21/11/2022 - 12:37

Nhộn nhịp xóm nghề làm cầu lông vịt 

Bài, ảnh: Kiến Quốc

Tại hẻm 68, khu vực 6, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, nhiều người dân mưu sinh, gắn bó với nghề làm cầu lông vịt hơn mấy chục năm qua. Ngày ngày, mọi người quây quần thực hiện nhiều công đoạn. Người thì may cầu, người lắp đế… tạo thành một xóm lao động thủ công khá nhộn nhịp.

Cán bộ Hội LHPN quận Ninh Kiều, Hội LHPN phường Cái Khế thăm hỏi tình hình sản xuất của hội viên phụ nữ ở xóm nghề làm cầu lông vịt.

Cán bộ Hội LHPN quận Ninh Kiều, Hội LHPN phường Cái Khế thăm hỏi tình hình sản xuất của hội viên phụ nữ ở xóm nghề làm cầu lông vịt.

Những ngày cuối năm, vợ chồng chị Trần Kim Lén tất bật với công việc để kịp cung ứng sản phẩm ra thị trường. Chị Lén chia sẻ: "Tôi gắn bó với nghề làm cầu lông vịt hơn 15 năm qua. Trước đây, tôi bán bắp nấu. Về sau, do chồng bị tai biến nên tôi chuyển sang nghề này, làm tại nhà để tiện chăm sóc chồng". Thời điểm đầu, chị Lén chỉ học lóm nghề làm cầu lông vịt từ các hộ lân cận. Nhưng từ sự chịu khó học hỏi, nghề dạy nghề, bây giờ chị Lén đã tạo lập nên một cơ sở làm cầu lông vịt có tiếng, được mối lái tin tưởng.

Quá trình khởi nghiệp của chị Lén có sự hỗ trợ không nhỏ từ Hội LHPN phường Cái Khế. Được Hội LHPN phường giới thiệu, hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Lén có điều kiện đầu tư máy móc, mua thêm nguyên liệu. Vừa thoăn thoắt đóng từng chiếc đế cầu, chị Lén cho biết để làm một chiếc cầu đá "ngon" thì khâu đóng đế và lựa lông vịt rất quan trọng. Đế cầu phải được xiết dây chì không quá lỏng, không quá chặt; lông vịt phải đều. Làm cầu lông vịt có nhiều công đoạn, như hớt lông vịt, ráp cầu, may… nên chị phải thuê thêm 3 nhân công từ các hộ gia đình lân cận. Giá thuê gia công được trả tương ứng với độ khó của từng công đoạn. Trung bình mỗi người nhận gia công có thu nhập khoảng 700.000-1,4 triệu đồng mỗi tháng. Theo chị Lén, thông thường vào mùa bắt đầu năm học mới kéo dài đến hết năm học của học sinh là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất với nghề. Vì đa số hàng đều cung ứng cho học sinh tập luyện thể thao. "Trung bình mỗi tháng, tôi làm và xuất bán 4.000-5.000 chiếc cầu cho mối lái tận tỉnh Vĩnh Long. Giá bán cho mối lái khá ổn định với mức giá 35.000 đồng/10 chiếc cầu lớn, 30.000 đồng/10 chiếc cầu loại nhỏ. Hàng có bao nhiêu, mối lái tiêu thụ bấy nhiêu nên gia đình tôi không lo thiếu nguồn tiêu thụ" - chị Lén nói.

Thời điểm này, nhà chị Nguyễn Thị Hà cũng rộn ràng, tất bật. Trung bình mỗi tháng, chị giao cho mối lái, tiểu thương ở TP Cần Thơ trên 3.000 chiếc cầu với giá bán 3.600 đồng/chiếc. Chị Hà bộc bạch: "Hơn 20 năm trước, tôi là một trong những hộ làm nghề cầu lông vịt đầu tiên ở đây. Hiện nay, đã có rất nhiều hộ làm nghề nên đông vui lắm. Tuy là nghề thủ công nhưng cũng rất vất vả. Trước đây, hầu hết bà con làm nghề đều phải tận dụng chai nhựa để cắt thành từng miếng nhỏ, các miếng đế xốp cũng được làm bằng tay. Dần dà, khi có máy dập, chúng tôi mới tiết kiệm nhiều thời gian và công sức hơn". Chị Hà cho biết, nhìn chiếc cầu lông đơn giản như vậy nhưng để làm ra 1 sản phẩm hoàn thiện phải qua rất nhiều công đoạn. Vì thế, hầu hết các gia đình đầu mối như gia đình chị đều phải thuê từ 4-5 nhân công từ các hộ gia đình lân cận. 

Hơn 10 năm nhận gia công cầu lông vịt, chị Nguyễn Thị Trinh, chia sẻ: "Ngày trước, tôi đi làm phụ hồ. Giờ lớn tuổi nên tôi nhận hàng gia công. Giá thuê gia công tùy theo từng công đoạn khác nhau, như công đoạn hớt lông vịt có giá 22.000 đồng/kg, công đoạn khâu lông vịt có giá 30.000 đồng/100 chiếc cầu, vô miếng nhựa có giá 5.000 đồng/100 chiếc cầu… Nghề này có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, người già trẻ nhỏ đều có thể làm. Nhờ nghề này, tôi có thu nhập khoảng 80.000 đồng mỗi ngày".

Theo nhiều hộ dân làm nghề, tại xóm nghề cầu lông vịt hiện có 6 gia đình làm đầu mối chính và hàng chục thành viên nhận gia công sản phẩm. Hầu hết các chị em làm nghề đều là hội viên phụ nữ. Những năm qua, các chị em luôn hỗ trợ, giúp nhau cùng vươn lên trong cuộc sống, chia sẻ với nhau nguyên liệu, giới thiệu mối lái… Cách làm ăn đoàn kết này đã góp phần làm nên thương hiệu, giúp người dân xóm nghề ăn nên làm ra bằng một nghề thủ công rất đỗi bình dân.

 

Chia sẻ bài viết