31/12/2009 - 08:53

"Nhịp cầu" đưa thành quả nghiên cứu khoa học đi vào cuộc sống

Mối quan hệ 4 nhà: nhà nước- nhà khoa học- nhà nông- nhà doanh nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả nghiên cứu khoa học (NCKH), chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và ứng dụng thành công góp phần phát triển kinh tế xã hội. Hội thảo “Hợp tác nghiên cứu viện trường và doanh nghiệp phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL” do Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp Viện lúa (VL) ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam (VCQMN) và Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) TP Cần Thơ tổ chức sáng 29-12-2009 đã bắc thêm một “nhịp cầu” giữa nhà khoa học và doanh nghiệp cho sự phát triển của vùng ĐBSCL.

* Viện - Trường: nguồn lực dồi dào

Trường ĐHCT, VLĐBSCL, VCAQMN là 3 cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn của trung ương đóng tại ĐBSCL nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của vùng. Từ năm 2006 đến nay, Trường ĐHCT đã triển khai 269 đề tài nghiên cứu; trong đó nổi bật là các nghiên cứu cấp bộ - với 154 đề tài- và các nghiên cứu hợp tác với địa phương, doanh nghiệp: 83 đề tài. Năng lực NCKH của trường được nâng lên đáng kể bởi nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển hệ thống phòng thí nghiệm với các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho những thí nghiệm chuyên sâu. Năm 2006, Trường ĐHCT có 58 phòng thí nghiệm và hiện nay, con số này là 88. Đặc biệt, năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt đầu tư cho Trường ĐHCT 3 phòng thí nghiệm với tổng kinh phí gần 60 tỉ đồng và các phòng thí nghiệm này sẽ được triển khai xây dựng từ năm 2010. Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Quang Trí, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, nhận định: “Trường đã xác định 7 lĩnh vực NCKH trọng điểm trong chiến lược phát triển trường giai đoạn 2007-2011. Vì vậy, các đề tài NCKH của trường có tính khoa học cao và có khả năng ứng dụng phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo và phát triển vùng”. Trên cơ sở đó, Trường ĐHCT đề ra chỉ tiêu NCKH giai đoạn 2011-2015 là 381 đề tài. Trong đó, có 200 đề tài cấp Bộ và 120 đề tài hợp tác với địa phương, doanh nghiệp.

Tiến sĩ Trần Thị Ba (thứ 2 từ trái sang), Trường Đại học Cần Thơ, hướng dẫn nông dân ở Bạc Liêu sử dụng màng phủ trồng màu. 

Nghiên cứu giống lúa, giống cây ăn quả, rau hoa là thế mạnh của VLĐBSCL và VCAQMN. Nhiều giống rau, hoa, quả mới đã được VCAQMN nghiên cứu thành công và chuyển giao rộng rãi cho nông dân, như: giống thanh long ruột đỏ Long Định 1, giống cam mật không hạt, giống cây đầu dòng bưởi Lông Cổ Cò không hạt, giống dứa Queen phục tráng, cà chua giống số 1- số 2, ớt F1 Long Định 4, đậu bắp xanh mã số 3, giống hoa cúc Co53, giống hoa đồng tiền Q11... Hiện nay, gần 35% diện tích trồng lúa của cả nước sử dụng giống lúa do VLĐBSCL chọn tạo. Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Mẫn, Phó Viện trưởng VLĐBSCL, trong 10 giống lúa được trồng phổ biến trên cả nước, VLĐBSCL đã đóng góp 5 giống. Đặc biệt, tại ĐBSCL, trong 10 giống lúa được trồng phổ biến nhất có 8 giống do Viện chọn tạo; góp phần làm tăng sản lượng lúa của đồng bằng từ 4,5 triệu tấn vào năm 1977 lên trên 20 triệu tấn hiện nay.

* Doanh nghiệp: “cầu nối”

Nguồn nhân lực NCKH của các viện, trường hết sức dồi dào. Tuy nhiên, để những kết quả nghiên cứu “đi vào cuộc sống”, không thể thiếu mắt xích quan trọng: doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các công nghệ mới, có nguồn lực vật chất cho nghiên cứu triển khai, hoạt động theo định hướng thị trường nhưng lại hạn chế về nguồn nhân lực sáng tạo. Ngược lại, các viện trường là nơi tập trung nguồn chất xám nhưng lại hạn chế về khả năng thương mại hóa. Hợp tác giữa doanh nghiệp và viện trường sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận với các ý tưởng mới, bổ sung nền tảng kỹ năng và nền tảng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp... Phía viện trường cũng nhận được nhiều lợi ích từ sự hợp tác: nâng cao nhận thức về thị trường, thương mại hóa tài sản trí tuệ, tận dụng các nguồn tài trợ, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên...

Tiến sĩ Lưu Hồng Mẫn cho biết: “Trước đây, sau khi nhân được các giống lúa mới, VLĐBSCL thực hiện chuyển giao và phân phối theo nhiều kênh, như: nông dân, hợp tác xã, trung tâm giống và trung tâm khuyến nông ở các tỉnh, thành. Hiện nay, viện phối hợp với nông dân và doanh nghiệp để sản xuất và phân phối lúa giống cho vùng ĐBSCL. Cụ thể là hợp đồng với địa phương và Công ty TNHH ADC để sản xuất và phân phối giống lúa mới”. Theo phân tích của tiến sĩ Mẫn, với cách làm như trước đây, VLĐBSCL không chủ động được kế hoạch để nhân nhanh và sản xuất các giống lúa mới theo nhu cầu sản xuất. Các cơ sở có nhu cầu về giống mới không có kế hoạch cụ thể trước để hợp tác với viện trong việc nhân giống mới cho địa phương mình. Hệ quả là hằng năm có giống không đủ để phân phối theo yêu cầu đột xuất của địa phương nhưng cũng có giống lúa không phân phối được. Với phương thức chuyển giao mới, có rất nhiều thuận lợi. Công ty TNHH ADC có hệ thống đại lý để phân phối vật tư, giống lúa mới. Toàn bộ lượng giống sản xuất theo kế hoạch hằng vụ sẽ được công ty thu nhận và phân phối theo hệ thống này. Vì vậy, VLĐBSCL chủ động được kế hoạch nhân nhanh và sản xuất các giống lúa mới theo nhu cầu. Mặt khác, thông qua hợp tác, Công ty TNHH ADC đầu tư kinh phí cho nông dân sản xuất giống lúa mới, VLĐBSCL tập huấn cho nông dân nắm vững qui trình sản xuất giống lúa chất lượng cao. Đồng thời, viện cũng có thể trang bị thêm các thiết bị phục vụ cho công tác kiểm nghiệm hạt giống trong phòng cũng như các thiết bị liên quan đến chế biến hạt giống.

Nói về vai trò của doanh nghiệp trong NCKH, chuyển giao công nghệ, tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng VCAQMN, chỉ nói ngắn gọn: “Phải thông qua doanh nghiệp bởi Viện không có đủ lực để làm công việc chuyển giao kết quả nghiên cứu một cách rộng rãi”. VCAQMN đã xây dựng mô hình sản xuất thanh long tại Hợp tác xã Hàm Minh- Bình Thuận, đạt chứng nhận EUREPGAP năm 2006. Viện cũng hợp tác với Công ty cổ phần thuốc trừ sâu Cần Thơ mỗi năm cung cấp cho thị trường 50.000 lít SOFRI Protein trừ ruồi đục quả. Tại khu vực thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông, VCAQMN hợp tác với Công ty cổ phần Hiệp Phát TP Hồ Chí Minh ứng dụng chế phẩm SOFRI Protein trong việc phòng ngừa ruồi đục quả trên sơ ri. Sử dụng SOFRI Protein, sản phẩm trái sơ-ri của Công ty cổ phần Hiệp Phát không bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi xuất sang thị trường Nhật Bản ở dạng cấp đông và dạng puree. Ông Hoàng Cường, Công ty cổ phần Hiệp Phát, cho biết: “Sự tấn công của ruồi đục trái trên cây trồng gây rất nhiều khó khăn đối với việc phát triển hệ thống vùng trồng của Hiệp Phát. Nhờ sự hỗ trợ từ chương trình của VCAQMN, tình hình bây giờ đã được kiểm soát và phát triển theo đúng lộ trình công ty đề ra”.

* Thắt chặt quan hệ

Tại Hội thảo “Hợp tác nghiên cứu viện trường và doanh nghiệp phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL” nhiều “đơn đặt hàng” từ các doanh nghiệp, các địa phương đã được chuyển trực tiếp đến các viện, trường. Ông Lương Thanh Hải, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Kiên Giang, đề xuất cụ thể: “Dân Kiên Giang có nhu cầu rất lớn về con giống cá bốp để phục vụ sản xuất. Chúng tôi đã “đặt hàng” nhưng chưa có đơn vị nghiên cứu nào nhận”. Theo ông Trịnh Minh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Minh Tú, công ty đã tự nghiên cứu thành công trong việc sản xuất dầu biodiesel từ mỡ cá tra, cá ba sa. Từ kết quả này, công ty đang phối hợp với Trường ĐHCT nghiên cứu thêm đối với một số loại cây lấy dầu. Ông Trịnh Minh Tú gợi ý: “Một định hướng nghiên cứu có thể ứng dụng ở ĐBSCL là nghiên cứu chiết xuất dầu biodiesel từ tảo”... Theo lãnh đạo các viện, trường, đây là những dữ liệu để xây dựng định hướng nghiên cứu khoa học của các đơn vị trong thời gian tới.

Một vấn đề khá nhạy cảm, không được đề cập sâu đến tại hội thảo nhưng rất quan trọng trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ giữa viện trường và doanh nghiệp là hài hòa quyền lợi giữa hai bên. Trao đổi bên lề hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu chia sẻ: “Hiện nay, việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp để đưa vào sản xuất vẫn còn theo kiểu hỗ trợ của Nhà nước, chứ chưa có việc doanh nghiệp mua bản quyền như mong muốn. Viện cũng không có lợi nhuận gì trong việc chuyển giao này”. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng VLĐBSCL, cũng cho biết, phần doanh nghiệp trả lại “thù lao” cho Viện khi nhận chuyển giao giống mới chỉ mang tính tượng trưng. Tiến sĩ Bảnh nhấn mạnh: “Để làm ra một giống mới rất tốn kém. Phần lớn là nhờ vào kinh phí Nhà nước đầu tư cho Viện, kinh phí từ những hợp đồng Viện làm với các địa phương, chứ nếu tính theo kiểu tự chủ tài chính, Viện làm ra rồi bán cho doanh nghiệp thì không thể kham nổi. Vì vậy, vấn đề là làm thế nào để hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và đơn vị NCKH”.

Một tín hiệu đáng mừng cho vấn đề trên là Luật Sở hữu trí tuệ qui định: Mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả cho tác giả được qui định là 10% số tiền làm lợi; 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác). Các đơn vị NCKH đều hy vọng rằng những qui định cụ thể này sẽ được thực hiện nghiêm để tạo đà cho công tác NCKH, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phát triển mạnh mẽ hơn.

Bài, ảnh: SỸ HUIÊN

Chia sẻ bài viết