29/12/2011 - 21:36

Xuất khẩu gạo

Nhiều triển vọng trong năm mới

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến cuối tháng 12, Việt Nam đã xuất trên 6,944 triệu tấn gạo, đạt giá trị hơn 3,4 tỉ USD. Với nền tảng này, các chuyên gia dự đoán, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế và hứa hẹn nhiều triển vọng trong năm 2012.

“Năm vàng” xuất khẩu gạo

Ông Lê Việt Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mê Kông (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), nói: “Năm 2011 xuất khẩu gạo Việt Nam đạt nhiều thắng lợi. Những doanh nghiệp (DN) nào chuẩn bị nguồn hàng ổn định đều thắng lớn. DN xuất khẩu giá cao, nông dân phấn khởi vì lúa được giá, có thời điểm lúa tươi mua tại ruộng lên đến 6.000 đồng/kg. Đối với Công ty Cổ phần Mê Kông sản lượng xuất khẩu năm 2011, tăng khoảng 40% so với năm trước, kim ngạch xuất khẩu tăng 50% tương đương khoảng 30 triệu USD”. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), cho rằng: “Mặc dù Việt Nam chưa thể sánh với Thái Lan ở phân khúc thị trường gạo cấp cao nhưng những năm gần đây, giá trị xuất khẩu giữa gạo Việt Nam và Thái Lan đã dần rút ngắn khoảng cách. Hiện nay, tại một số thị trường như Hồng Công, Malaysia, Singapore... gạo Jasmine của Việt Nam luôn ở thế cạnh tranh với gạo Thơm của Thái Lan”.

Năm 2012, dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ở mức 6,5 – 7 triệu tấn/năm.                   

Theo VFA, giai đoạn 2006-2010, sản lượng gạo xuất khẩu nước ta tăng gần 34%, trong khi giá trị tăng đến 165%. Cơ cấu xuất khẩu gạo có sự thay đổi theo hướng gia tăng gạo chất lượng cao và giảm dần gạo cấp thấp. Bình quân hàng năm, gạo cao cấp chiếm gần 35% và có xu hướng tăng do nhu cầu thị trường thay đổi, khả năng cung ứng gạo chất lượng cao của Việt Nam ngày một cải thiện. Một số DN nhận định, với lợi thế giá thấp hơn Thái Lan từ 300-400 USD/tấn, gạo thơm Việt Nam đã dần chiếm lĩnh thị phần tại Hồng Công và từng bước xâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Thị trường tiêu thụ gạo của Hồng Công và Trung Quốc có những điểm tương đồng, một khi gạo thơm Việt Nam xâm nhập được Hồng Công, vấn đề vào được Trung Quốc chỉ là “sớm muộn”.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), nói: “Từ năm 2008 đến nay, sản lượng lúa chỉ tăng vào khoảng 1,5%/năm nhưng lượng gạo xuất khẩu tăng trung bình 15%/năm. Dự đoán, nếu giá cả tiếp tục ổn định, sản lượng lúa cả nước có thể gia tăng trung bình 2%/năm. Phần tăng này chủ yếu do tăng năng suất, ngay cả trong trường hợp diện tích không tăng. Với đà tăng này, sản lượng lúa của Việt Nam có thể đạt 44-45 triệu tấn/năm và Việt Nam có thể xuất khẩu trên 9 triệu tấn gạo vào năm 2015”.

Nhiều triển vọng...

Theo VFA, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ không có nhiều thay đổi trong năm 2012. Tại châu Á, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống như: Philippines, Malaysia, Indonesia và mở rộng thị phần gạo chất lượng cao sang Trung Quốc và Hồng Công. Đối với thị trường châu Phi, Việt Nam sẽ tập trung xuất khẩu gạo cao cấp nhằm hạn chế sự cạnh tranh gạo cấp thấp từ Ấn Độ và Pakistan. Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, nhận định: Ngoài thị trường chính, Việt Nam tiếp tục duy trì và mở rộng thị phần trên cơ sở nâng cao chất lượng, gia tăng sức cạnh tranh cho hạt gạo Việt. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm do ảnh hưởng lũ lụt và chính sách mới trong việc tăng giá thu mua lúa. Năm 2012, sản lượng lúa dự kiến đạt 41 triệu tấn, xuất khẩu gạo dự kiến đạt 7 triệu tấn”. Hiện tại, VFA chỉ đạo các DN chủ động ký hợp đồng trong năm 2011 để có lượng gạo “gối đầu” phục vụ cho xuất khẩu quý I/2012 (600-800 ngàn tấn). Trong năm 2012, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ở mức 6,5-7 triệu tấn.

Theo các DN, thời điểm cuối năm, Ấn Độ và Pakistan tập trung xuất khẩu lượng gạo tồn kho. Vì thế, việc ký kết hợp đồng “gối đầu” sang năm 2012 của các DN Việt Nam diễn ra chậm hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm tới. Bởi lượng hàng tồn kho của các nước này có hạn và chỉ tập trung vào các thị trường gạo cấp thấp. Còn những thị trường cần giao hàng nhanh, ổn định và dứt điểm sẽ chọn nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), cho rằng: “Với tình hình khủng hoảng lương thực thế giới như hiện nay cộng với thời tiết diễn biến phức tạp, các khách hàng truyền thống của Việt Nam khó có thể tự túc về lương thực. Vì vậy, thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định, chưa có sự thay đổi đáng kể về sản lượng gạo xuất khẩu”.

Những năm qua gạo luôn là 1 trong 10 mặt hàng chính có có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và an ninh lương thực thế giới. Thương mại gạo đang chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, biến động tiền tệ, lạm phát giá lương thực cũng như chính sách lương thực ở các nước xuất khẩu và nhập khẩu gạo lớn nhất là chính sách nâng giá lúa và tự túc lương thực... Song, với những chính sách đúng đắn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả xuất khẩu, tin rằng vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục được giữ vững trong năm 2012 và những năm tiếp theo...

MỸ THANH - MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết