10/01/2021 - 08:10

Những công cụ mới giúp chẩn đoán sớm ung thư vú 

Theo tổ chức Nghiên cứu ung thư Vương quốc Anh (CRUK), việc tìm ra những phương pháp giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm mang lại cơ hội lớn nhất để cứu sống bệnh nhân. Vì lý do này, các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu những công cụ tầm soát ung thư vú mới để nâng cao triển vọng chữa trị cho bệnh nhân.

So với chụp nhũ ảnh 2D (trái), chụp nhũ ảnh 3D (phải) giúp bác sĩ phát hiện khối u dễ dàng và chính xác hơn. Ảnh: Prevention

Chụp nhũ ảnh 3D

Chụp nhũ ảnh tiêu chuẩn (Mammography, còn gọi là chụp X-quang tuyến vú) sử dụng 2 ảnh chụp X-quang mỗi bên ngực để tạo thành một bức ảnh 2D. Trong khi đó, chụp nhũ ảnh 3D mang đến hình ảnh chi tiết hơn về tình trạng ngực của bệnh nhân. Ở kỹ thuật này, máy X-quang xoay quanh bầu ngực để chụp nhiều ảnh, sau đó kết hợp lại thành một ảnh 3D.

Nghiên cứu đăng trên Tạp chí JAMA Oncology năm 2019 cho thấy chụp nhũ ảnh 3D giúp tăng 40% khả năng phát hiện ung thư vú, kể cả những khối u nhỏ, so với cách chụp nhũ ảnh thông thường và giảm sai số trong chẩn đoán. Hơn nữa, kỹ thuật mới còn có hiệu quả phát hiện ung thư vú tốt hơn ở những chị em có mô ngực dày vốn khó phát hiện qua ảnh chụp X-quang. Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Radiology, chụp nhũ ảnh 3D cũng giúp giảm một nửa số ca làm sinh thiết mô ngực không cần thiết.

Áo ngực “thông minh”

Với ý tưởng dùng công nghệ thiết bị đeo và cấy ghép để tầm soát ung thư vú, các chuyên gia tại Ðại học Stanford (Mỹ) đã sáng chế một loại áo ngực “thông minh” có khả năng phát hiện sớm dấu hiệu ung thư. Nhờ được trang bị các cảm biến nhiệt, loại áo này có thể giám sát sự tăng nhiệt ở mô vú, một dấu hiệu tiềm ẩn của ung thư. Khi phát hiện nhiệt độ tăng cao bất thường, áo sẽ gửi cảnh báo tới ứng dụng đi kèm trên điện thoại thông minh để nhắc người mặc nhanh chóng đi khám.

Xét nghiệm máu

Các xét nghiệm máu đơn giản, gọi là sinh thiết lỏng, có thể là yếu tố then chốt giúp nhận diện ung thư vú ở giai đoạn đầu, trước khi bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng. Phương pháp chẩn đoán ít xâm lấn này tập trung kiểm tra các dấu hiệu ung thư vú khác nhau như: các đoạn ADN do khối u thải ra trong máu, những thay đổi ADN do ung thư gây ra, prôtêin do khối u tiết ra và những thay đổi trong tiểu cầu.

Ðơn cử, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Jacqui Shaw dẫn đầu tại Ðại học Leicester (Anh) đang phát triển một loại xét nghiệm máu có thể phát hiện lên tới 50 đột biến gien khác nhau và nếu một phụ nữ có nhiều đột biến gien trong số này thì đó là dấu hiệu đã mắc ung thư vú.

Tầm soát bằng công nghệ AI

Ðể đảm bảo tính chính xác, kết quả chụp nhũ ảnh thường được 2 bác sĩ xem xét, nhưng sai sót trong chẩn đoán ung thư vẫn xảy ra. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy việc dùng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp giảm thiểu nguy cơ này. Lý do là chúng được thiết kế để nhận diện chính xác khối u trên những bức ảnh chụp X-quang vú.

Theo một nghiên cứu hồi tháng 11-2020, công cụ tầm soát AI mang tên Mia khi thay thế một trong hai bác sĩ để xem 40.000 hình ảnh chụp X-quang ngực đã nhận diện ung thư vú chính xác tương đương kết quả chẩn đoán của 2 bác sĩ. Một nghiên cứu khác đăng trên Tạp chí Nature sau đó còn chứng thực AI tầm soát ung thư vú dựa trên nhũ ảnh của 29.000 phụ nữ đúng như kết quả của 2 bác sĩ cộng lại.

Xét nghiệm hơi thở và nước mắt

Hóa chất là những chỉ dấu ung thư vú được thải ra trong hơi thở và nước mắt của chúng ta. “Tế bào ung thư có quá trình chuyển hóa khác với tế bào khỏe mạnh. Chúng sử dụng thức ăn theo cách thức khác với tế bào thông thường và tạo ra các chất thải khác nhau bay hơi khỏi phổi và có thể phát hiện được từ hơi thở. Ðiều này tương tự với nước mắt” - Tiến sĩ David Crosby thuộc CRUK giải thích.

Còn Tiến sĩ Linda Hovanessian Larsen tại Ðại học Nam California (Mỹ) thì cho biết so với phụ nữ khỏe mạnh, phụ nữ bị ung thư vú có sự biến động khác thường về các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) trong hơi thở. Vì thế, nhóm của bà đang phát triển một xét nghiệm hơi thở tên là BreathLink. Theo đó, người dùng thổi hơi vào một túi và mẫu hơi thở sẽ được phân tích thông qua quy trình gọi là sắc ký khí - kỹ thuật giúp tách và nhận diện các thành phần VOC. Thử nghiệm cách chẩn đoán đơn giản, không đau và chi phí thấp này trên 593 phụ nữ cho thấy BreathLink nhận diện chính xác 83% trường hợp ung thư, tương đương kết quả chẩn đoán bằng chụp nhũ ảnh và sinh thiết mô vú.

Gần đây, các nhà khoa học Nhật Bản cũng phát triển xét nghiệm TearExo để tìm dấu hiệu ung thư vú trong nước mắt của bệnh nhân. Xét nghiệm sử dụng một thiết bị đặc biệt để truy vết exosomes - những phân tử chứa đầy prôtêin và các đoạn ADN được cho là thúc đẩy tế bào ung thư phát triển.

AN NHIÊN (Theo Daily Mail)    

Chia sẻ bài viết