Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và làng nghề bánh phồng Sơn Đốc (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều người thắc mắc hỏi nhau rằng, bánh tráng, bánh phồng ở đây thì khác gì xứ khác? Tôi đã từng thắc mắc như vậy và rồi khi tới lui mấy bận, đã tìm ra phần nào câu trả lời.
Chạy xe non nửa tiếng từ trung tâm thành phố Bến Tre thì đến địa phận Giồng Trôm, có cầu Chẹt Sậy làm ranh giới. Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, thuộc xã Mỹ Thạnh, tới trước; sau mới tới xã Hưng Nhượng để đến làng nghề bánh phồng Sơn Đốc. Lần nào về Giồng Trôm, tôi cũng được những người bạn thơ văn bổn xứ kể chuyện đời và không quên mời khách bánh tráng, bánh phồng. Mời bằng cả niềm tự hào.
Phơi bánh tráng Mỹ Lồng. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Tôi nhớ hoài, mỗi khi gió chướng hanh hao, là bài thơ của nhà thơ Trần Nguyền mà anh đọc cho tôi nghe, không biết bao lần. Bài thơ với tên gọi “Những vầng trăng của mẹ”, có đoạn anh viết vầy:
“Thuở nằm nôi
Đêm đêm vang vọng
Tiếng quết bánh phồng tan vào lời ru của mẹ
Ngọt lịm đường
Cốt dừa béo ngậy
Mùi hành thơm giờ mãi còn vương.
Ngỡ ngàng sao
Khi bình minh thức dậy
Chiếu đầy trăng trắng nõn
Mặt trời nhấp nháy
Nghiêng mắt nhìn chẳng muốn về xa…”
Tôi hiểu rằng, chỉ những người cố cựu, xa nhà một ngày đã nhớ, mới viết nên những vần thơ như vậy.
* * *
Sáng tinh mơ, tôi cùng thân hữu đến với làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng. Bà Nguyễn Thị Mỹ, một hộ dân làm nghề lâu năm, vồn vã mời khách vào nhà để xem mọi người tráng bánh. Những vá bột trắng trong, thơm phức được những người phụ nữ khéo léo tráng mỏng, tròn và đều tăm tắp. Gia đình bà Mỹ đã hơn nửa thế kỷ theo nghề. Bánh tráng quê hương đưa gia đình bà qua những tháng ngày cơ cực. Nhờ nghề mà chị em bà lớn lên đầy sức sống như rặng dừa quê hương, người trở thành bà giáo, người trở thành ông cử, còn lò bánh thì không bao giờ tắt lửa. Đó là cái nghĩa với nghề, bà Mỹ nói vậy!
Dọc làng nghề, từng liếp bánh tráng đều tăm tắp, trắng tinh tươm trong nắng mới cứ như hút hồn du khách. Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng có gần 250 hộ, trong đó tập trung nhiều ở ấp Nghĩa Huấn với hơn 150 hộ tráng bánh. Bánh tráng Mỹ Lồng có nhiều loại: bánh tráng nem, bánh tráng nước cốt dừa, bánh tráng sữa, bánh tráng hột gà… Các vị thâm niên trong nghề tráng bánh chia sẻ, trong khâu làm bánh, phần nêm và khuấy bột là khá quan trọng để tạo nên hương vị bánh ngon, ngoài ra cũng phải kết hợp tốt với các khâu còn lại: tráng bánh cho đẹp và phơi bánh đủ độ nắng để cho ra chiếc bánh hoàn hảo nhất.
Bà con kể lại, làng nghề này đã có hơn 100 năm tuổi. Lúc đầu, bà con chỉ tráng ăn trong những ngày Tết, giỗ. Rồi vì công chuyện bận rộn, bà con mang gạo, đường, dừa… nhờ hàng xóm tráng giúp. Những đứa trẻ lớn lên từ những liếp bánh trước nhà, chiếc lò tráng sau bếp… lớn lên thì làm nghề, yêu nghề và giữ nghề. Bánh tráng Mỹ Lồng truyền đời từ đó.
Cán bánh phồng Sơn Đốc. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Để “mục sở thị” bà con Hưng Nhượng làm bánh phồng thế nào, để nghe tiếng quết bánh phồng “phập phình… phập phình…” khi gà chưa gáy, tôi phải khởi hành từ hơn 2 giờ sáng. Đó là ngày thường chứ ngày giáp Tết, làng nghề rộn ràng từ nửa đêm.
Lão nông Sáu Hát là người làm nghề bánh phồng có tiếng ở Hưng Nhượng. Ổ xôi đầu tiên được ông Sáu Hát quết xong, quết bằng máy nhưng cho “uống nước đường” bằng tay. Vợ ông và những người thợ vo viên ổ xôi đã quết mịn để cán thành những chiếc bánh tròn, đều. Những đôi bàn tay thô ráp, chai sần nhưng khi cán bánh lại thoăn thoắt, tài hoa như một nghệ sĩ. Mấy chục năm cứ “phập phình… phập phình…”, ông Sáu Hát nói như cười rằng ông bị “ghiền nặng” tiếng quết bánh phồng quê hương. Bà Sáu Hát thì khoe rằng, bánh nhà làm giờ không chỉ bán các tỉnh ĐBSCL mà ra cả miền Trung, miền Bắc, thậm chí theo chân du khách qua tận trời Tây. “Người ta ưa dữ lắm, nhất là những người Việt mình xa xứ”- bà Sáu nói bằng giọng rặt nhà quê như vậy.
Ở hai làng nghề bánh tránh Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, những gia đình như ông Sáu Chuôm, bà Xuân Đào, ông Tư Măng… đã có đến 3- 4 thế hệ làm nghề. Người làm trước chỉ cho người làm sau, nghề truyền nghề, vậy nên cả nhà đều gắn bó với chiếc bánh phồng, bánh tráng thật bền chặt. Trải nghiệm làng nghề, tận hưởng nét hào sảng của người Bến Tre mới thấy thú vị và hiểu hơn về chiếc bánh như những vầng trăng quê hương này.
Bà con không ngại gì mà kể về chuyện đời, chuyện nghề. Họ rành rẽ một thiên bánh phồng, một trăm bánh tráng giá bao nhiêu tiền, trừ chi phí còn lời bao nhiêu. Và bà con sẽ không quên mời bạn ăn thử một cái bánh phồng mới nướng lò than giòn khấy hay nhẩn nha chiếc bánh tráng béo dai để cảm hết cái tình xứ Dừa.
Bà con làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc giờ chủ yếu làm bằng máy móc trong nhiều công đoạn, bớt cực nhọc và chi phí nên đồng lời được nhiều hơn. Tỷ dụ như với chiếc máy cán bánh phồng, bà con so sánh như vầy: Nếu cán bánh bằng tay, 8 người làm trong 1 giờ đồng hồ được 300 cái, còn cán bánh bằng máy thì chỉ tốn 5 phút và chỉ cần 3 nhân công để gỡ bột dư ra khỏi khung. Lão nông Sáu Hát nói thêm rằng, nay đã thành lập được Hợp tác xã làng nghề bánh phồng Sơn Đốc với nhãn hiệu hàng hóa rõ ràng. Xã viên được quan tâm hỗ trợ đầu tư về máy móc, kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm. Còn ở làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, ước tính, quân bình mỗi ngày làng nghề sản xuất trên 150.000 cái, tổng thu nhập ước tính trên 30 tỉ đồng/năm, giải quyết trên 600 lao động tại địa phương. Đời sống bà con cứ vậy mà theo chiều khấm khá, ai cũng vui và thanh thản vì giữ được nghề của ông cha.
Đêm Giồng Trôm, những người đàn ông lại lân la lối xóm, nhấp ly trà kể chuyện làm ăn. Những người phụ nữ dạy con cháu học hành, kể cho chúng nghe chuyện thời các chàng trai trong làng còn thi nhau quết bánh phồng dưới trăng để lấy lòng con gái; chuyện chiếc bánh tráng ở quê hương mình… Mai đây trưởng thành, dù có gắn bó với nghề hay không, các em sẽ vẫn mãi tự hào vì quê mình còn có những “vầng trăng quê hương”.
Chia tay làng nghề, tôi về thành phố Bến Tre thăm nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lư Hội. Biết chuyện tôi vừa ở Giồng Trôm về, ông hỏi ngay: “Rồi có được ăn bánh tráng, bánh phồng không?”. Mới hay rằng, trong tâm thức của người dân Bến Tre, hai đặc sản ấy đã trở thành niềm tự hào, một dấu chỉ cho quê hương, ngoài những rặng dừa xanh mút mắt. Tôi khen hoài mùi vị bánh tráng, bánh phồng, ông Lư Hội cao hứng mà hò mấy câu nghe thật đã tai:
“Hò…ơ…ơ… Nghe anh đi đó, đi đây, em thử đố câu này:
Bánh phồng, bánh tráng đất này đâu ngon?
Hò… ơ… ơ… Nghe em đố tức, anh nói phứt cho rồi:
Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, măng cụt Hàm Luông
Vỏ ngoài nâu, trong trắng tựa bông gòn
Anh đà đáp đặng sao em còn so đo…”.
Hò rồi, ông cười khà khà trong ráng chiều vàng phía dòng Hàm Luông...
ĐĂNG HUỲNH