29/10/2011 - 21:31

Nhớ "trận Cầu Vông" ở Vũng Liêm

Ở ngã ba An Nhơn, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, có một tượng đài gồm hai người cao hơn chục thước, đứng uy nghi, oai vệ được nhân dân địa phương rất tôn kính. Đó là tượng đài của Đốc binh Lê Cẩn – thủ lĩnh trận đánh Cầu Vông và thuộc hạ tâm phúc của ông là Nguyễn Giao.

Huyền tích “trận Cầu Vông” cũng là một trong những cách giải thích về xuất xứ địa danh Vũng Liêm ngày nay.

Từ TP Vĩnh Long, đi theo quốc lộ 53 khoảng hơn 30 km là đến địa phận ngã ba An Nhơn, huyện Vũng Liêm. Tại nơi đây, các vị cao niên thường kể nhiều về trận đánh Cầu Vông của Đốc binh Lê Cẩn và Nguyễn Giao.

Được biết, sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Vĩnh Long lần thứ hai năm 1867, lòng dân căm phẫn và uất ức vô cùng. Dưới ách đô hộ của thực dân và bè lũ tay sai bán nước, nhiều vị quan thanh liêm và sĩ phu yêu nước đứng lên tập hợp nghĩa binh chống Pháp - trong đó, nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa của hai người con cụ Phan Thanh Giản là Phan Tôn và Phan Liêm ở Ba Tri (lúc bấy giờ thuộc Vĩnh Long). Nhưng tất cả đều thất bại.

 Tượng đài Đốc binh Lê Cẩn và Nguyễn Giao. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Cách vàm sông Cổ Chiên chừng 4km, có ông Lê Cẩn và Nguyễn Giao cũng đứng lên kháng Pháp. Ông Lê Cẩn nguyên là võ quan, làm đến chức Đề Đốc của triều Nguyễn nhưng bởi chán ghét sự bất lực của triều đình và tủi nhục trước cảnh đất nước bị xâm lược nên rời quan trường dấy binh khởi nghĩa. Do có sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng, vũ khí nên trận đánh vào dinh quận của giặc do Phó Mai – thuộc hạ của hai ông chỉ huy đã thành công và giết được tên chủ quận Thực và 6 thuộc cấp. Sau sự kiện, thực dân Pháp cử Đốc phủ sứ Tôn Thọ Tường về trấn nhậm vùng đất này.

Lê Cẩn bèn nghĩ ra kế sách “dụ hổ vào chuồng”. Ông gửi thư xin hàng cho tên Tham biện của Pháp ở Vĩnh Long là tên Alix Salicetti (dân gian Vĩnh Long quen gọi là tên Bồi Xê). Mặc dù Tôn Thọ Tường can ngăn vì nghĩ là mưu của Lê Cẩn, Nguyễn Giao nhưng Bồi Xê không nghe. Ngày 15-2-1872, Bồi Xê cùng tùy tùng đến đoạn gần cầu Vông, nơi hai ông Lê Cẩn – Nguyễn Giao hẹn để nộp vũ khí. Hắn vừa đến nơi, Đốc binh Lê Cẩn chống gậy tầm vông nhảy vọt qua đầu cầu, ôm tên Bồi Xê quật xuống đất. Thấy chủ bị uy hiếp nên lính không dám nổ súng. Thừa cơ, đội binh bọc lót do Nguyễn Giao chỉ huy kéo ra tấn công khiến quân giặc thương vong khá nhiều. Trong trận này, Đốc binh Lê Cẩn và tên Bồi Xê ôm vật nhau, rớt xuống sông và chết.

Sau thảm bại, Pháp cử tên Việt gian Trần Bá Lộc – một tên đại gian ác – đem lính về tàn sát dân chúng. Cũng cần biết thêm, Trần Bá Lộc chính là kẻ đã truy đuổi anh hùng Nguyễn Trung Trực, cầm quân tấn công khu Bảy Thưa, Láng Linh, bắt sống Thủ khoa Huân... Bởi thế ca dao Nam bộ còn nhắc:

“Việt gian có lũ thằng Tường

Thằng Lộc, thằng Tấn,

thằng Phương một bầy”

(Tức: Tôn Thọ Tường, Trần Bá Lộc, Huỳnh Công Tấn, Đỗ Hữu Phương). Tên Lộc đã thẳng tay giết hại người dân một cách không tiếc: “Ở lại trong nhà thì chết cháy, liều mạng chạy ra ngoài thì ngã gục vì súng đạn chong vào. Còn người nào sống sót, không bị chết thiêu, không bị bắn ngã thì rồi cũng bị đám quân của tên Tổng đốc Lộc chặn bắn và giết chết tất cả” (“Vĩnh Long xưa”, Huỳnh Minh, trang 215). Sau lần thảm sát của tên Lộc, xác người chết đầy cả một vùng. Truyền thuyết thuật lại rằng, vùng ấy trở nên linh thiêng: “Một vùng âm khí nặng nề, thê lương áo não, đêm đêm nghe như có hằng trăm, hằng ngàn tiếng ma kêu, quỷ khóc...” (sách đã dẫn, trang 215). Mãi cho đến mấy mươi năm sau, dù nơi đây đã tái lập xóm làng, dân cư khắp nơi đến sanh cơ lập nghiệp nhưng mỗi khi nhắc đến tích xưa với bao huyền tích, người dân không khỏi rùng mình và căm phẫn. Cũng từ đó người ta gọi nơi này là Vũng Linh – cái vũng linh thiêng. Sau gọi trại thành Vũng Liêm cho đến ngày nay.

Về phần Nguyễn Giao, sau thời gian ẩn náu, dấy binh thêm lần nữa nhưng thất bại và bị giặc bắn chết khi đang vượt sông Cổ Chiên, xác trôi mất dạng.

* * *

Về Vũng Liêm hôm nay, khách cảm nhận được sự mát lành của những làn gió từ sông Cổ Chiên thổi vào, đi dưới những vườn trái cây đang mùa thu hoạch. Các xã, thị trấn của huyện Vũng Liêm hầu như đều trải dài theo dòng Cổ Chiên cùng với hai xã cù lao Thanh Bình và Quới Thiện. Thiên nhiên ưu đãi cho Vũng Liêm đất đai màu mỡ, kênh rạch chằng chịt nên thuận lợi cho việc trồng trọt, giao thương đi lại và phát triển du lịch. Quốc lộ 53 vừa mới nâng cấp và sự hoàn thiện của các tỉnh lộ 31, 39... nối liền đến các huyện, xã lân cận đã nối Vũng Liêm gần hơn với quá trình hội nhập. Những di tích văn hóa lịch sử như: chùa Hạnh Phúc Tăng, đền Chu (Châu) Văn Tiếp, đình Bình Phụng, tượng đài Đốc binh Lê Cẩn – Nguyễn Giao, bia Nam kỳ khởi nghĩa hay đồng Láng Thé... đã góp thêm vào bản đồ du lịch đặc trưng, thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Người dân Vũng Liêm bao đời nay rất đỗi tự hào có tinh thần yêu nước nồng nàn. Hễ quê hương có bóng quân thù là nhân dân lại vùng lên đánh giặc – tiếp nối truyền thống của “Trận Cầu Vông” lịch sử. Vũng Liêm chính là nơi đầu tiên nổ ra cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ trên đất Vĩnh Long. Nơi đây là đất mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng bao người con ưu tú như: Nguyễn Việt Hùng, Lê Văn Hoàng, Lê Quang Phòng, Nguyễn Chí Trai... Đặc biệt, Vũng Liêm chính là quê hương của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – bác Sáu Dân kính mến.

Vũng Liêm có những địa danh thắm tình đoàn kết như Mây Tức, cầu Mới...; những tên đất, tên làng: Trung Hiếu, Trung Nghĩa, Trung Chánh, Trung Thành, Hiếu Thuận, Hiếu Nhơn... thể hiện ước mơ và lối sống nhân nghĩa, hiền hòa tự ngàn xưa trên vùng đất địa linh nhân kiệt. Nghe mấy câu vọng cổ ngọt ngào: “Về Vũng Liêm nghe yêu mến thiết tha, một ngọn tầm vông xưa, một mũi chông tre đánh giặc. Một nghĩa trang, bao nấm mồ đồng chí cũng nói cùng ta về lẽ sống làm người. Đường về quê em xanh xanh triền lúa...” (“Vũng Liêm ơi, một khúc ca” của soạn giả Ngô Hồng Khanh), lòng chợt bồi hồi chuyện xưa tích cũ.

Đặng Duy

Tài liệu tham khảo:

- Vĩnh Long xưa, Huỳnh Minh, NXB Thanh niên, 2002.
- Nghìn năm bia miệng (tập 2), Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường, NXB TP Hồ Chí Minh, 1993.

Chia sẻ bài viết