11/04/2021 - 07:55

Những bệnh sản sinh khi cơ thể thiếu chất 

Một chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ dưỡng chất là rất cần thiết để có một đời sống khỏe mạnh. Bởi cơ thể chúng ta cần “nạp” nhiều loại dưỡng chất để đảm bảo mọi chức năng hoạt động bình thường. Ngược lại, cơ thể thiếu dưỡng chất sẽ dẫn đến những biến đổi trong hoạt động chuyển hóa năng lượng, chức năng miễn dịch, chức năng nhận thức, chức năng cơ - xương cũng như sự phát triển chung của cơ thể. Ðáng lo ngại hơn là tình trạng cơ thể thiếu chất có thể làm phát sinh nhiều bệnh, điển hình như sau:

1. Loãng xương. Căn bệnh do cơ thể bị thiếu vitamin D và canxi này ảnh hưởng đến sức khỏe của xương và cột sống, khiến xương dễ gãy hơn và cấu trúc cột sống bị khiếm khuyết. Theo Tổ chức Loãng xương Quốc tế, phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn nam giới.

Ngoài tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu canxi và vitamin D như chuối, cải bó xôi, sữa và đậu bắp, mỗi người có thể thực hiện một số biện pháp khác để phòng ngừa và kiểm soát loãng xương như không hút thuốc và không uống nhiều rượu, cẩn trọng khi đi đứng, thường xuyên thực hiện các bài tập rèn sức chịu nặng (như đi bộ) và các bài tập tăng cường sự dẻo dai và thăng bằng (như yoga).

Xét nghiệm máu là một phương pháp giúp phát hiện cơ thể đang thiếu những dưỡng chất nào để có hướng điều chỉnh thích hợp.​

2. Thiếu máu do thiếu sắt. Tình trạng cơ thể thiếu sắt diễn ra khi số lượng hồng cầu hoặc huyết sắc tố (hemoglobin) trong máu giảm, khiến người bệnh luôn thấy mệt mỏi, suy nhược và xanh xao.

Bệnh thiếu máu có thể được chữa bằng cách tiêu thụ các thực phẩm giàu chất sắt, gồm cả từ nguồn thực vật là các loại hạt, đậu phụ, các loại rau lá xanh đậm và từ nguồn động vật như thịt, cá và trứng. Ngoài ra, chúng ta có thể tăng khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể bằng cách kết hợp thực phẩm giàu chất sắt và giàu vitamin C với nhau.

3. Bướu cổ. Ngoài nguyên nhân chính là thiếu i-ốt, các nguyên nhân khác gây ra bệnh này gồm: hệ miễn dịch tấn công tuyến giáp, hút thuốc, ăn quá nhiều một số loại thực phẩm nhất định (như đậu nành, đậu phộng hoặc các loại rau thuộc họ cải và bắp cải). Bướu cổ có thể dẫn đến suy giáp, kém phát triển và chậm phát triển trí tuệ. Tiêu thụ vừa đủ muối i-ốt và cá nước mặn có thể giúp ngăn chặn nguy cơ khởi phát bệnh này.

4. Quáng gà. Một nguyên nhân chính gây ra bệnh quáng gà là do thiếu vitamin A và có thể dẫn đến mù lòa nếu bệnh tiến triển nặng. Trong trường hợp bị quáng gà do thiếu vitamin A, thì hoàn toàn có thể chữa khỏi. Trong số những thực phẩm giàu vitamin A có cà-rốt và các loại rau lá xanh đậm.

5. Trầm cảm. Việc thiếu hụt một số dưỡng chất - như vitamin D, axít béo omega-3, magiê, vitamin B phức hợp và  folate - được coi là một nguyên nhân chính dẫn tới trầm cảm. Các triệu chứng của bệnh này có thể ảnh hưởng đến tất cả khía cạnh trong cuộc sống, bao gồm công việc, chế độ ăn uống, giấc ngủ và các mối quan hệ cá nhân.

6. Beriberi. Căn nguyên của bệnh này là sự thiếu hụt vitamin B1, với những triệu chứng điển hình như thoái hóa cơ, giảm khả năng phối hợp cơ và các vấn đề về tim mạch.

Tiêu thụ thịt, trứng, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt rất giàu thiamine hoặc vitamin B1 có thể giúp kiểm soát nguy cơ khởi phát các vấn đề sức khỏe do Beriberi gây ra.

Ngoài 6 bệnh lý nói trên, tình trạng cơ thể thiếu chất còn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác như: khô, nứt và bong tróc da môi, loét miệng, chảy máu nướu răng, sưng lưỡi, sinh gàu và rụng tóc, móng tay giòn, chán ăn và suy nhược cơ thể, bệnh còi xương ở trẻ nhỏ, bệnh nhuyễn xương ở người già, hội chứng chân không yên…

Nhìn chung, phần lớn tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng của cơ thể có thể giải quyết bằng cách kết hợp các loại thực phẩm và dưỡng chất bổ vào chế độ ăn uống hằng ngày.

AN NHIÊN (Theo Boldsky) 

Chia sẻ bài viết