằng những cơn chóng mặt và nặng đầu. Người bệnh có cảm giác mất thăng bằng, không thể tập trung suy nghĩ, chân tay tê do tổn thương hệ thần kinh (tai, tim mạch, mắt, tâm thần). Bệnh có thể diễn biến trong vài ba ngày, rồi hồi phục dần nhưng thường tái lại. Người bị RLTĐ thường gặp nguy hiểm khi tham gia giao thông. Ngày 30-4 vừa qua, BVĐK Trung ương Cần Thơ cấp cứu cho cả gia đình anh Nguyễn Văn Út (28 tuổi, ở Phụng Hiệp, (Hậu Giang) bị tai nạn giao thông. Anh Nguyễn Văn Út chở vợ và con gái lên TP Cần Thơ tham quan Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ. Lúc về đến cầu Cái Răng đã lên cơn chóng mặt làm xe ngã nhào. Con gái anh Nguyễn Văn Út ngồi phía trước xe bị ngã sấp, xây xát mặt và gãy xương đòn. Anh Nguyễn Văn Út nói: "Tôi đột ngột lên cơn chóng mặt, chỉ kịp giảm ga. May mắn khi cả nhà tôi té nằm dài trên mặt đường, không có xe tải ngang qua!". Anh Út cho biết thêm: "Khoảng hai năm nay, tôi thường bị chóng mặt, lảo đảo. Mỗi lần bị bệnh tôi khám bác sĩ tư và chẩn đoán bị RLTĐ".

Bệnh nhân bị RLTĐ cần được bác sĩ tư vấn để điều trị bệnh hiệu quả. Trong ảnh: Bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ đang tư vấn cho một bệnh nhân bị RLTĐ.

Do triệu chứng RLTĐ chỉ là chóng mặt, các bệnh viện đều tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân theo diện khám ngoại trú. Thực tế do tình trạng quá tải bệnh nhân ngoại trú, nên bác sĩ ở phòng khám không đủ thời gian để tư vấn giúp cho bệnh nhân bị RLTĐ điều trị đúng nguyên nhân gây chóng mặt. Ngoài ra, có trường hợp do cơ sở y tế không đủ trình độ chuyên môn, chỉ điều trị theo triệu chứng ban đầu, đã làm nguy hại cho bệnh nhân. Như trường hợp của ông Đỗ Phú Trọng (60 tuổi), ở quận Bình Thủy bị lên cơn đột qụy khi dự đám giỗ ở nhà người quen tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng (gần BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long) và đưa vào bệnh viện cấp cứu. Kết quả chụp DSA cho thấy ông Trọng bị nghẽn 2 đoạn mạch vành, phải đặt stent nong đoạn bị nghẽn mới duy trì sự sống. Chị Đỗ Thị Diễm Trang (giáo viên), con gái ông Trọng, nói: Ba tôi bị cao huyết áp, hầu như tháng nào cũng khám và nhận thuốc bảo hiểm y tế. Mấy tháng qua, khi ba tôi khai thêm chứng chóng mặt thì bác sĩ nói bị RLTĐ.

* Hiểu để điều trị đúng về RLTĐ

Theo Thạc sĩ – bác sĩ Lê Hoàng Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ thì RLTĐ là bệnh lý rất hay tái phát, ảnh hưởng ông việc và chất lượng cuộc sống. Có hai loại RLTĐ:

RLTĐ ngoại biên: chóng mặt khi thay đổi tư thế, đây là dạng bệnh lành tính, khiến người bệnh khó chịu trong sinh hoạt, cơn chóng mặt thường thoáng qua thời gian ngắn và xuất hiện khi thay đổi tư thế như: lắc đầu, từ nằm chuyển sang ngồi. Trường hợp nặng người bệnh không thể đi đứng được, cơn chóng mặt thường kèm theo nôn ói rất nhiều và kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung…

RLTĐ trung ương: Là bệnh lý thường gặp với những biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. RLTĐ trung ương là do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà nguyên nhân có thể là do xơ mỡ động mạch mang máu đến nuôi não bộ.

Để xác định chính xác, người bệnh cần đến khám tại chuyên khoa tai, mũi, họng và thần kinh. Bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang, CT Scanner hoặc phải sử dụng cộng hưởng từ (MRI).

* Cần phòng tránh nguy cơ

Để phòng ngừa và tránh tái phát bệnh, chúng ta cần tránh ngồi nhiều trong phòng lạnh, ngồi lâu trước máy vi tính hay một chỗ trong phòng; uống nước thường xuyên khoảng 2 lít/ngày; thường xuyên tập thể dục nhất là vùng đầu, cổ gáy; tập đẩy hơi vào 2 tai bằng cách dùng 2 bàn tay áp vào 2 bên tai mỗi ngày 50-100 lần. Người bệnh không nên quay cổ hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh; tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh nếu thường xuyên bị choáng váng. Bệnh nhân cũng cần giảm căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi ô tô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt... Chóng mặt ít khi là triệu chứng bệnh lý trầm trọng, nhưng nếu xuất hiện một trong các triệu chứng như: nhức đầu đột ngột, sốt từ 38 độ C trở lên, mờ mắt, không nhìn rõ sự vật, nhìn đôi, mất thị lực, giảm thính giác... thì nên đi khám ngay. Vì ngoài RLTĐ, các triệu chứng và dấu hiệu này có thể báo hiệu một số bệnh lý nặng như: tai biến mạch máu não, u não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng.

Bài, ảnh: ĐÌNH KHÔI

Chia sẻ bài viết