20/02/2011 - 10:40

Nhờ đâu người lùn ở Ecuador sống thọ ?

Người lùn sống ở những ngôi làng xa xôi của Ecuador bị một đột biến trong cơ thể được cho là yếu tố giúp họ sống lâu và khỏe mạnh. Những truyền nhân của người Do Thái Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha này mắc một căn bệnh hiếm gặp mang tên hội chứng lùn Laron, khiến chiều cao cơ thể không bao giờ vượt quá 1m. Song điều khiến giới khoa học ngạc nhiên nhất là họ hoàn toàn miễn nhiễm với ung thư và tiểu đường - hai căn bệnh nan y của nhân loại.

Những nhà nghiên cứu bên người lùn Laron ở Ecuador. Ảnh: SMH 

Suốt 24 năm qua, Tiến sĩ Jaime Guevara-Aguirre, chuyên gia sinh lý học và tiểu đường nghiên cứu 99 dân ở một ngôi làng miền núi của Ecuador bị hội chứng Laron mà ông tình cờ gặp năm 1987. Đáng lẽ những ngôi làng hẻo lánh như thế là nơi cư ngụ của thổ dân da đỏ nhưng đối tượng ông gặp lại là người châu Âu mang họ của người Tây Ban Nha. Năm 1994, Tiến sĩ Guevara-Aguirre thu thập thông tin sức khỏe những bệnh nhân này và nhận thấy tất cả đều có một điểm chung: không hề mắc 2 căn bệnh phổ biến là tiểu đường và ung thư, ngay cả ở người béo phì. Nghiên cứu về bệnh nhân bị hội chứng lùn Laron được mở rộng hơn sau khi ông hợp tác với Valter Longo - chuyên gia lão hóa của Đại học Nam California, Mỹ.

Tiến sĩ Longo phát hiện bệnh nhân Laron bị đột biến gien, tương tự dạng đột biến từng giúp chuột trong phòng thí nghiệm sống lâu. Theo Tiến sĩ Longo, bệnh nhân Laron gặp trục trặc về gien kiến tạo cơ quan thụ cảm hoóc-môn sinh trưởng - một protein ở màng tế bào. Phía ngoài của cơ quan thụ cảm là hoóc-môn sinh trưởng, còn phía bên trong có nhiệm vụ gửi tín hiệu đến tế bào khi bị hoóc-môn sinh trưởng kích thích. Ở bệnh nhân Laron, cơ quan thụ cảm bị khiếm khuyết nên không thể phản ứng lại hoóc-môn này nên khiến bệnh nhân không thể phát triển chiều cao. Ở trẻ bình thường, hoóc-môn sinh trưởng kích thích tế bào gan khuấy động một hoóc-môn khác mang tên IGF-1 và hoóc-môn này giúp trẻ cao lên. Nếu được tiêm IGF-1 trước tuổi dậy thì, bệnh nhân Laron có thể phát triển chiều cao tương đối bình thường.

Ở giun, những con thiếu IGF-1 sẽ tạo ra ít tín hiệu IGF-1, nhờ đó sống thọ gấp đôi đồng loại còn lại. Ở chuột, một giống chuột do Đại học Ohio (Mỹ) nghiên cứu cũng bị khiếm khuyết ở cơ quan thụ cảm hoóc-môn sinh trưởng và sống lâu hơn 40% so với tuổi thọ trung bình. Tương tự thiếu IGF-1 được cho là yếu tố giúp người lùn Ecuador “thọ tỷ Nam Sơn”. Tiến sĩ Longo cho rằng hàm lượng IGF-1 thấp cũng là yếu tố giúp họ miễn nhiễm bệnh tiểu đường, ung thư và các căn bệnh khác liên quan đến tuổi tác.

Tiến sĩ Longo và đồng nghiệp cho các tế bào của người tiếp xúc với huyết thanh của bệnh nhân Laron và nhận thấy huyết thanh xảy ra hai hiệu ứng. Đầu tiên, huyết thanh bảo vệ tế bào khỏi bị tổn hại gien. Thứ hai, nó kích thích các tế bào bị bệnh tự hủy, tránh chuyển thành ung thư. Cả hai tác động này sẽ bị đảo ngược nếu huyết thanh được bổ sung một lượng nhỏ hoóc-môn IGF-1. Theo Tiến sĩ Longo, IGF-1 đôi khi cần thiết để bảo vệ tim mạch. Tuy nhiên, việc duy trì hoóc-môn này ở hàm lượng thấp sẽ có lợi hơn cho cơ thể. Hiện tại, một loại dược phẩm có khả năng ức chế IGF-1 đã có mặt trên thị trường có tác dụng điều trị chứng phát triển chiều cao quá mức. Dược phẩm này được cho cũng có tác dụng kéo dài tuổi thọ.

Andrzej Bartke, chuyên gia lão hóa tại Đại học Nam Illinois (Mỹ), đánh giá kết quả nghiên cứu trên “vô cùng quan trọng” và hai tác giả đã theo dõi tốt cũng như thu thập dữ liệu đáng tin cậy về bệnh nhân Laron. Ông khẳng định những kết quả trên hoàn toàn phù hợp với những kiến thức mà giới y học có được về sự liên quan giữa hoóc-môn sinh trưởng và quá trình lão hóa. Nghiên cứu này có thể giúp các chuyên gia tìm ra phương pháp ngăn ngừa ung thư, tiểu đường cũng như giúp con người sống bách niên.

BẢO TRÂM (Theo NY Times)

Chia sẻ bài viết