25/08/2011 - 10:14

"Nhớ đến một người" - để nhớ mọi người

“Nhớ đến một người” gồm 45 tản văn, hồi ký, bình luận... của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Phương Nam Book phát hành quí II/2011. Mượn một câu hát trong ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Đỗ Hồng Ngọc đã đưa độc giả đến với những hoài niệm về những cố nhân...

“Nhớ đến một người” của Đỗ Hồng Ngọc chính là nhớ đến học giả uyên bác Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) - người đã xa Hà Nội suốt nửa thế kỷ nên trong lòng luôn đau đáu nỗi nhớ quê. Nguyễn Hiến Lê từng ao ước khi nào Sài Gòn nối với Hà Nội bằng xe lửa, ông sẽ bỏ hết công việc để “lên xe lửa thăm non sông Nam, Trung, Bắc một lần cuối cùng. Sẽ uống dừa Tam Quan, ăn cam Xã Đoài, rồi nhãn Hưng Yên, hồng Bạch Hạc, cốm Vòng...” (trang 10). Vậy mà cho đến cuối đời, ước nguyện ấy ông không thể nào thực hiện được.

Từ một người, Đỗ Hồng Ngọc lại liên tưởng đến nhiều gương mặt, tài năng, cá tính trong các lĩnh vực văn thơ, hội họa, âm nhạc, y học... Ông nhớ người bạn tri ân Trịnh Công Sơn trong dáng vẻ “một cái xác ve xẹp lép, nhẹ tênh” trên giường bệnh, nhớ nhà văn Trang Thế Hy- người khiến cho vị bác sĩ không ưa thuốc lá phải mê mẩn ngắm nhìn ông hút thuốc, nhớ giáo sư Trần Văn Khê trong cuộc sống đời thường, nhớ những kỷ niệm với nhà thơ bị điên Nguyễn Ngu Í- người cậu và cũng là người ơn của Đỗ Hồng Ngọc...

Bằng giọng văn mộc mạc nhưng chan chứa tình cảm, Đỗ Hồng Ngọc đã truyền được cảm xúc của mình đến người đọc. Qua cái nhìn của tác giả, độc giả không chỉ khám phá được cái hay, cái đẹp của các nhân vật qua từng bài viết mà còn cảm nhận được cái nghĩa, cái tình trong mối quan hệ giữa người thầy thuốc viết văn ấy với bạn bè.

Đọc sách, độc giả nắm bắt được “cái thần” của mỗi tác giả như: nỗi buồn trong thơ Lữ Quỳnh, sự dung dị trong thơ của Tôn Nữ Kỷ Khương hay “Thy đạo” của Nguyễn Bắc Sơn... Chẳng hạn như khi nhận xét về nhà văn Cao Huy Thuần, Đỗ Hồng Ngọc viết: “Anh có kiểu viết vừa bác học vừa bình dân, vừa giáo sư đại học vừa thầy giáo làng, vừa là nhà luật học vừa là một người “hành thâm bát nhã”. Cái gì tôi cảm thấy lờ mờ thì hình như được anh “zoom” lại cho, giải thích có ngành, có ngọn. Văn anh thâm trầm, kín đáo, mà không thiếu dí dỏm, hài hước. Nói chung là nhẹ nhàng, dễ đọc...” (trang 128).

Đỗ Hồng Ngọc còn dành nhiều trang viết về những bậc thầy, những đàn anh trong ngành y vì bản thân ông đã tiếp thu được chuyên môn và đức tính tốt đẹp của những người thầy thuốc đáng kính này.

“Nhớ đến một người’ là một cuốn sách ý nghĩa với nhiều người!

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết