30/01/2023 - 15:39

Nhiều ý kiến xung quanh vấn đề quyền sử dụng đất 

Bài, ảnh: Hiển Dương

Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) đã bổ sung trường hợp không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDÐ) đối với QSDÐ đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời. Quy định này nhận được sự đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều người còn băn khoăn về việc pháp luật đất đai chưa có quy định cho người có quốc tịch nước ngoài được nhận thừa kế và đứng tên trên giấy chứng nhận QSDÐ.

Người sử dụng đất thực hiện thủ tục công chứng tại Văn phòng Công chứng Nguyễn Văn Bê.

Tại Ðiều 49, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), người sử dụng đất (SDÐ) được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp QSDÐ; góp vốn bằng QSDÐ khi có các điều kiện sau: có giấy chứng nhận, trừ trường hợp nhận thừa kế QSDÐ, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa theo quy định; đất không có tranh chấp; QSDÐ không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; trong thời hạn SDÐ; QSDÐ không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, người SDÐ khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho QSDÐ; thế chấp QSDÐ, góp vốn bằng QSDÐ còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại từ Ðiều 50 đến Ðiều 53, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi). Công chứng viên Nguyễn Văn Bê, Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Văn Bê (ở huyện Thới Lai), cho biết: “Thời gian qua, có nhiều trường hợp người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài có nguyện vọng được nhận tài sản thừa kế là QSDÐ và yêu cầu được cấp giấy chứng nhận QSDÐ. Tuy nhiên, đối chiếu quy định pháp luật hiện hành và quy định của dự thảo, yêu cầu này không được giải quyết, do không thỏa mãn về điều kiện theo quy định”.

Theo quy định hiện hành (khoản 1, Ðiều 188, Luật Ðất đai 2013), người SDÐ được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp QSDÐ; góp vốn bằng QSDÐ khi có các điều kiện: có giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3, Ðiều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1, Ðiều 168, Luật Ðất đai 2013; đất không có tranh chấp; QSDÐ không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; trong thời hạn SDÐ.

Theo luật sư Ðỗ Vinh Quang, Ðoàn Luật sư TP Cần Thơ, đối chiếu với quy định khoản 1, Ðiều 188, Luật Ðất đai 2013, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) đã bổ sung trường hợp không được chuyển nhượng QSDÐ là khi QSDÐ đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời theo quy định của pháp luật. Việc bổ sung này là hợp lý, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, ngăn ngừa phát sinh những tranh chấp không đáng có.

Bên cạnh đó, khoản 6, Ðiều 49, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) quy định, các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDÐ gồm: Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDÐ. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng QSDÐ rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích SDÐ theo quy hoạch, kế hoạch SDÐ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDÐ ở, đất trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.

Những quy định liên quan về chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp QSDÐ, được nhiều người quan tâm vì liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Ông Nguyễn Tấn Lộc ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn là một ví dụ. Trước đây, cha mẹ ông qua đời có để lại căn nhà và đất. Anh chị em ông thỏa thuận thống nhất để lại tài sản này cho người anh thứ 2 đứng tên trên giấy chứng nhận QSDÐ để làm nhà thờ, lo hương quả, thờ cúng ông bà. Nhưng ngặt nỗi, người anh thứ 2 này đã có quốc tịch nước ngoài, nên không được đứng tên trên giấy chứng nhận QSDÐ… Ông Lộc kiến nghị: “Theo tôi, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) cần quy định người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài được nhận thừa kế là QSDÐ và được cấp giấy chứng nhận QSDÐ, để đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người SDД.

Chia sẻ bài viết