06/03/2019 - 10:16

Nhớ “Tung lò mò Anas”

Ra Giêng kéo dài cho đến tháng 4 mùa lễ hội vía Bà Chúa xứ ở Châu Đốc (An Giang) là dịp góp mặt nhiều sản vật, món ngon đặc sản ở vùng biên, bảy núi góp mặt trình làng. Những ngày này “tung lò mò” của Anas tất bật vào mùa đón khách.

Soleh và sản phẩm tung lò mò. Ảnh: CL

Mohamad Soleh nói “tung lò mò” thoạt nghe tên rất lạ, nhưng đối với người Chăm Châu Giang là món truyền thống làm từ thịt bò và cơm nguội. Trong khi những người Chăm chỉ làm “Tung lò mò” dùng trong gia đình, Soleh khởi nghiệp với đặc sản “Tung lò mò Anas”. Nhưng có vẻ không khác lắm trong cách chế biến của người Kinh, Hoa làm thịt lạp từ thịt heo, thịt vịt. Tung lò mò có sự khác biệt từ khâu nguyên liệu và hương vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng.

Từ bao đời nay, món Tung lò mò dành cho những ngày Tết Haji (Tết vô tuổi) cổ truyền của người Chăm – giống như Tết Nguyên đán của người Việt, chọn thịt bò làm thực phẩm. Trong mấy ngày Tết trong xóm cứ ba bốn nhà thường giết bò xẻ thịt chia nhau ăn mừng, ấm áp tình thân.

Tung lò mò ngon “độc chiêu” nhưng “ẩn dật” một thời gian dài quanh quẩn ao làng là do khẩu vị riêng và quá thận trọng khi quyết định thương mại hóa. Thế mới hiểu Soleh là người tiên phong đưa Tung lò mò ra ngoài và thực sự quá nhiều thách thức khi khẩu vị thực khách chưa quen và Soleh đã có những ngày dài tự chỉnh lại cách chế biến.

Du khách hành hương về Châu Đốc ngày thêm đông, không ít người tìm mua Tung lò mò. Dòng chảy du khách và lời truyền miệng dần dần xô cánh cửa thị trường cho Tung lò mò rộng đường đi. Soleh vui vì anh đọc được suy nghĩ và làm đúng khẩu vị của người mua mà vẫn giữ cốt cách Tung lò mò.

Soleh nói rằng khác biệt chính là Tung lò mò được làm từ loại thịt bò thật ngon phần đùi, bắp và ruột bò được sơ chế thật sạch trước khi chọn phần thịt bò trộn với mỡ băm nhuyễn với các thành phần gia vị rồi cho dồn vào phần ruột bò và thắt từng khúc tròn và đem phơi nắng vài ba lần. 

“Chỉ có món lạp xưởng bò khơi dậy mùi vị hấp dẫn nhất khi nướng trên bếp than hồng, mỡ màng tươm ra bóng mịn hòa cùng mùi thơm theo làn khói quyện ngất ngây!” - Soleh chỉ dẫn một cách ăn.

Nhớ hồi bảy năm trước, Soleh chuyển nghề từ buôn bán nhỏ sang chế biến Tung lò mò, xem đó là cách khởi nghiệp có màu sắc Chăm Châu Giang. Khẩu vị thực khách “chín người mười ý”, đôi khi anh tự hỏi: Sao tự dưng mình giống như làm dâu trăm họ? Thoạt đầu hàng bán không chạy, Soleh nghĩ trong bụng: Chắc bỏ cuộc. Cách làm cũ, thịt lạp còn tươi khó bảo quản được lâu. Thực khách này thích mỡ, người kia chuộng nhiều nạc, Soleh kiên nhẫn chỉnh sửa.

Bây giờ Tung lò mò Anas trở thành nhãn hàng đặc trưng có hai loại, mỗi ký 200.000 - 220.000 đồng tùy theo người chuộng ăn theo tỷ lệ từng loại nạc nhiều hay mỡ nhiều. Soleh cũng học được nhiều, anh sắm thiết bị sấy công nghiệp và không dùng chất bảo quản, bao bì hút chân không nên thời hạn bảo quản kéo dài tới 4-5 tháng (trong tủ đông), vận chuyển xuất bán đi xa. Vào mùa bán chợ Tết vừa qua, từ đầu tháng Chạp, lượng hàng Tung lò mò bán ra trên 100 kg/ngày, từ 20 tháng Chạp tới giáp Tết mức tiêu thụ tăng hơn gấp đôi, gấp ba lần.

Năm nay, Tung lò mò hiệu Anas ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang) đã có đại lý ở An Giang, Trà Vinh, TP Hồ Chí Minh… ra các tỉnh miền Trung, Hà Nội, Quảng Ninh.

Trong 2 năm liên tiếp 2017 và 2018, Soleh được sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến thương mại An Giang, sản phẩm Anas đã chào hàng ở Kualalumpur (Malaysia), thực khách chuộng mùi vị, hàng chở theo không đủ bán. Tháng 4 tới đây, Soleh sẽ làm cuộc hành trình tiếp thị sản phẩm, tiếp tục đưa Tung lò mò sang hai nước láng giềng Campuchia và Lào. Soleh nói ở vùng biên này, các làng nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm, khăn rằn và nay đến lượt Tung lò mò tiếp cận thị trường và đi sang các quốc gia láng giềng.

Soleh tự nguyện làm sứ giả mang văn hóa ẩm thực Chăm giao lưu với các dân tộc anh em.

 HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Tung lò mò Anas