22/10/2008 - 21:25

Những "chiến sĩ thầm lặng"

Người trong ngành y thường ví điều dưỡng viên là những “chiến sĩ thầm lặng”, bởi họ luôn đứng phía sau chăm sóc bệnh nhân, giúp cho việc điều trị của bác sĩ được tốt hơn. Công việc của một điều dưỡng trong bệnh viện (BV) thường rất cực, áp lực cao, thu nhập thấp, nếu không yêu nghề sẽ khó lòng trụ vững. Ở BV Tâm thần và BV Nhi đồng TP Cần Thơ, nơi bệnh nhân không tự chủ được mình thì điều dưỡng viên càng nhọc nhằn gấp bội phần...

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến An, Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần TP Cần Thơ, điều dưỡng trong BV ông lúc nào cũng thiếu. Hiện BV chỉ có 12 điều dưỡng: 5 nam, 7 nữ. BV nhỏ, bệnh nhân nằm lại thường xuyên, cơ sở vật chất thiếu thốn nên công việc chữa trị gặp nhiều khó khăn.

Bệnh nhân của BV Tâm thần là người không được bình thường, đủ dạng bệnh như động kinh, tâm thần phân liệt, hoang tưởng, ám ảnh, lo âu, rối loạn cảm xúc, hành vi, các bệnh loạn thần do rượu, ma túy... Bên cạnh giúp bệnh nhân phục hồi chức năng, điều dưỡng viên còn phải giúp họ bình ổn về mặt tâm lý. Ngoài chuyên môn thông thường, điều dưỡng phải có kỹ năng đối phó với bệnh nhân khi họ lên cơn. Điều dưỡng viên ở đây gần như không ngồi yên vì lúc nào bệnh nhân cũng kiếm chuyện quậy phá, không chịu uống thuốc, đòi tự sát, xé quần áo, la hét. Nhiều nhân viên trẻ mới ra trường vào làm mấy bữa chịu không nổi, xin nghỉ. Đào tạo được một điều dưỡng viên có tay nghề, tận tâm với bệnh nhân tâm thần là điều không đơn giản. Do đặc thù ngành nghề khó đi làm thêm bên ngoài nên cuộc sống anh em khá chật vật. Bác sĩ An nói: “Lãnh đạo BV cố gắng giúp nhân viên cải thiện thu nhập, nhưng không thấm vào đâu khi giá cả mỗi ngày leo thang. Chúng tôi mong có đất xây dựng BV lớn hơn, được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại để phục vụ công tác chuyên môn. Hiện tại, BV đang trong tình trạng quá tải, chật hẹp, máy móc thiếu nên bộ phận điều dưỡng gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc bệnh nhân”.

Ở BV Tâm thần, do môi trường làm việc căng thẳng, điều dưỡng viên trực suốt 24 tiếng, sau đó được nghỉ bù ngày hôm sau và vài ngày sau mới trực trở lại để tránh bị stress. Thường bệnh nhân mới vô hay kích động, phải 2-3 điều dưỡng viên thay phiên tiếp xúc, dỗ dành, dùng liệu pháp tâm lý trị liệu... Không ít bệnh nhân khỏi bệnh mau hơn dự kiến từ sự tận tâm của đội ngũ điều dưỡng viên. Có chứng kiến cảnh điều dưỡng viên nhẫn nại năn nỉ bệnh nhân ăn cơm, uống thuốc, chăm chút chải từng lọn tóc, trang điểm khi bệnh nhân yêu cầu hay kiên nhẫn ngồi nói chuyện không đâu hàng mấy giờ đồng hồ để dẫn dắt bệnh nhân trở lại con người bình thường mới thấy hết tấm lòng của những “chiến sĩ thầm lặng”. Mọi người vẫn thường nhắc nhau: “Nhẹ nhàng, nhiệt tình, coi bệnh nhân như người thân của mình” để làm việc cho tốt hơn.

Các điều dưỡng ở BV Tâm thần TP Cần Thơ đang chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: KIỀU CHINH 

Chị Nguyễn Thị Bích Phượng, Điều dưỡng trưởng BV Tâm thần, cho biết: “Bệnh nhân tâm thần rất đáng thương, không biết phân biệt đúng sai, nên mình phải giúp đỡ họ nhiều hơn. Mỗi khi bệnh nhân lên cơn, có những tình huống nguy hiểm đến cả tính mạng, chúng tôi phải dũng cảm đối phó. Nhưng khi qua cơn, họ lại rất hiền. Nhiều bệnh nhân khỏi bệnh không chịu về, cứ đòi ở luôn trong BV để được gần gũi, nhìn thấy điều dưỡng viên mỗi ngày”. Bác sĩ Lê Hoàng Vũ, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, tâm sự: “Chúng tôi bị bệnh nhân đánh hoài, cào cấu, cắn, lấy dép chọi, phun thuốc vào mặt... Lúc đầu vào làm tôi sốc lắm, nhưng sau này gắn bó, không dứt ra được. BV Tâm thần như sân khấu cuộc đời, đủ chuyện bi hài. Hạnh phúc của chúng tôi là giúp bệnh nhân tìm lại được lý trí của mình”.

Vai trò chung của điều dưỡng viên là nhận định tình trạng người bệnh, thực hiện kỹ thuật chăm sóc, nhưng ở mỗi BV lại có đặc thù công việc riêng. Ở BV Nhi đồng TP Cần Thơ, điều dưỡng viên đôi lúc còn đảm nhận cả vai trò làm mẹ của các em nhỏ. Ngày nào cũng vậy, mới 6 giờ sáng, bệnh nhân đã ngồi đợi chật cứng ở các phòng khám, riêng khoa cấp cứu gần như làm không ngơi nghỉ. Điều dưỡng viên qua lại như con thoi, lưng áo và trán ướt đẫm mồ hôi nhưng các chị vẫn cười tươi, xoa dịu nỗi đau bệnh tật cho các bé.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Điều dưỡng trưởng BV Nhi đồng TP Cần Thơ, nói, duyên nợ gần 30 năm gắn với các bệnh nhi là cái nghiệp của chị. Từ y tá sơ học, chị Hà vừa học vừa làm, lấy được bằng cử nhân, giờ đã lên quản lý. Biết bao kỷ niệm gắn kết chị và những chị em điều dưỡng khác với nơi này. Có những bệnh nhân vô mê man, sau khi khỏe, về kiếm mấy cô thưa. Nhìn các bé tung tăng, mấy cô cười mà rưng rưng nước mắt. Thương nhất là những em ở quê nghèo, không tiền. Gần gũi, chăm sóc nên các chị biết rõ từng hoàn cảnh bệnh nhân. Chính các chị đã làm đơn xin miễn giảm viện phí, thuốc thang, xin quà từ thiện cho các em khó khăn. Cách đây không lâu, có một bà mẹ nghèo ở một vùng sâu của tỉnh Hậu Giang, đưa con bệnh nặng vào BV Nhi đồng chữa trị, không có tiền về quê. Chị Hà đã xuất tiền túi giúp bà qua cơn khốn cùng. Người mẹ lam lũ không biết cảm ơn làm sao, cứ ôm tay chị, khóc mướt. Chị Hà bộc bạch: “Làm ở BV nhi điều đầu tiên là phải biết thương trẻ. Nghề này cực, nhưng bù lại được nhiều hạnh phúc từ tình cảm bệnh nhân”.

Ngoài chị Hà, ở BV Nhi đồng TP Cần Thơ còn nhiều người có thâm niên hơn 20 năm như chị Nguyễn Hồng Hạnh, Điều dưỡng trưởng khoa chống nhiễm khuẩn; chị Phạm Kim Bé, Điều dưỡng trưởng khoa sốt xuất huyết... Chị Bé nhớ lại thời gian mới vào cách đây 25 năm, khổ không kể xiết. Máy móc thiếu, găng tay cũng không có, không đủ bình oxy để thở, điều dưỡng phải hà hơi hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân. Chị Bé cười hiền: “Lúc vô làm tóc đen, giờ đã bạc gần hết. Thu nhập thấp, nhưng chúng tôi ráng gói ghém để lo cho gia đình, hiếm ai đi làm thêm bên ngoài, chỉ dốc sức chăm sóc bệnh nhân. Các cháu không phải con mình, nhưng thương lắm. Nếu không yêu nghề thì khó lòng bám trụ”. Công việc hiện tại của chị Bé là phụ trách hướng dẫn sinh viên thực tập tại BV. Chị luôn dặn các em phải nhiệt tình làm tròn nhiệm vụ mới có khả năng duy trì nghề nghiệp lâu dài.

Điều dưỡng khoa nhi có những quy tắc ràng buộc nghiêm ngặt. Trách nhiệm của điều dưỡng viên rất cao vì sự an toàn của các bé phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng quan sát của điều dưỡng viên, nếu sơ suất, cấp cứu không kịp là nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân nhi không biết bày tỏ, chỉ khóc, nếu người nhà nóng ruột có thái độ và lời nói không hay, xúc phạm điều dưỡng nhưng điều dưỡng không được phép “nổi nóng”, phải thông cảm, nhẹ nhàng giải thích. Chị Hà cho biết, lãnh đạo thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tác phong làm việc cho nhân viên.

Hiện BV chỉ có hơn 100 điều dưỡng viên, đa phần là nữ, luôn thiếu người. Vào những đợt dịch bệnh cao điểm, các chị gần như thức trắng nhiều đêm liền. Phần đông các chị đều có tình cảm gắn bó với trẻ, tan trực thường không về mà ở lại phụ gia đình bệnh nhi, làm hết việc chứ không hết giờ. Điển hình là điều dưỡng khoa nhiễm Nguyễn Thị Bạch Liên. Có con nhỏ dưới 18 tháng nên BV yêu cầu chị chuyển sang khoa khác để tránh nguy cơ lây nhiễm cho con, nhưng đi vài ngày chị quay lại vì khoa nhiễm đang thiếu người, không nỡ bỏ chị em. 11 năm qua, mỗi ngày chị đều hai lượt đi về Vĩnh Long - Cần Thơ để bám trụ công tác. Chị Liên tâm sự: “Đôi lúc mình cũng không chịu nổi điều tiếng từ người nhà bệnh nhân khi họ xót con, không giữ được bình tĩnh, nhưng rồi cũng qua hết. Có con càng thương các bé hơn. Chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng giúp các bé bằng tất cả khả năng của mình”.

Trong những lần đi thực tế, chúng tôi thấy ao ước chung của anh chị em làm nghề điều dưỡng là mong một ngày nào đó ngành điều dưỡng và điều trị sẽ kết hợp song song, chứ không chỉ là phụ tá cho bác sĩ như bây giờ. Và khi được đặt đúng vị trí của mình, công sức của những “chiến sĩ thầm lặng” sẽ được nhìn nhận thỏa đáng hơn, để họ có điều kiện dành tâm huyết của mình vào công việc cứu người cao quý.

Ghi chép KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết