31/03/2021 - 15:04

Nhựa sinh học làm từ phế liệu gỗ

Trong nỗ lực giảm ô nhiễm rác nhựa, các nhà khoa học Mỹ vừa phát triển thành công một loại nhựa sinh học bền chắc và có thể phân hủy hoàn toàn chỉ trong 3 tháng.

Ðể làm ra loại nhựa thân thiện hơn với môi trường này, nhóm nghiên cứu tại Ðại học Yale đã thu gom phế liệu gỗ (mùn cưa, dăm bào) - phế phẩm có nhiều tại các xưởng gỗ, sau đó phân giải cấu trúc của chúng bằng một dung môi Eutectic sâu (DES) có đặc tính dễ phân hủy và tái chế. Nhờ đó, hỗn hợp thành phẩm - tức nhựa sinh học mới - có độ rắn chắc và độ dẻo cao, dễ đúc và cán mà không bị đứt gãy. Loại nhựa này bền chắc và có độ ổn định rất cao khi dùng đựng chất lỏng và chống được tia cực tím (tia UV) trong ánh nắng.

Nhằm đánh giá khả năng phân hủy, các chuyên gia đã chôn các tấm nhựa sinh học vào đất và nhận thấy nó bắt đầu tan rã sau 2 tuần và phân hủy hoàn toàn sau 3 tháng. Không chỉ vậy, nhựa mới còn có thể biến đổi thành dạng bùn, cho phép các chuyên gia thu hồi và tái sử dụng dung môi DES.

Theo các tác giả, nhựa sinh học mới có rất nhiều ứng dụng tiềm năng, ví dụ như làm màng lót trong túi nhựa và bao bì, hoặc chế biến thành các sản phẩm sử dụng trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất xe hơi.

HƯƠNG THẢO (Theo SciTechDaily, New Atlas)

Chia sẻ bài viết