29/04/2010 - 09:07

Nhớ mãi tháng Tư hào hùng

 Lực lượng cách mạng tiến vào giải phóng TP Cần Thơ ngày 30-4-1975. Ảnh: TƯ LIỆU

Cách nay 35 năm, vào những ngày tháng Tư lịch sử, Chiến dịch Hồ Chí Minh với khí thế “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” liên tiếp lập nên những chiến thắng vang dội... Trưa ngày 30-4- 1975, khi cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, thì tại Cần Thơ, quân dân ta cũng ào ào tiến về trung tâm thành phố, nhanh chóng chiếm lĩnh các mục tiêu đầu não của địch. Nhiều năm trôi qua, những cán bộ, chiến sĩ từng tham gia giải phóng Cần Thơ vẫn còn nhớ rõ khí thế hào hùng, những cảm xúc thiêng liêng, niềm vui bất tận của quân dân ta trong ngày toàn thắng. Trước thềm kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng miền Nam, chúng tôi đã tìm lại những nhân chứng năm xưa.

Ông Trần Minh Sơn, Nguyên Chủ tịch UBMTTQVN thành phố:
Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó

 

Bước vào tuổi 85, ông Trần Minh Sơn (Bảy Mạnh), nguyên Chủ tịch UBMTTQVN thành phố, là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính ủy mặt trận Cần Thơ trong chiến dịch lịch sử 1975, trông rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ông còn nhớ rõ tình hình chuẩn bị giải phóng Cần Thơ. Ông kể: “Từ mấy tháng trước đó, tôi cùng với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Minh Quang và một số đồng chí trong Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh được phân công lo giải phóng TP Cần Thơ. Đồng chí Trần Nam Phú, Chính trị viên Tỉnh đội Cần Thơ, thì chỉ đạo giải phóng thị xã Vị Thanh. Tuy thế lực địch có phần suy yếu nhưng sau khi thua trận liên tục, địch tập trung quân tại Cần Thơ rất đông, gồm Sư đoàn 9, Sư đoàn 21, chiến đoàn vùng 4 chiến thuật, xe lội nước. Thiết đoàn xe thiết giáp M113 có đến 52 chiếc đóng ở Kinh Xáng Thị đội, Đông Pháp, huyện Ô Môn. Sư đoàn 4 không quân ở sân bay Trà Nóc tiếp nhận thêm máy bay phản lực và nhiều máy bay trực thăng... Trước đó, Sư đoàn 21 của chúng kết hợp với Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 đánh phá nhiều nơi. Nhiều Thiết đoàn M113 cũng được tung ra đánh phá liên tục ở Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp, thọc sâu vào án ngữ kinh xáng Xà No, Bảy Ngàn, kinh xáng Ô Môn để bảo vệ vùng 6 xã Vòng cung, tuyến trong vòng cung và nội ô thành phố Cần Thơ. Ta cũng đoán được ý đồ của địch là lấy Cần Thơ và ĐBSCL làm nơi cố thủ, làm căn cứ hậu thuẫn cho Sài Gòn. Từ khi đón nhận Nghị quyết 16 của Trung ương Cục về chuẩn bị lực lượng tổng công kích, tổng khởi nghĩa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vô cùng phấn khởi, tiến hành kiểm điểm đánh giá lại mặt mạnh, yếu, tập trung phát động mạnh phong trào quần chúng, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT). Tỉnh đã bổ sung đủ quân số cho 3 Tiểu đoàn Tây Đô (TĐTĐ) và các đơn vị độc lập, đủ sức làm nhiệm vụ khi lệnh tổng khởi nghĩa phát ra; đồng thời củng cố, giữ đủ lực lượng du kích để xã tự giải phóng xã. Công tác chuẩn bị vô cùng khẩn trương, nhưng nhờ quần chúng hết sức nhiệt tình nên tiến hành rất hiệu quả. Nhờ LLVT của Khu chuyển về kết hợp với LLVT Cần Thơ mở mảng, mở kềm nên trong thời gian ngắn nhiều đồn bót địch bị bức rút, các tuyến giao thông được mở ra. Đầu tháng 4 -1975, đồng chí Vũ Đình Liệu (Tư Bình), thay mặt cho Thường vụ Khu ủy đến họp với Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ, Thành ủy Cần Thơ kiểm tra bố trí kế hoạch tấn công. Giữa tháng 4-1975, Khu ủy và Quân khu 9 cùng Tỉnh ủy Cần Thơ họp khẩn cấp bàn kế hoạch thống nhất chỉ đạo. Ngày 22-4, ta đưa 2 TĐTĐ và một số đơn vị địa phương mở mũi tiến công lộ Vòng cung, phối hợp hành động với LLVT Quân khu 9. Các đơn vị vũ trang của ta vừa đánh địch phản kích, vừa chiến đấu để mở rộng các đường tiến của ta vào lộ Vòng cung, Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Tân Phú Thạnh, một phần của Ô Môn”. Tin chiến thắng ở các nơi dồn dập báo về, nhận định thời cơ đã chín muồi, Thiệu bỏ chạy, Dương Văn Minh lên thay; Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quyết định tổ chức đại hội toàn quân. Vào đêm 28-4, tại Đồng Gò, Trầu Hôi, xã Thạnh Xuân, đã diễn ra “Đại hội quân nhân lịch sử”. Tôi được phân công thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ báo cáo tình hình địch và triển khai kế hoạch tấn công trung tâm đầu não vùng IV chiến thuật và ngụy quyền tỉnh Phong Dinh, giải phóng Cần Thơ”.

Ngày 30-4, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng nhưng địch vẫn cố thủ ở lộ Vòng Cung, dùng nhiều chi đoàn xe M113 án ngữ các cửa ra vào thành phố và bắn pháo liên tục. Ngay sau khi nhận lệnh, các cánh quân của TĐTĐ nhanh chóng triển khai lực lượng, tiến về thành phố. Cùng với các mũi tiến công của LLVT tỉnh và Quân khu, ở nội thành Cần Thơ, Thành ủy Cần Thơ ra lệnh cho các lực lượng nội ô nổi dậy và tiến công đồng loạt vào các mục tiêu đã định. Khoảng 20 giờ đêm, ông Bảy Mạnh được đồng chí Ba Ngay đón vào dinh Tỉnh trưởng. Ông không bao giờ quên cuộc gặp gỡ với chuẩn tướng Mạch Văn Trường cùng hơn 40 sĩ quan thuộc hạ của hắn tại đây. Sau hơn 2 giờ đấu tranh với lý lẽ thuyết phục, cuối cùng ta đã buộc Mạch Văn Trường, Tư lệnh Sư đoàn 21 Ngụy ra lệnh toàn bộ lính Sư đoàn 21 phải bỏ súng đầu hàng. Ông Bảy Mạnh nhớ lại: “Lúc đó, ở bên ngoài địch bắn loạn xạ, không còn điều khiển được, đến 22 giờ đêm tình hình mới lắng dịu. Đồng chí Ba Ngay huy động lực lượng cùng các cánh quân của ta tiếp tục chiếm lĩnh hầu hết các cơ quan địch trong thành phố. Sau khi đưa bộ phận điện đài lên nóc dinh Tỉnh trưởng, nối liên lạc với các nơi, tin chiến thắng từ các huyện báo về dồn dập. Cùng lúc đó, các Trung đoàn chủ lực Quân khu 9 đã đánh chiếm sân bay Trà Nóc, chiếm kho đạn Bình Thủy và sân bay Lộ Tẻ, tiêu diệt Chi khu Phong Điền... Thấy rõ tình hình thất bại không thể cứu vãn, trong đêm đó, Trung tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4, vùng IV chiến thuật và Thiếu tướng Lê Văn Hưng, Phó Tư lệnh đã tự sát. Như vậy, trong ngày 30-4 hầu hết các nơi đều giải phóng, chỉ còn Thị xã Vị Thanh và Thốt Nốt cũng được giải phóng trong ngày 1-5. Sáng ngày 1-5, đứng từ trên dinh Tỉnh trưởng, nhìn về hướng bến Ninh Kiều, mặt trời mọc lên thật đẹp, thật rực rỡ, như báo hiệu tương lai xán lạn ở phía trước. Chúng tôi cảm thấy hết sức hạnh phúc, hoàn thành nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó”.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Lê Thanh Sơn:
Dốc toàn lực cho trận cuối cùng

 

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Lê Thanh Sơn (Ba Ngay), nguyên là Tỉnh đội trưởng tỉnh Cần Thơ (cũ) lúc đó là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy thống nhất LLVT tỉnh tiến vào giải phóng thành phố, vẫn còn bồi hồi khi nhắc đến cuộc “Đại hội quân nhân lịch sử” diễn ra vào đêm 28-4-1975. Ông kể: “Sau khi nghe đồng chí Trần Minh Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy triển khai kế hoạch giải phóng Cần Thơ, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đều quyết tâm sống mái với quân thù trận cuối cùng, khí thế hừng hực. Anh em ôm chặt nhau với lời hẹn “gặp nhau tại bến Ninh Kiều trong ngày toàn thắng”. Ai cũng muốn đi cho mau, tiến nhanh, chỉ mang những thứ phục vụ chiến đấu, còn quần áo, đồ dùng cá nhân bỏ hết lại. Do đã chuẩn bị sẵn sàng, ngay khi được lệnh tấn công, các cánh quân của TĐTĐ nhanh chóng triển khai theo 3 hướng: TĐTĐ 1, cùng biệt động Cần Thơ, địa phương quân Châu Thành A do tôi trực tiếp chỉ huy (cánh này có AHLLVT Nguyễn Văn Tài và Chiêm Thành Tấn), tiến về Rạch Sung, vượt sông Cần Thơ để vào lộ Vòng Cung. TĐTĐ 2 do đồng chí Út Sương (AHLLVT Lê Hoàng Sương, Tỉnh đội phó) chỉ huy cùng Tiểu đoàn 303 của Quân khu tiến theo hướng Xóm Chài (cánh này có AHLLVT Phạm Thành Sự và Nguyễn Văn Hoàng). Đồng chí Bảy Thấy (Anh hùng LLVTND Phạm Hồng Thấy) chỉ huy TĐTĐ 3 cùng với quân chủ lực Quân khu 9 hành quân qua Trà Niền, xã Nhơn Ái để vào lộ Vòng Cung...”.

Ngày 29-4, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt trên cả tuyến Vòng cung và các điểm vùng ven. Địch tập trung pháo bắn phá khắp nơi, đưa lực lượng án ngữ ven sông, các kinh rạch nhỏ dọc lộ Vòng cung để ngăn chặn, huy động trung đoàn 33 và xe M113 yểm trợ. Đến đêm thì các LLVT của ta đều bám được vào lộ Vòng Cung. Lúc này, ta được quân chủ lực của Khu tiếp sức. Sư đoàn 4 của ta được phân công đánh vào Vòng Cung, giải phóng chi khu Phong Điền, rồi đánh thẳng vào nội ô TP Cần Thơ. Đồng chí Ba Ngay còn nhớ rõ: “Sáng 30-4-1975, TĐTĐ 3 được giao nhiệm vụ đánh bức các đồn bót từ kinh Bà Hiệp đến lộ Vòng Cung, để “mở cửa” đón lực lượng Tây Đô 1 vào. Khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi quyết định phải chớp lấy thời cơ, nhân lúc trời mưa lớn, cho toàn bộ lực lượng vượt sông tiến vào nội ô. Các cánh quân của ta vừa tấn công bằng quân sự vừa làm công tác binh vận, ào ào vượt qua các lực lượng ngăn cản của địch tiến vào chiếm lĩnh những vị trí quan trọng. Đi đến đâu, địch đầu hàng, vứt súng ống, cởi bỏ quân phục chạy trốn đến đó. Ta chiếm 7 xe thiết giáp địch làm phương tiện tiến nhanh vào nội ô thành phố. Hai bên đường cờ cách mạng treo rợp trời, người dân đổ xô ra đường đón quân giải phóng. Sau khi bố trí một tiểu đội ở lại Đài Phát thanh hỗ trợ đồng chí Nguyễn Văn Lưu, lực lượng đánh chiếm Trung tâm nhập ngũ số 4, kho hậu cần, trại Cửu Long, Tòa án Quân sự... Khoảng 16 giờ 30, ta đã chiếm Sở Chỉ huy Quân đoàn 4 và vùng IV chiến thuật, buộc chúng ra lệnh cho các lực lượng, chi khu trong vùng IV đầu hàng, rồi tiến thẳng vào dinh Tỉnh trưởng giáp mặt tướng Mạch Văn Trường. Sau khi rước các đồng chí lãnh đạo vào dinh, thương lượng buộc địch hạ vũ khí đầu hàng, trong đêm đó và mấy ngày sau, chúng tôi cùng với các lực lượng phân công chiếm lĩnh, tiếp quản tất cả những cơ quan đầu não của địch, tiếp nhận, quản lý tù binh, vũ khí... Mấy ngày đêm gần nhưng không ngủ nhưng ai cũng quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng mà đồng chí, đồng bào tốn bao xương máu mới giành được”.

Bà Nguyễn Thị Huệ, nguyên Ủy viên Thường vụ Hội LHPN tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến quận Ninh Kiều:
Mong ước bao năm đã thành sự thật

 

Sau hơn 4 năm bị địch giam cầm tra khảo, năm 1971, bà Nguyễn Thị Huệ được địch trả tự do và trở về Cần Thơ trị bệnh. Trong thời gian này, bà bí mật nhận nhiệm vụ gầy dựng cơ sở cách mạng trong nội ô thành phố. Đến cuối năm 1972, bà cùng với 2 đảng viên (đồng chí Ba Tài và Bảy Đê) do bà giác ngộ và kết nạp đã gầy dựng thêm nhiều cơ sở trong lực lượng sinh viên và Hội đồng phường Hưng Lợi. Chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, bà bí mật chỉ đạo các cơ sở may cờ, chuẩn bị giấy đỏ để làm ám hiệu chỉ đường cho lực lượng chủ lực tiến vào thành phố. Bà Ba Huệ nhớ lại:”Sáng ngày 30-4-1975, đồng chí Năm Bình đến gặp cô, truyền lệnh khởi nghĩa, phân công bí số E15. Lúc bấy giờ cô là Quận ủy viên, Bí thư phường Hưng Lợi. Sau khi nhận nhiệm vụ, cô bí mật liên lạc với các cơ sở nội thành chuẩn bị sẵn sàng để cướp chính quyền. Với phương châm các địa phương tự giải phóng nên khi nghe tiếng nói của đồng chí Năm Bình vang lên trên Đài Phát thanh, cô cùng các cơ sở vận động nhân dân đến chiếm Hội đồng phường Hưng Lợi. Do đã có cơ sở nội tuyến của ta gầy dựng từ trước nên khi vào đến nơi, lực lượng giải phóng đã yêu cầu ông Hai Chợ, Chủ tịch Hội đồng phường và ông Năm Lý, Thư ký Hội đồng phường, không được hủy tài liệu, giữ nguyên hiện trạng, thu gom súng phòng vệ dân sự trang bị cho lực lượng tự vệ và tiếp quản hai nhà máy Võ Văn Sửu và Lúa Vàng. Khi thấy cờ cách mạng tung bay trước trụ sở của Hội đồng phường, bà con bên ngoài hò reo vui mừng. Cô cùng lực lượng địa phương quân phối hợp LLVT phường ra tiếp quản chi cảnh sát; đồng thời chỉ đạo lực lượng hậu cần chuẩn bị cơm nước tiếp tế và các cơ sở bắt đầu dán giấy màu đỏ trước nhà để làm cơ sở liên lạc cho lực lượng chủ lực tấn công vào thành phố. Ngày 1-5-1975, binh lính tháo chạy vứt bỏ quần áo, mũ... ngổn ngang trên đường. Cô tổ chức lực lượng thu gom và cùng với các cán bộ thành phố phát gạo từ hai nhà máy ra cứu đói cho bà con... Tuy mệt, nhưng lòng cứ tràn ngập niềm vui khi điều mong ước bao năm đã thành sự thật”.

Ông Phạm Ngọc Trác, nguyên Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Dân vận huyện Thốt Nốt, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh:
Quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng

 

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Phạm Ngọc Trác (Năm Trác), ở thị trấn Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh) tự hào nhất là được chứng kiến và tham gia giải phóng Cần Thơ ngày 30-4-1975 lịch sử. Ông còn nhớ rõ: “Ngày 15-4-1975, lúc đó tôi đang giữ chức vụ Phó Ban Chính trị của Tỉnh đội, được đồng chí Mười Quang (Bí thư Tỉnh ủy) giao nhiệm vụ đến Tiểu đoàn Tây Đô (đang đóng quân ở xã Nhơn Nghĩa bây giờ) góp phần chuẩn bị tiến công giải phóng Cần Thơ. Lúc này, hầu hết lực lượng địch án ngữ ở tuyến Vòng Cung đang hoang mang, dao động. Ngày 29-4, thấy trong lực lượng Trung đoàn 2 (Sư 21 địch) hành quân theo hướng từ lộ Vòng Cung - Rạch Gòi - Một Ngàn, có nhiều lính tỏ vẻ mệt mỏi, tôi cùng với các đồng chí địa phương quân của huyện ra vận động và khoảng 50% lính trong đội hình nghe theo, bỏ súng rã ngũ trở về gia đình. Tối ngày 29-4, tôi nhận được lệnh điều động của Tỉnh ủy đến làm Chủ tịch Quân quản địa bàn huyện Châu Thành A. Sáng ngày 30-4, tại đây, Tiểu đoàn địch ở đây vẫn chưa chịu ra đầu hàng. Tôi đã lên loa phát thanh thông báo chế độ Ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, yêu cầu địch bỏ súng đầu hàng để nhận được sự khoan hồng. Gần đến trưa, Tiểu đoàn trưởng và binh lính của Tiểu đoàn địch đã ra giao nộp vũ khí đầu hàng. Ngay sau đó, nhân dân vui mừng đổ ra đường giương cao cờ, kéo nhau đến trung tâm quận ăn mừng chiến thắng, reo hò sáng đêm. Tối đó, tôi đã đọc lệnh của Ban quân quản, kêu gọi binh lính địch ra trình diện để lập hồ sơ, giấy tờ quản lý và phân công lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân. Sáng ngày 1-5, tôi được lệnh điều động về Cần Thơ tiếp nhận các tù nhân bị địch bắt giam cầm trước đó. Trong đó, có hơn 800 người của ta bị bắt trước đó. Khi tiếp nhận, chúng tôi đã phân loại đưa trở lại cho các đơn vị để phục hồi nhiệm vụ. Những đồng chí bị thương tật, chúng tôi chuyển đến bệnh viện quân y điều trị... Mặc dù rất vất vả cùng anh em góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị rất phức tạp trong thời gian đầu mới giải phóng, nhưng lòng tôi cứ tràn ngập niềm vui ngày toàn thắng. Bao năm qua, dù ở cương vị nào, tôi cũng luôn phấn đấu để góp phần bảo vệ thành quả cách mạng to lớn đó”.

Ông Nguyễn Văn Hơn, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN huyện Long Mỹ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Cần Thơ:
Tiếc thương bao đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh

 

Ông Nguyễn Văn Hơn (Năm Quang), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Cần Thơ, không thể nào quên những thời khắc lịch sử trong chiến dịch Hồ Chí Minh tại Cần Thơ. Ông kể: “Năm 1974, tôi về nhận nhiệm vụ làm Bí thư quận 2 của TP Cần Thơ trực thuộc Khu ủy Tây Nam bộ. Trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, quận 2 được phân công chủ động chuẩn bị lực lượng, tự lực kết hợp với thời cơ của chiến trường tự giải phóng. Ban Thường vụ Quận ủy quận 2 đã chỉ đạo xây dựng cơ sở quần chúng trong lòng địch, phát động quần chúng nổi dậy, kêu gọi sĩ quan, binh lính địch ra đầu hàng... Các mục tiêu công kích trong chiến dịch này sẽ thực hiện trên địa bàn quận 2 là chiếm Đài phát thanh, Trung tâm nhập ngũ vùng 4 chiến thuật, Dinh quận 2, Chi cảnh sát quận, Quân cảnh tư pháp thành phố. Với vai trò là Bí thư Quận ủy quận 2, tôi chỉ đạo đồng chí Võ Tấn Dũng, Quận ủy viên phụ trách quân sự, tổ chức xây dựng lực lượng quân sự biệt động của quận và các phường, xã cũng xây dựng lực lượng biệt động mật, chú ý bổ sung những quần chúng tiến bộ vào lực lượng để sau này dẫn đường cho quân ta tiến vào giải phóng thành phố. Trung đội biệt động quận 2 được thành lập, tự trang bị vũ khí ban đầu (bằng cách giải tán các toán phòng vệ dân sự của địch, thu vũ khí, tự trang bị cho ta), với nhiệm vụ phối hợp mũi chính trị và binh vận chuẩn bị công kích, khởi nghĩa. Ban Khởi nghĩa thành phố chia làm 5 khu vực khởi nghĩa, tôi được phân phụ trách khu vực D. Chiều 29-4-1975, khi nhận được lệnh khởi nghĩa, tôi khẩn trương tổ chức họp Quận ủy (từ căn cứ tiến ra ở vàm Cái Nai) và triển khai nhanh cho các lực lượng, các cơ sở để chuẩn bị sẵn sàng đánh chiếm các mục tiêu đã chọn; đồng thời giao nhiệm vụ cho các tổ chức chi bộ Đảng ở phường Hưng Phú và xã Hưng Thạnh chuẩn bị ghe, tàu làm cầu nổi cho lực lượng chủ lực của khu tiến qua bến Ninh Kiều để đánh chiếm các mục tiêu quan trọng như Dinh Tỉnh trưởng, Nha Cảnh sát, Khám lớn... Lúc này, lực lượng biệt động cùng LLVT đánh chiếm các mục tiêu đã định. Sau ngày 30-4, tôi được phân công làm Bí thư kiêm Chủ tịch quận 2, với nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển các tổ chức chính trị, quân sự, xây dựng chính quyền, kêu gọi binh lính ra trình diện, tổ chức học tập giáo dục chính trị tư tưởng... Trong ngày mít tinh, tôi chứng kiến hàng ngàn người đổ về trung tâm thành phố, tay bắt mặt mừng mà rơi nước mắt... vì tiếc thương biết bao đồng chí, đồng bào đã vĩnh viễn ra đi không có mặt trong ngày chiến thắng”.

Ông Trần Văn Luông, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Hành chính Hậu Giang:
Luôn tâm đắc bài học về phát huy sức mạnh của nhân dân

 

Ông Trần Văn Luông, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Hành chính Hậu Giang, vào thời điểm lịch sử ấy là Phó Bí thư Huyện ủy Châu Thành A. Ông bồi hồi kể: Trước ngày 30 - 4 khoảng 1 tháng, Tỉnh ủy chỉ đạo Huyện ủy Châu Thành A trong tư thế sẵn sàng lực lượng để tiếp quản chính quyền. Cũng cần nói thêm, huyện Châu Thành A lúc bấy giờ bao gồm 7 xã: Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Thạnh Xuân, Tân Phú Thạnh, Tân Hòa, Trường Long A và Trường Long Tây. Thời điểm này, mỗi Chi bộ, Đảng bộ được trang bị một radio để theo dõi thông tin, hợp đồng chiến đấu. Ngày 27-4, tôi và 2 đồng chí trong Huyện ủy được Tỉnh ủy phân công từ Mương Khai, xã Nhơn Nghĩa qua chuẩn bị để tiếp quản Chi khu Một Ngàn. Trưa ngày 30 tháng 4, chúng tôi vận động nhân dân kết hợp với lực lượng quần chúng tại chỗ cả ngàn người tiến về chi khu. Trước sức ép của quần chúng và sự vận động của ta, địch nhanh chóng bỏ vũ khí đầu hàng. Đến khoảng 4 giờ chiều ngày 30-4 toàn bộ Chi khu Một Ngàn được ta tiếp quản, trong đó có 3 đại đội của địch và khí tài, vũ khí của địch, như: 2 xe bọc thép, 2 khẩu pháo... Trong lúc này, ở Chi khu Phong Điền cũng có 2 mũi cán bộ tiếp cận chuẩn bị tiếp quản. Lực lượng của ta đã vận động quần chúng, gia đình binh sĩ phối hợp tiến về chi khu. Cùng lúc này, lực lượng bộ đội chủ lực của ta từ Ô Môn tiến về. Đến 17 giờ cùng ngày, quân địch ở chi khu Phong Điền cũng như toàn tuyến Vòng Cung buông súng đầu hàng. Theo tôi thành công của ngày 30-4 lịch sử là nhờ sức mạnh của quần chúng nhân dân. Chiến trường Châu Thành A rất ác liệt. Quân địch cũng sử dụng nhiều thủ đoạn hòng cách ly cán bộ cách mạng với nhân dân. Tuy nhiên, bằng sự mưu trí, nhân dân ở Phong Điền, Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái,... tìm mọi cách, một lòng che chở, bảo vệ, tiếp tế cho cán bộ cách mạng. Chúng tôi cần lương thực, thuốc men loại gì nhân dân cũng cung cấp được. Sau ngày 30 - 4, trong muôn vàn khó khăn, bộn bề của công cuộc xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, chúng tôi cũng dựa vào nhân dân để xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền cơ sở.

Nguyễn Văn Lưu - Người đọc bản Tuyên bố đầu tiên của Ủy ban Nhân dân cách mạng TP Cần Thơ

 

35 năm đã trôi qua, nhưng nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhân dân TP Cần Thơ vẫn còn nhớ cảm giác xúc động dâng trào khi nghe Đài phát thanh Cần Thơ phát bản tuyên bố đầu tiên của Ủy ban nhân dân Cách mạng TP Cần Thơ vào lúc 15g ngày 30-4-1975. Người trực tiếp đọc bản tuyên bố đó là ông Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình), khi đó là Ủy viên Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, thành viên Ban khởi nghĩa. Năm nay đã 87 tuổi, nhưng mỗi khi kể lại quá trình tấn công, tiếp quản và đọc tuyên bố giải phóng Cần Thơ, ông Năm Bình vẫn còn bồi hồi xúc động.

Ông kể: “Từ ngày 10-4-1975, Thành ủy đã điều vào nội ô 100 cán bộ để móc nối liên lạc, chuẩn bị giải phóng Cần Thơ. Ngày 12-4, tôi cũng được tổ chức bí mật đưa vào nội ô. Lúc này, TP Cần Thơ tập trung rất nhiều binh lính của địch để quyết giữ địa bàn trọng yếu của vùng Tây Nam Bộ, nhưng càng về cuối tháng, tình hình càng trở nên náo loạn, bọn sĩ quan chế độ cũ tìm cách đưa gia đình di tản, tinh thần của hầu hết binh sĩ ngụy đều hoang mang, lo sợ. Trưa ngày 30-4, biết bọn nha cảnh sát Hậu Giang đã bỏ trốn, tôi cùng một số cán bộ liên hệ với bác sĩ Lê Văn Thuận, cơ sở công khai của ta đang giữ chức Tổng Thư ký Hội đồng Thập tự tỉnh Phong Dinh (địa danh chế độ ngụy đặt cho Cần Thơ), để yêu cầu bọn gác khám thả gần 6.000 người đang bị tạm giam tại đây, đồng thời mở cửa giải tán gần 5.000 tân binh của địch. Hơn 10.000 người được thả kết hợp với nhân dân trong thành phố tổ chức thành từng đoàn người tỏa đi khắp các đường phố, hô vang khẩu hiệu hoan nghênh cách mạng. Để thúc đẩy phong trào quần chúng nổi dậy, tác động kẻ địch tan rã nhanh và ổn định tinh thần nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự, tôi tìm gặp cô Sáu Hiếu, một cán bộ nội thành của ta bàn kế hoạch chiếm Đài Phát thanh Cần Thơ. Trong lúc chờ cơ sở của ta liên hệ với các đầu mối, tôi ngồi tại tiệm thuốc tây Tham Tướng (nằm trên đường 30-4 hiện nay) để soạn bản tuyên bố. Sau đó, tôi tham khảo ý kiến của một số đồng chí trong Ban Khởi nghĩa. Khoảng 14g ngày 30-4, tôi cùng 11 đồng chí mang theo 4 khẩu súng đi trên 6 xe gắn máy tiến đến Đài Phát thanh. Đến nơi, tôi và đồng chí Sáu Biên được Năm Toàn, Chủ sự Phòng Hành chính quản trị Đài Phát thanh Cần Thơ hướng dẫn vào bên trong gặp tên Quản đốc đài đề nghị hắn giao đài và phát lời tuyên bố của cách mạng. Lúc đó, tên Quản đốc đài không còn thần sắc, nhưng vẫn “cứng giọng”: “Tôi phải xin lệnh của tướng Nam...”. Tôi gằn giọng: “Các anh còn tướng, tá gì nữa mà xin lệnh? Tôi nhân danh cán bộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam yêu cầu anh giao Đài Phát thanh cho cách mạng”. Trong thời gian tôi vào phòng thu âm để thử tiếng, ghi âm, tên Quản đốc đài cho phát nhạc chờ. Ghi âm hoàn chỉnh, hắn phát lại cho tôi nghe một lần trước khi phát sóng suốt trong một tiếng đồng hồ, với nội dung: “Đồng bào Cần Thơ thân mến! Chính quyền Cách mạng đã tiếp thu Đài Phát thanh Cần Thơ. Quân giải phóng sẽ tiến vào tiếp quản thành phố Cần Thơ. Đồng bào hãy bình tĩnh, giữ gìn trật tự an ninh chung, bảo vệ tánh mạng, tài sản... Tôi đại diện UBND Cách mạng tuyên bố xóa bỏ ngụy quyền phản động kềm kẹp đồng bào; giải tán lực lượng võ trang, bán võ trang thuộc ngụy quyền Sài Gòn; giải tán các tổ chức chính trị phản động... Đồng bào hãy hạ cờ ba sọc, treo cờ của Chánh phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam... Cơ hội ngàn năm có một đã đến. TP Cần Thơ kiên cường bất khuất đã được giải phóng!...”. Sau khi bản tuyên bố của cách mạng phát đi, khí thế nổi dậy của quần chúng càng thêm sôi nổi. Nhân dân thay cờ ba sọc bằng cờ cách mạng, nhiều người ùa ra đường hò reo ăn mừng chiến thắng; binh lính ngụy hầu hết đều bỏ ngũ, giao nộp súng. Các tên tướng tá, lớp đầu hàng, lớp bỏ trốn...”.

Ông Năm Bình quê ở tỉnh Sóc Trăng, là cán bộ tiền khởi nghĩa từng tham gia giành chính quyền vào tháng 8-1945. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng của Tỉnh ủy Sóc Trăng, Khu ủy Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy Cần Thơ. Sau giải phóng, từ tháng 3-1976 đến năm 1986, ông được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, lần lượt giữ chức Bí thư Thành ủy Cần Thơ (cũ), Giám đốc Liên hiệp Công ty xuất nhập khẩu Hậu Giang. Ông nghỉ hưu năm 1993. Trò chuyện với chúng tôi, ông Năm Bình bộc bạch: “Tham gia cướp chính quyền năm 1945 và đọc tuyên bố giải phóng Cần Thơ năm 1975 là 2 sự kiện đáng nhớ mà suốt đời tôi không bao giờ quên”.

KIM CHINH - THANH THY - ANH DŨNG - NGỌC QUYÊN -
QUỐC TRƯỞNG - HOÀNG THANH

Chia sẻ bài viết