07/02/2016 - 15:21

Những cánh én dệt đời nên xuân...

Một tình yêu đằm sâu với văn hóa Nam bộ, một tấm lòng đong đầy đam mê với nghệ thuật và một con tim luôn khát khao cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc… Họ gặp nhau ở sự dấn thân, sáng tạo và hơn cả là nặng lòng với quê hương để mang đến cho văn hóa- nghệ thuật Cần Thơ một năm đầy sắc màu.

Cuộc đời và hành trình đi tìm nét đẹp cuộc sống của những nghệ sĩ đất Tây Đô như bản hòa âm réo rắt, ngân vang trong lòng người. Bất giác ví von, họ là những cánh én dệt đời nên xuân…

Khơi nỗi nhớ đồng

"Miền đồng bằng sông nước Cửu Long đã níu chân tôi từ những ngày đầu tiên đến đây. Con người, cây cỏ, cảnh vật, nếp sinh hoạt… cứ cuốn hút, khiến tôi nôn nao, mong muốn mang hơi thở của sông nước vào văn chương..."- nhà văn Lương Minh Hinh khởi chuyện như thế về cuộc đời gần 50 năm cầm bút mà trong đó hơn nửa thời gian ông dành trọn tình cảm cho vùng châu thổ hào sảng, phóng khoáng này.

Trước khi gặp nhà văn Lương Minh Hinh, trong hình dung của tôi, ông có dáng vẻ lãng tử, phong trần, thậm chí là chút gì đó bụi bặm. Có lẽ sự tưởng tượng đó bắt nguồn từ giọng văn phóng khoáng, cách sử dụng từ ngữ mạnh mẽ của ông. Thế nhưng, mở cửa đón tôi là một nhà văn Lương Minh Hinh nho nhã, cử chỉ mực thước… Nhìn ông, tôi chợt nghĩ đến hình ảnh một ông giáo già an nhàn. Ông cười hiền lành: "Thì tôi nguyên là giáo viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ mà! Tôi gốc Hưng Yên, từ năm 1983 cả gia đình mới chuyển vào Cần Thơ sinh sống".

 

Nghe giọng nói, tôi đã ngạc nhiên khi biết ông không phải là dân gốc Nam bộ. Giờ biết ông quê ở tít Hưng Yên thì càng ngạc nhiên hơn. Ngạc nhiên bởi đọc truyện của ông, chất miền Tây cứ lồ lộ qua câu chữ. Nào là "Mèng ơi! Cô ba sấu cắn chưn! Kiếm tiền lai rai sông nên đường nước Kinh Tầu chảy tới ngày nay..." (Câu ca xứ Kinh Cùng), hay "Mấy ngày đường ngược tới vùng năng nác ập uôm tiếng ếch, chíp chiu tiếng chim, Ba Dậu liền lẹ tay gác chèo. Nàng tới lui thăm dò tìm được mạch nước trong mát, liền cắm cái cọc neo, thổi bếp un nấu cơm…. Cái bếp un mũi xuồng của chàng cũng hồng rực, mùi thịt gà nướng thơm phưng phức…" (Nước đổ xổ tiếng gà)… Nhà văn Lương Minh Hinh tâm tình mà như lý giải: "Hơn 50 năm cầm bút, tôi có hơn 30 năm rong ruổi qua tất cả các tỉnh, thành của châu thổ Cửu Long. Những truyện ngắn của tôi đều được khơi nguồn cảm hứng từ sông nước, con cá, ghe xuồng, những mùa nước nổi… Tôi mở lòng đón nhận, trân trọng, yêu mến sự mộc mạc, bình dị của vùng đất này và thể hiện điều đó qua những trang viết của mình… Tôi đặc biệt quan trọng câu chữ, sao cho đúng với cách nói, nếp nghĩ của người vùng quê sông nước".

 

Năm 1993, tập truyện ngắn đầu tiên "Con mèo và tiếng mõ cá" ra đời, như cột mốc đánh dấu 10 năm nhà văn đồng bằng Bắc bộ an cư ở đất Cần Thơ. Những câu chuyện xoay quanh cuộc sống ở miền quê sông nước, từ tiếng ru "ầu ơ… ví dầu" đến sinh hoạt, thói quen và "cách" sống của người nhà quê… được ông kể lại một cách gần gũi, giản dị. Nhà văn chia sẻ: "Điều khiến tôi ấm lòng là nhiều đồng nghiệp nói rằng, "Con mèo và tiếng mõ cá" cho thấy văn chương của tôi đã được "Nam bộ hóa", tôi đã hòa nhập được vào cuộc sống đồng bằng". Đó là sự khích lệ để Lương Minh Hinh tiếp tục dấn thân vào nghiệp văn chương. Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang... những vùng đất mà ông đi qua, những chi tiết mà ông quan sát, những câu chuyện mà ông nghe kể… khơi mạch cảm xúc để lần lượt các tập truyện ngắn ra đời: "Chén bạch đàn" (1999), "Bến Mỵ Nương" (2004), "Đỉnh lũ tuổi thơ" (2005)… Theo dòng thời gian, chất Nam bộ trong tác phẩm của Lương Minh Hinh ngày càng "đậm đà" hơn. Ông sử dụng thuần thục ngôn ngữ địa phương theo một cách rất riêng để định vị Lương Minh Hinh trong dòng chảy văn chương Cửu Long. Đó là sự pha trộn tài tình của ngôn ngữ Nam- Bắc, bác học- bình dân: Cô gái tung dây neo ghe, chỉ cọc neo bảo: "Dây tìm cọc đó, buộc cho chắc nhe". Buộc neo xong thì chủ thành kẻ theo sau khách hầu chuyện. Hai vắt óc nhớ mà không ra cô gái có tới đây lần nào chưa? Thế mà đừng nói gia viên mương vườn chuồng trại dê… cả công việc chăn nuôi trong đầu óc tâm tưởng Hai cô cũng khui trúng phóc" (Thủy Dương).

* * *

Khi nói về kinh nghiệm viết truyện ngắn, nhà văn Raymond Carver viết: "Trước hết là sự thoáng thấy. Rồi cái thoáng thấy ấy được ban sức sống, biến thành cái gì đó làm khoảnh khắc ấy rực lên và có thể nó để lại trong tâm thức của người đọc một dấu vết không thể tẩy xóa". Đọc truyện ngắn của Lương Minh Hinh, ban đầu, độc giả dễ bị hấp dẫn bởi cách kể chuyện, giọng văn là lạ. Và khi đóng sách lại rồi, điều còn đọng lại trong lòng là những câu chuyện đẹp về lối sống nghĩa nhân, về cách hàng xóm láng giềng đối đãi nhau như chén nước đầy, về những nét đẹp của văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại… Cốt truyện đôi khi rất đơn giản nhưng ông làm cho độc giả phải nhớ bởi những chi tiết "đắt giá" được chắt lọc kỹ càng, nằm gọn trong mạch truyện, câu chữ dân dã. Ví như cây bẹo, vốn là biểu tượng của đời thương hồ. Thế nhưng, hình ảnh cây bẹo đi vào truyện "Cây bẹo hàng" còn là "dấu hiệu" để đôi trai gái tìm thấy nhau trong thời chiến tranh loạn lạc.

 Nhà văn Lương Minh Hinh.
Ảnh: Lam Tuyền

Cuộc sống châu thổ Cửu Long hiện lên trong truyện ngắn của Lương Minh Hinh qua những hình ảnh quen thuộc, từ chiếc áo bà ba, câu ca, lời ru... cho đến những địa danh, thói quen, tập tục, văn hóa đặc trưng của từng tỉnh, thành... gợi cảm giác hết sức gần gũi, thân quen. Để kể câu chuyện mùa nước nổi, Lương Minh Hinh đã "lội" ra giữa đồng mênh mông nước, tận mắt chứng kiến con nước lên, dâng cao huốt ngọn sào thế nào. Để mở ra bức tranh về cuộc sống, sinh hoạt của người Khmer Nam bộ (Niềng Om Bok), ông đi khắp Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh... Ông viết về ân tình bằng giọng văn tỉnh bơ: "Vợ Hai Phạm bị lật ghe đuối nước theo chồng ngoài nghĩa địa, bỏ hai núm ruột- thằng Hai Văn Vạn, mười hai tuổi và con Út Thùy tám tuổi đầu. Hai đứa trẻ thành con nuôi cả ấp làng Rạch Cây. Sớm khuya, bến Hai Phạm động chèo lái, người từ các nhà ghé cho gạo mắm, người chợ về cho quà, người đồng về cho cá tôm, bồn bồn, điên điển, củ co" (Bến Rạch Cây). Rõ ràng, nếu không trải nghiệm, không sống cùng thì làm sao có thể am hiểu tính cách của người miền Tây xem việc nghĩa nhân là lẽ thường tình để thể hiện được như thế!

Không chỉ ở địa hạt truyện ngắn, tên tuổi của nhà văn Lương Minh Hinh còn gắn với hàng loạt kịch bản phim truyện, kịch bản phim tài liệu: "Người anh hùng ném trái" (từng đoạt Giải Khuyến khích Kịch bản phim truyền hình Cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật TP Cần Thơ 2005), "Vòng hoa Champay", "Người bạn trên đồng", "Đêm ước nguyện" (đều đoạt Huy chương Bạc Liên hoan phim truyền hình toàn quốc 1995, 1997 và 1998)... Một điểm chung là tất cả đều xoay quanh đề tài về con người, cảnh sắc, cuộc sống ở đồng bằng sông Cửu Long.

* * *

Chia tay nhà văn Lương Minh Hinh, ông khoe năm 2015, truyện ký "Cầu khỉ bờ vai" của ông đoạt giải Khuyến khích trong Cuộc vận động sáng tác văn học về Giao thông vận tải của Bộ Giao thông vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. "Cầu khỉ bờ vai"- nghe là biết rặt chuyện miền Tây và không thiếu chất hóm hỉnh của Lương Minh Hinh. Tuổi đã ngoài 70, sức khỏe không còn cho phép theo những cuộc hành trình dài nhưng nói đến chuyện đi, chuyện viết, ông vẫn đầy hăm hở. Với những trải nghiệm được trầm tích theo thời gian cộng với sự chiêm nghiệm ở tuổi "cổ lai hy", nhà văn Lương Minh Hinh vẫn tiếp tục khiến độc giả của ông rạo rực nỗi nhớ đồng quê khi lần giở từng trang sách.

An Chi

Đóa "Hồng vàng"

Năm 2015 là một năm "bội thu" của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trương Ánh Hồng (Cần Thơ) khi chị lập "hat-trick" tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật truyền thống TP Cần Thơ lần thứ 17- đoạt cả 3 giải Nhất, Nhì, Ba; và tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật ÐBSCL lần thứ 30, tên chị một lần nữa được xướng lên ở ngôi vị cao nhất- giải Vàng. Thành quả đó kết tinh từ những năm tháng vượt bao trắc trở để theo đuổi đam mê, săn tìm khoảnh khắc. Trong những câu chuyện của người nghệ sĩ vừa bước sang tuổi 53 vào mùa xuân này, tình yêu nhiếp ảnh chưa bao giờ vơi cạn.

Tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật ĐBSCL lần thứ 30-2015, khi tác phẩm "Anh thợ sơn" của nghệ sĩ Trương Ánh Hồng được xướng danh ở vị trí cao nhất, nhiều người bày tỏ sự đồng tình qua những cái bắt tay, những nụ cười sẻ chia…

 NSNA Trương Ánh Hồng (thứ 2, từ phải qua) nhận giải Vàng Liên hoan
ảnh nghệ thuật ĐBSCL lần thứ 30-2015. Ảnh: DUY KHÔI 

Nụ cười chất phác, hồn hậu cùng đôi mắt lấp lánh như biết nói làm bừng sáng gương mặt lấm lem của anh thợ sơn. Chị chọn thể loại ảnh đen trắng thể hiện tác phẩm nhằm làm toát lên sự giản dị và niềm vui lao động của người công nhân. "Anh thợ sơn" là cú bấm máy tình cờ trong tích tắc. Tác phẩm ra đời trong lần chị cùng đoàn NSNA Cần Thơ sáng tác tại xí nghiệp đóng tàu ở quận Ninh Kiều. Tàu đóng còn dang dở, bối cảnh chưa đặc sắc nên mọi người chuẩn bị ra về "tay trắng". Thế nhưng, trong lúc chào từ biệt, chị chợt bắt gặp một anh thợ sơn đang trao đổi công việc với đồng nghiệp có nụ cười tươi rói. Và ống kính được đưa lên vội vàng để thu lại khoảnh khắc quí giá ấy.

Dường như NSNA Ánh Hồng rất có duyên với những khoảnh khắc tình cờ. Tác phẩm "Mùa xuân của mẹ" đoạt giải Nhất Cuộc thi Ảnh nghệ thuật truyền thống TP Cần Thơ lần thứ 17-2015, cũng là cú bấm máy chợt đến ở một quán cà phê. Hình ảnh người mẹ nâng niu, hôn má đứa con gái chưa thôi nôi với vẻ trìu mến, mãn nguyện cùng nụ cười như thiên thần của cháu bé được nghệ sĩ Ánh Hồng thể hiện đầy cảm xúc. Bố cục cắt cúp táo bạo, chặt chẽ, nguồn sáng xiên tươi tắn đã mang đến một "Mùa xuân của mẹ" đầy ấn tượng.

Nói là tình cờ nhưng để "bắt" được những khoảnh khắc hiếm hoi tỏa sáng ấy là cả sự tổng hòa giữa kiên nhẫn, nhạy cảm, bản lĩnh và trải nghiệm của một NSNA. Cuộc đời Ánh Hồng là những chuyến thiên di. Quê gốc ở Bình Định, sinh ra ở Đà Nẵng, tuổi thơ ở TP Hồ Chí Minh và trưởng thành trên quê hương Cần Thơ. Và, nhiếp ảnh đến với chị như một ngả rẽ tình cờ trong cuộc thiên di ấy. Từng chọn học ngành sư phạm với ước mơ trở thành cô giáo nhưng rồi vì hoàn cảnh gia đình, chị đành gác lại ước mơ ấy. Vào công tác ở văn phòng Hội Văn nghệ TP Cần Thơ (cũ) năm 1985, chị Ánh Hồng được dịp kết thân với những NSNA tên tuổi của Cần Thơ như Lý Wầy, Văn Ngọc Nhuần, Trần Văn Bé, Tô Hoàng Vũ… Những người thầy đầu tiên đã khơi dậy tình yêu "nghệ thuật của ánh sáng" trong chị. Từ thành quả đầu tiên là tác phẩm "Về nguồn" đạt giải tại Trại sáng tác ảnh nghệ thuật ĐBSCL do Cần Thơ tổ chức năm 1991, Ánh Hồng bắt đầu cuộc hành trình săn tìm khoảnh khắc. Với hàng loạt giải thưởng trong nước và quốc tế, chị trở thành Hội viên Hội NSNA Việt Nam năm 2000 và năm 2014, chị vinh dự được kết nạp vào Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế- FIAP.

Có thể thấy, ống kính của NSNA Ánh Hồng thường hướng vào mảng đề tài con người. Đó là hình ảnh người Mẹ Việt Nam anh hùng tươi cười bên các đoàn viên thanh niên; một anh lính đặc công hóa thân trong cánh rừng già; một người phụ nữ cần mẫn vá lưới… Những hỉ, nộ, ái, ố của đời người được chị gửi gắm trong từng cú bấm máy để làm nên những tác phẩm rất người và rất đời! Còn trong mắt bạn bè, đồng nghiệp, Ánh Hồng là một nghệ sĩ dấn thân, chịu khó đeo bám đề tài. Ngày cầu Cần Thơ khánh thành, suốt một tháng trời, cứ độ 4 giờ sáng chị lại xách xe đến bên dốc cầu chờ bình minh lên. Bao năm chụp ảnh chợ nổi vào xuân nhưng mỗi khi ngọn gió chướng hanh hao thổi về, người ta lại thấy Ánh Hồng vác ba lô, khệ nệ ống kính, chân máy đi tìm hương xuân chợ nổi. Lần leo núi ở Hòn Nghệ (Kiên Giang), chị bị gai đá vôi cứa nát bàn tay; rồi trượt chân ở ruộng bậc thang Hà Giang; hay suýt chết ngạt trong hệ thống hang ở Hà Tiên (Kiên Giang)… Với chị, đó chỉ là chuyện nhỏ trên hành trình đi tìm cái đẹp.

Trong cuộc "trà dư tửu hậu" dịp Liên hoan Ảnh nghệ thuật ĐBSCL lần thứ 30, nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Lãnh (Kiên Giang), nói rằng, nghe nghệ sĩ Ánh Hồng đoạt giải Vàng, không chỉ anh mà nhiều đồng nghiệp đều mừng vì nhiều lẽ. Đó là thành quả cho một nghệ sĩ mẫn cán, chuyên tâm với đam mê và quan trọng hơn nữa là động lực để chị vượt qua khó khăn phía trước. Mấy năm nay, căn bệnh nan y làm hao mòn sức khỏe và cả nhan sắc mặn mòi một thời của chị. Vì gia đình, vì đam mê nghệ thuật, 53 tuổi, chị vẫn đi về lẻ bóng. Ai đã từng chứng kiến cảnh Ánh Hồng gầy gò, đôi tay run rẩy, giọng nói rời rạc vì yếu sức, tỉ mẫn đút từng muỗng sữa cho người cha đang nằm một chỗ mới cảm nhận hết được nghị lực và sự hy sinh của chị. Chị bùi ngùi: "Những lần sức khỏe yếu, nghe anh em đi sáng tác, mình không đi được thật bứt rứt, khó chịu. Nhưng đành vậy, biết sao!".

*

* *

Chiều cuối năm, hơi lạnh của ngọn gió chướng thổi rào rạt từ dòng Hậu Giang. Nhấp ngụm trà nóng, chị Ánh Hồng cười nhẹ nói với tôi rằng: "Với tôi, hơn 25 năm theo đuổi nhiếp ảnh, "mất" không ít mà "được" cũng rất nhiều. Đó là được đi, được trải nghiệm, được thân quen với những người bạn đồng điệu, được nhìn thấy cuộc sống đẹp biết nhường nào". Nói rồi, chị nhanh nhảu mở ống kính, ngắm chiếc ghe chở đầy hoa xuân đang lướt nhanh trên dòng sông Hậu…

Duy Khôi

"Sứ giả biển đảo"

Chưa đầy một năm gắn bó với công việc thuyết minh tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam nhưng Nguyễn Thị Hoàng Oanh- Phó Phòng Trưng bày- Giáo dục của Bảo tàng TP Cần Thơ, được nhiều người khắp các vùng miền biết đến và trìu mến gọi chị là "cô gái Cần Thơ" hay "sứ giả biển đảo". Ðôi mắt sáng, cương nghị, giọng nói tự tin, Hoàng Oanh truyền cho người nghe sự xúc động, niềm tự hào…- những cảm xúc dâng trào từ trái tim "nóng hổi" vì chủ quyền Tổ quốc của chị.

Chiều cuối năm, hẹn gặp Hoàng Oanh ở một quán cà phê quen. Và tôi lại gặp một hình ảnh rất quen thuộc: Oanh tỉ mẩn lần giở từng trang của một quyển sách dày cộm, dù nhìn còn rất mới nhưng đã nhàu vì dường như được đọc đi đọc lại quá nhiều lần. Chị đang tìm thêm tư liệu để chuẩn bị thuyết minh tại buổi triển lãm chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho một đơn vị quân đội ở Bình Dương.

Thường xuyên đến Bảo tàng Cần Thơ nên tôi khá quen với hình ảnh Hoàng Oanh thuyết minh các hiện vật tại đây. Dịu dàng và thân thuộc như chị đang kể cho khách tham quan nghe chuyện quê mình. Thế nhưng, tôi như thấy một Hoàng Oanh khác, khi nghe và xem chị thuyết minh cho Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Cần Thơ vào cuối tháng 3-2015, hay tại Hậu Giang vào tháng 10-2015. Cô gái Cần Thơ trong chiếc áo dài với hoa văn là lá cờ Tổ quốc, giọng dõng dạc, chỉ tay lên từng bản đồ, hiện vật khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đôi mắt chị bừng sáng sau chiếc kính cận dày cộm, gương mặt nhìn thẳng đầy quyết đoán, giọng nói chắc, khỏe và dứt khoát như truyền lửa đến mọi người. Và rồi, khi nói đến sự kiện Hải chiến Trường Sa năm 1988, khi nhắc đến những chiến sĩ Gạc Ma đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ lá cờ Tổ quốc tung bay trên biển Đông… giọng Oanh trầm xuống, lắng đọng khiến nhiều người mắt đỏ hoe…

 Hoàng Oanh (bìa phải) giới thiệu về Cần Thơ tại Tuần lễ Du lịch Xanh ĐBSCL 2015.  Ảnh: Duy Khôi

Công việc thuyết minh cho bộ tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa đến với Hoàng Oanh như một cơ duyên và chị đã tận tâm tận lực để nuôi giữ cơ duyên ấy. Thực ra, trước nay, công việc này đều do Tiến sĩ, nhà nghiên cứu biển Đông- Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội TP Đà Nẵng, đảm trách. Tại thuyết minh triển lãm trong khuôn khổ Hội sách Cần Thơ 2015, phát hiện tố chất của Hoàng Oanh, ông Sơn đã mạnh dạn "truyền nghề" cho chị. Ngay trong Hội sách, Hoàng Oanh đã tự tin thuyết minh triển lãm thật ấn tượng. Để rồi từ Cần Thơ, chị là người duy nhất trong cả nước được chọn đi Khánh Hòa, Vũng Tàu, Côn Đảo, Hậu Giang, Đà Lạt, Hòa Bình… để thuyết minh. Hoàng Oanh tâm sự rằng, dù đã nhiều lần thuyết minh triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa nhưng chị vẫn cảm thấy lo lắng và tự nhủ phải thường xuyên cập nhật thông tin, trau dồi kỹ năng để bài thuyết minh của mình sinh động và hấp dẫn hơn. "Mỗi câu nói tôi đều thấy trách nhiệm mình trong đó. Bởi chỉ cần một sai sót nhỏ, ảnh hưởng thật khó lường"- Oanh bộc bạch. Chị bồi hồi nhớ lại lần ở Khánh Hòa, sau khi thuyết minh kết thúc, một người phụ nữ luống tuổi đến nắm chặt tay chị và nói: "Cám ơn cô, cô làm tôi xúc động quá. Tình yêu biển đảo quê hương như được vun bồi thêm trong người tôi vậy…". Với Hoàng Oanh, đó là động lực để chị càng thêm tận tâm, gắn bó với công việc của mình.

Mỗi nơi đến thuyết minh, Hoàng Oanh còn làm nhiệm vụ tập huấn, truyền đạt kỹ năng cho cán bộ Bảo tàng địa phương. Không ít lần Oanh vấp phải ánh mắt "ngờ vực" bởi thoạt nhìn, chị khá "non"- cả về vóc dáng, ngoại hình lẫn tuổi đời, tuổi nghề… Thế nhưng, nghe chị thuyết minh, tiếp xúc, làm việc với chị, sự ngờ vực dần tan đi, nhường chỗ cho tình cảm quý mến và tin tưởng. Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn- người thầy truyền nghề cho Hoàng Oanh, rất hài lòng trước sự tiến bộ của chị. Ông chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với những nỗ lực của Hoàng Oanh và cảm ơn cô ấy đã thay tôi đảm nhiệm xuất sắc việc thuyết minh tại các cuộc triển lãm chủ quyền. Không chỉ chuẩn bị một nền tảng kiến thức khá tốt về những vấn đề lịch sử và pháp lý liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam, Hoàng Oanh còn rất chịu khó học hỏi".

* * *

Đến với Bảo tàng Cần Thơ, nếu có cô thuyết minh viên cười tươi rói, bắt đầu bài thuyết minh về lịch sử, văn hóa Cần Thơ bằng giọng hò ngọt lịm: "Hò… ơ… Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về…", thì hẳn đó là Hoàng Oanh. Chị thân tình, thủ thỉ kể cho khách nghe về nét đẹp Cần Thơ. Đưa tay vuốt lại mái tóc gọn gàng, Oanh hồi tưởng, mới đó mà đã 15 năm gắn với công việc thuyết minh bảo tàng. Từ buổi đầu ngỡ ngàng của một cô cử nhân Anh Văn, đến nay, Oanh đã trở thành một trong những thuyết minh viên giỏi của Bảo tàng Cần Thơ. 15 năm qua, chị đã cùng đơn vị thực hiện nhiều chương trình giáo dục di sản ý nghĩa, như: "Đưa di sản vào trường học", tổ chức cho học sinh thực tế làng nghề, di tích… góp phần vun đắp tình yêu lịch sử, tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ. Và, chị không thể nào quên những lần xuôi Nam ngược Bắc, từ đồng bằng đến miền trung du, góp tiếng nói khẳng định chủ quyền biển đảo, truyền tình yêu đất nước cho đồng bào khắp mọi miền và tiếp thêm niềm tin để ngư dân vươn khơi bám biển.

Hoàng Sa - Trường Sa tuy rất “xa xôi” với Cần Thơ, nhưng vùng đất này có những người luôn đặt chủ quyền biển đảo quốc gia trong tim của mình. Và Hoàng Oanh là một trong những người như thế.

(Tiến sĩ, nhà nghiên cứu biển Đông- Trần Đức Anh Sơn)

15 năm góp tiếng nói cho hiện vật tưởng chừng vô tri "lên tiếng", Hoàng Oanh luôn tri ân những đồng nghiệp đã động viên, giúp đỡ, tri ân Bảo tàng Cần Thơ đã tạo mọi điều kiện để chị hoàn thành nhiệm vụ… Về phần mình, chị nói, chỉ có tình yêu và tâm huyết với nghề để truyền lửa cho khách tham quan…

Năm 2015, Hoàng Oanh và Bảo tàng Cần Thơ ghi dấu ấn với Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông vì thành tích tuyên truyền chủ quyền biển đảo trong năm. Bạn bè, đồng nghiệp gọi Oanh là "sứ giả của biển đảo Việt Nam". Oanh bẽn lẽn khước từ bởi chị chỉ xem đó là nhiệm vụ của một người trẻ yêu Tổ quốc.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết