16/08/2010 - 21:17

NIÊN VỤ MÍA ĐƯỜNG 2010-2011

Nhiều tín hiệu lạc quan

Theo kết quả hiệp thương của 10 nhà máy đường trong khu vực ĐBSCL, niên vụ mía đường 2010-2011 sẽ chính thức vào vụ sau ngày 15-9. Cả nhà máy và người trồng mía đang háo hức chờ đón niên vụ mía đường mới với nhiều tín hiệu lạc quan trước những thông tin về giá đường trong nước và thế giới.

Hấp dẫn từ giá đường

Người trồng mía ĐBSCL đang háo hức chờ đón niên vụ mới với nhiều tín hiệu lạc quan. Trong ảnh: Vùng mía nguyên liệu ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. 

Ông Trịnh Minh Châu-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng, Trưởng tiểu vùng mía đường khu vực ĐBSCL, cho biết: Giá đường bán buôn của nhà máy hiện ở mức 17.000 đồng/kg và theo dự báo tới đây nhiều khả năng sẽ còn tăng thêm do nhu cầu đường phục vụ Tết Trung thu và sau đó là Tết Nguyên đán đang đến gần. Về tình trạng giá đường xuống thấp từ tháng 2-3 lại vọt lên đột ngột trong những tháng qua, ông Châu lý giải: Nguyên nhân là do thiếu hụt nguồn cung, lượng đường bỗng khan hiếm. Sản lượng đường niên vụ vừa rồi trên thế giới sụt giảm gần 5 triệu tấn nên không chỉ Việt Nam mà ở các nước sử dụng nhiều đường như Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ... cũng tìm cách nhập khẩu thêm đường vào dự trữ khiến giá đường cứ tăng dần lên. Hiện nay, giá đường nhập khẩu về đến cảng đã là 820-830 USD/tấn, tức cũng vào khoảng trên 17.000 đồng/kg. Mặt khác, đường nhập lậu từ Campuchia sang cũng có giá từ 17.000 đồng/kg trở lên.

Tính bình quân, mỗi tháng cả nước tiêu thụ từ 80.000-100.000 tấn đường. Vào những dịp cao điểm (Trung thu, lễ, Tết...) số lượng này tăng cao hơn rất nhiều lần. Theo Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến đầu tháng 7-2010, lượng đường tồn kho của các doanh nghiệp của cả nước khoảng 300.000 tấn. Nhưng lượng đường còn tồn này hầu hết đều đã có kế hoạch tiêu thụ cả. Các doanh nghiệp lớn của ngành đường thường hợp đồng bán định kỳ cho các “đại gia” về sữa, bánh kẹo và nước giải khát như Vinamilk, Pepsi, Kinh Đô, Coca Cola... Điều này cũng lý giải vì sao giá đường bán lẻ ngoài thị trường đã lên đến 20.000 đồng/kg nhưng nhiều lúc cũng trong tình trạng khan hàng. Trong khi đó, lượng đường tiêu thụ, sản xuất công nghiệp trong nước trung bình mỗi năm khoảng 1,3-1,4 triệu tấn. Nhưng năm nay, kế hoạch sản xuất 1 triệu tấn cũng rất khó hoàn thành bởi đợt hạn hán vừa qua khiến một diện tích mía ở miền Trung và cả khu vực ĐBSCL phải trồng lại và đẩy thời gian vào vụ mới muộn hơn vụ trước. Diễn biến của thị trường đường vào thời điểm cuối năm chắc chắn vẫn còn rất nóng.

Trước tình hình giá đường trong nước tăng cao, vừa qua, Bộ Công Thương đã cho phép nhập 150.000 tấn đường để góp phần bình ổn giá đường trong nước. Trong đó, 100.000 tấn sẽ được phân bổ ngay cho các đơn vị, 50.000 tấn dự phòng. Trong 100.000 tấn đó thì 75.000 tấn nhập đường thành phẩm, 25.000 tấn cho Công ty cổ phần Đường Biên Hòa nhập về tinh luyện lại.

...Lạc quan từ niên vụ mía đường mới?

Giá đường tăng cao, nhu cầu tiêu thụ đường sẽ còn tiếp tục tăng nên có nhiều ý kiến lo ngại về chuyện “chạy đua” vào vụ giữa các nhà máy trong khu vực ĐBSCL như đã từng xảy ra ở niên vụ trước. Ông Trịnh Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng, cho biết: Cách nay 1 tháng, 10 nhà máy đường trong khu vực đã họp và thống nhất thời gian hoạt động của niên vụ mía đường mới sẽ bắt đầu từ sau ngày 15-9. Ở niên vụ năm ngoái, sản lượng đường toàn vùng khoảng 3 triệu tấn. Đúng ra, 10 nhà máy chỉ hoạt động trong vòng 5 tháng là hết, nhưng do chạy sớm nên phải kéo dài đến 8 tháng làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do đó, các nhà máy sẽ rất cân nhắc đến thời điểm hoạt động trong niên vụ mía đường này và như thế, tình trạng “chạy đua” hoạt động sớm nhiều khả năng sẽ không xảy ra.

Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối đề nghị: UBND các tỉnh, thành phố phải tập trung chỉ đạo các nhà máy đường chủ động phối hợp chặt chẽ để trong năm 2010, tất cả các vùng nguyên liệu của các nhà máy đường đều có quyết định phê duyệt quy hoạch, phù hợp với yêu cầu sản xuất của nhà máy. Ngoài ra, các nhà máy đường phải thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp trong tiêu thụ mía đường do Bộ NN&PTNT đã ban hành: Chỉ thu hoạch mía chính vụ đạt chữ đường từ 8 CCS trở lên. Đồng thời, căn cứ theo giá thành sản xuất mía và tình hình thị trường, Bộ NN&PTNT cùng Hiệp hội Mía đường Việt Nam sẽ công bố giá bán đường và giá mua mía chuẩn để các nhà máy đường làm căn cứ và công bố giá mua mía theo tình hình thực tế tại cơ sở và thời điểm nhằm minh bạch trong việc xác định giá mua mía, bảo vệ được quyền lợi của người trồng mía cũng như tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà máy đường trong niên vụ 2010-2011.

Do ảnh hưởng từ giá mía năm ngoái và giá đường hiện nay, nên người trồng mía rất lạc quan vào giá mía ở niên vụ mới này. Ông Phạm Hồng Văn-Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng và cũng là người trồng mía kỳ cựu ở đất cù lao, cho biết: “Ngoài việc chuyển đổi sang giống mía mới có năng suất, chữ đường cao, người trồng mía ở Cù Lao Dung tập trung chăm sóc rất kỹ cho niên vụ mía này. Bởi theo dự báo, giá mía năm nay sẽ không thấp hơn so với năm 2009”. Năm nay, huyện Cù Lao Dung trồng được trên 7.600ha mía và trong số này có 3.200ha ký hợp đồng bao tiêu với 2 nhà máy đường Vị Thanh và Phụng Hiệp, số còn lại cũng đã và đang được nhà máy đường Sóc Trăng ký hợp đồng bao tiêu. Theo ông Trần Văn Tâm, Phó phòng NN&PTNT huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng: Trong số hơn 3.200ha mía của huyện đã có khoảng 30% có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết