17/08/2014 - 07:51

Nhớ câu hò Mỹ Hiệp

NGUYỄN HỮU HIỆP

Đồng hành với những nhát cuốc, luống cày, khai phá vùng hoang vu đồng bằng Nam bộ, lưu dân ở đây cũng đã gieo những khúc hát ca ngợi tình yêu quê hương, đôi lứa… Trước bát ngát ruộng đồng, cò bay mỏi cánh, nên dù là khúc ca được biến bẻ từ lời cũ, hay mới sáng tác, bằng vào làn hơi và giọng điệu chơn chất đặc trưng của mình, các nghệ nhân dân gian đã làm dịu bớt tâm trạng tủi buồn, tình cảnh bơ vơ người xa xứ.

Hò Đồng Tháp được thể hiện ngọt ngào trong khung cảnh tràm chim mùa sếu về và những ruộng sen rực hồng. (Ảnh chụp tại Liên hoan Dân ca Việt Nam 2013 - khu vực Nam bộ do tỉnh Long An đăng cai chức vào tháng 4-2013). Ảnh: DUY KHÔI 

Nhắc đến dân ca Nam bộ thì không thể bỏ qua hò - điệu hát bình dân đồng quê, được thể hiện bởi âm tiết đơn giản, làn điệu dìu dặt, nhẹ nhàng, truyền cảm. Hò diễn ra trong nhiều trường hợp. Nếu hò lẻ một mình gọi hò rơi. Đây không phải là cuộc hò (hò hội, hò kết) mà là ngẫu hứng tự nhiên. Người ta hò lên cốt để vui miệng, vui tai, gọi là hò buông rơi. Câu hò rất “vô tư”, không có ý bỏ, gài, nên không chờ ai bắt, gỡ. Tuy nhiên, có khi ai đó nghe được, cảm thấy “trúng hệ”, họ không thể không cất tiếng hò nối theo. Cứ thế mà luân phiên suốt, y như một sự hàn huyên của những người bạn thân tâm đầu ý hợp lâu ngày mới gặp lại. Nếu họ hò đối đáp xung quanh một chủ đề, cũng có thể kể là cuộc hò.

Ta thử dõi theo một cuộc hò khá gay cấn giữa chàng trai “Hai Huyện” của An Giang và cô gái Mỹ Hiệp (Đồng Tháp). Mở đầu là những câu hò rao, hay hò dạo, nội dung chào mời, thăm hỏi, mừng bạn. Họ rào đón từ tốn. Giọng điệu, lời lẽ khiêm nhường nhằm ngầm tìm hiểu, dò dẫm tình ý, tài nghệ. Để không phải đợi chờ lâu, mở đầu là vài câu “mồi” cũng là “đưa ra thể lệ”:

Hò ơ… Một đàn cò trắng bay chung.

Bên nam bên nữ ta đồng cất lên

Cất lên một tiếng linh đình

Cho loan sánh phụng, ờ…

Hò ơ… Cho loan sánh phụng, cho mình sánh ta, ơ…

Hò ơ… Cất lên một tiếng la đà.

Đàn ông hát trước đàn bà hát sau, ơ…

Thấy đã “có không khí”, từ đám đông một anh chàng khá dễ thương cất cao giọng:

Hò ơ… Tôi xin mở lời chào,

Chào hết nội gia

Bên hữu đàn bà bên tả đàn ông

Đông tây tôi chào hết một vòng

Tôi mời cô nào son rỗi, ờ…

Hò ơ… Cô nào son rỗi thì xông vô hò, ơ…

Ngay lúc đó, một cô thôn nữ được các bạn gái đẩy đẩy vào, dạn dĩ:

Hò ơ… Tới đây không hát không hò thì cô bác cho là quê

Mà hò mà hát thì sợ cô bác cho là tôi mê người tình, ờ…

Một bà cụ bỏm bẻm “khích tướng”:

Hò ơ… Tới đây không hát thời hò,

Không phải con cò ngóng cổ mà nghe ơ…

Hò ơ… Con cò nó ở ngọn tre.

Mà nó còn xuống đất đặng chờ nghe cô hò đó cô ơi…”

Nàng đưa vội ánh mắt về phía chàng rồi:

Hò ơ… Áo đen tra nút cũng đen,

Tôi hò với người lạ chớ người quen tôi hổng hò, ờ…

Phớt nhìn nhan sắc mặn mòi và qua giọng hò, chàng lại nghĩ ngay là gái Mỹ Hiệp! Chàng không bỏ lỡ cơ hội bằng vàng, xắn ngay liền:

Hò ơ… xứ không quen, người thời cũng lạ,

Muốn cất tiếng hò trong dạ hoài nghi,

Cô em có chồng chưa nói thiệt ra đi!

Bữa sau anh cậy mai đến nói, ờ…

Hò ơ… Anh cậy mai đến nói, sẵn biết đường đi khỏi tìm, ờ…

Đâu đó có vài tiếng cười khúc khích… Nàng không vội gì “nói thiệt”, cất tiếng “tìm hiểu” một cách khá… “ngây thơ”:

Hò ơ… Áo trắng không vắn không dài

Sao anh không bận ờ…

Hò ơ… Sao anh không bận, bận hoài áo đen ơ…

Chàng hò đáp rất dễ thương:

Hò ơ… Tui ở cho cô bác người ta khen

Áo trắng xếp cất ờ…

Hò ơ… Áo trắng xếp cất, áo đen đi mần ơ…

Nàng tiếp tục “tấn công”, nhưng cũng trong tinh thần “tìm hiểu”:

Hò ơ… Gặp anh đây giữa đường giữa sá,

Em hỏi anh ở nhà ngói hay nhà lá,

Cửa khóa hay cửa gài,

Trâu anh được mấy đôi,

Ruộng anh thời mấy mẫu, ờ…

Hò ơ… Ruộng anh thời mấy mẫu, mà bạc anh dư xài hay tạm đỡ của ai ơ…

Chàng vẫn rất tự tin “chỉnh nhẹ”:

Hò ơ…Cô em ơi, cô em đừng có thấy người ta giàu mà bưng mà bợ

Cô em đừng có tưởng anh đây nghèo mà sợ mà khinh

Nhà người ta cột căm xe nền đúc ờ…

Ờ… ơ… Nhà cột căm xe nền đúc (mà) còn đứt chưn… nhãn… ớ… tiền ờ… ơ…

Rồi được trớn, hò luôn:

Hò ơ… Phụ mẫu anh nghèo, dòng họ anh đông,

Mỗi người một đồng cũng cưới được em! ơ…

Nói nghèo mà khoe dòng họ đông, theo quan niệm xưa, rõ ràng chàng gián tiếp để lộ phần nào đặc điểm con nhà gia thế. Nàng hò đáp:

Hò ơ… Anh về tìm vảy con cá trê,

Tìm gan con tôm sú, tìm mề con lươn, ơ…

Ơ ơ… Anh tìm con bướm có xương ơ… ơ…

Ờ ơ… Dây tơ hồng có rễ (mà) đạo cang thường, ờ…

Hò ơ… Đạo cang thường chịu anh ơ…

Đến lúc này anh chàng mới té ngửa ra rằng hoa kia đã có chủ! Hèn nào nãy giờ vẫn cứ văng vẳng giọng cười tinh nghịch! Cụt hứng, chàng vừa đi riết xuống bến vừa nhổ sào vừa lịch sự hò kiếu một câu làm nức lòng người dự khán:

Hò ơ… Anh đi anh nhớ Tháp Mười,

Nhớ câu hò Mỹ Hiệp, ờ…

Hò ơ… Nhớ câu hò Mỹ Hiệp, nhớ giọng cười Mỹ Long, ơ…

Tương truyền chàng trai về lại quê nhà, miệt Cù lao Ông Chưởng. Một thời gian sau, có chút danh phận chi đó, để kỷ niệm cuộc hò ấn tượng năm xưa, “chàng trai Hai Huyện” đã đề nghị với các hương chức (và được chấp thuận) đặt tên hai làng quê đẹp ở xứ mình là Mỹ Hiệp và Mỹ Long (sau gọi trại là Mỹ Luông), giống như ở Đồng Tháp.

Tóm lại, dù là như hò lẻ hay hò kết, hò môi (hò mép hay hò bắt quàng), hò văn (hay hò sách), hò thơ, hò truyện (truyện Tàu), hò tuồng, hò tiểu thuyết, hò thầy chùa, hò quốc sự…thì cấu trúc của một giọng (điệu) hò đều chia làm 3 giai đoạn. Trước hết là cất cao giọng lấy hơi (Hò ơ…- dài hay ngắn, liên tục hay đứt khúc là do trình độ biểu diễn của nghệ nhân). Kế đó là là lời kể (trình bày nội dung, nêu lên một hay nhiều vấn đề, tùy ý. Nếu dài thì tự phân ngắt để nghỉ hơi ơ, ờ…; thường thì lúc hò tiếp, người ta lặp lại câu khi nghỉ lúc nãy để người nghe dễ dàng cảm nhận được tính liên tục). Sau hết là giọng ngân (ngân dài ra theo âm của tiếng cuối câu chót, như lúc nghỉ hơi, nhưng ngân dài hơn), nếu hụt hơi thì coi như thua, “đứt” về mặt nghệ thuật.

Tuy nhiên điệu hò ở Đồng Tháp có khác đôi chút. Những tiếng “hò ơ” hay “hò hơ” được thay bằng “hòa ơ” hoặc “hòa hơ”… Làn hơi phải mượt mà và tròn tiếng, đặc biệt nhất là sự luyến láy sao cho thật ngọt tai. Có thể nói, tất cả những câu (bài) ca dao thuộc loại trữ tình đều biểu diễn được dưới dạng “hò”. Nghệ nhân chỉ cần bắt đầu bằng những tiếng Hò hơ (hay Hòa ơ…), và thêm tiếng đưa hơi “ờ” ở giữa câu cuối (để lấy hơi), xong, lại bắt đầu bằng tiếng “Hò ơ” khi ngâm câu cuối, và tất nhiên tiếng cuối của câu cuối ấy cũng có tiếng “ơ”. Vậy là nghệ nhân đã hoàn tất một câu hò, để nhường lời cho đối tượng đang hò đối đáp với mình. Ông Nguyễn Hiến Lê có ghi nhận một cuộc hò Ghen vì hò trong sách Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười. Xin trích vài câu nam và nữ đối đáp. Bên nam cất tiếng:

 Hò o o ớ ớ… Mù u bông trắng lá thắm nhụy vàng ơ ơ ơ…

Anh đi khắp xứ, tới đây mới được gặp nàng ơ ơ ơ… thật là dễ thương ơ ơ…

Hò o o ớ ớ… Nghe giọng nàng, anh vẫn vơ vẩn vấn vương,

Sống cùng nhau chẳng được, cho anh phải mơ màng chiêm bao…

  Bên nữ đáp lại:

  Hò o o ớ ớ… Lửng da trời bay lượn con chim hồng,

Gặp nhau sao quá trễ cho tấm lòng này xót xa,

Đêm nằm em luống những thở ra,

Đôi ta chẳng…

Tới tiếng “đôi ta” , mắt cô gái sáng lên, đắm đuối trong ánh trăng và giọng hơi lơi lả, khiến người chồng đi ngang nổi cơn ghen...

Rõ ràng “hò Nam Bộ” mỗi vùng miền mỗi khác, chứ phải đâu “hò nào cũng là hò”!


Tài liệu tham khảo:

 - Nguyễn Hiến Lê, Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười. Nxb. Nguyễn Hiến Lê, S., 1954.
- Thơ văn Đồng Tháp trước 1945, Gs. Lê Trí Viễn (chủ nhiệm). Nxb. Tổng hợp Đồng Tháp, 1986.

Chia sẻ bài viết