09/11/2012 - 08:18

Nhiều thương hiệu “đặc sản” ở Kiên Giang đang gặp khó !

Nước mắm Phú Quốc, khô sặt rằn, mật ong U Minh Thượng… là những sản phẩm đặc trưng của Kiên Giang đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể, đăng bạ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ… Thế nhưng, những nghề truyền thống này đang gặp khó khăn...

Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ tại Quyết định số 01 ngày 1-6-2001 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là sự kiện mang tính lịch sử đối với một nghề truyền thống, không chỉ là niềm kiêu hãnh, tự hào của người dân Phú Quốc mà còn mang đến niềm phấn khởi, với những cơ hội đang mở ra cho những người làm nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc truyền thống.

 Sản lượng cá sặt rằn vùng U Minh Thượng ngày càng sụt giảm để nhường chỗ cho cá lóc nuôi ao.

Đến nay, đã xây dựng được hệ thống các văn bản về quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc; hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước mắm thực hiện và đạt một số kết quả bước đầu, như các quy trình chuẩn trong sản xuất kinh doanh, chế biến và quản lý nước mắm Phú Quốc mang chỉ dẫn địa lý, mẫu tem, nhãn, lô-gô chuẩn cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc, làm cơ sở cho việc nhận diện và phát triển sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, đồng thời góp phần nâng cao trình độ nhận thức của các cơ sở sản xuất nước mắm Phú Quốc về sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; giải quyết những vấn đề về các doanh nghiệp tại Phú Quốc và TP Hồ Chí Minh về việc đóng chai, sử dụng tên gọi. Ngoài ra, đến nay có 79 trong tổng số 86 cơ sở sản xuất của hội viên đã nộp hồ sơ đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc, trong đó có 64 doanh nghiệp đã được cấp quyền, 18 doanh nghiệp đã thực hiện xong việc đóng số mã thùng, về chỉ dẫn địa lý, 8 cơ sở sản xuất làm thủ tục xin sử dụng tem nhãn chung mang tên chỉ dẫn địa lý Phú Quốc. Từ đó, thị trường sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc sôi động hẳn lên. Minh chứng là từ khi nước mắm Phú Quốc mới được đăng bạ chỉ dẫn địa lý ở một số cơ sở sản xuất nước mắm (68 cơ sở với sản lượng từ 5-6 triệu lít/năm), đến nay đã có 104 cơ sở, sản lượng đạt 30 triệu lít/năm, sản lượng tăng gấp 5 lần so với trước.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển khá nhanh, nghề sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc cũng nảy sinh những khó khăn mới. Đó là nguồn cá cơm nguyên liệu cho sản xuất nước mắm không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, làm nảy sinh tình trạng tranh mua, tranh bán và không kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nước mắm; làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nước mắm Phú Quốc. Đây chính là nguyên nhân nước mắm Phú Quốc sau hơn 10 năm được đăng bạ chỉ dẫn địa lý, nhưng đến nay vẫn chưa có sản phẩm được mang tên chỉ dẫn trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc cho rằng, những người luôn trung thành với nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc đang gặp nhiều khó khăn, do hạn chế về vốn và khó khăn về nguyên liệu cá cơm. Thực tế hiện nay, vùng biển của Phú Quốc, cá cơm chỉ đáp ứng được một phần, một phần còn lại phải khai thác vùng biển khác, thậm chí là ở Bà Rịa-Vũng Tàu, vùng biển ngoài khơi vịnh Thái Lan… thì mới đủ đáp ứng nhu cầu chế biến nguyên liệu của các cơ sở sản xuất nước mắm trên địa bàn huyện đảo. Ngoài ra, hiện nay ngư dân chuyển từ đánh bắt từ mành đèn sang lưới vây truyền thống và không áp dụng phương pháp ướp cá tươi tại tàu. Quá trình không ủ ngay được cá tươi, thì 3-4 tiếng vào đến bờ muối, thì quá trình đó không đảm bảo tiêu chuẩn mà đã được quy định chung. Tuy vậy, chỉ tiêu chất lượng nước mắm vẫn không thay đổi về mặt cảm quan theo 13 chỉ tiêu của Quyết định của UBND tỉnh Kiên Giang ban hành, nếu 1 chỉ tiêu không đạt thì không được cấp tem để dán chỉ dẫn địa lý đưa ra thị trường tiêu thụ, làm ảnh hưởng đến chất lượng chung sản phẩm nước mắm Phú Quốc.

Với mật ong rừng U Minh Thượng cũng là đặc sản quý hiếm chỉ có ở rừng tràm của vùng đất này. Sau khi được công nhận nhãn hiệu tập thể vào tháng 9-2011, mật ong rừng U Minh Thượng được nhiều người biết đến và ưa chuộng loại sản phẩm này. Thế nhưng, sản lượng mật ong rừng U Minh Thượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là cây tràm ngày càng mất giá, người dân phá dần để chuyển đổi ngành nghề khác.

Hàng năm, sản lượng mật ong khai thác tại U Minh Thượng trung bình 1.000-1.200 lít. Giá mật ong bán lẻ tại chỗ 250.000-300.000 đồng/lít. Hiệu quả của mật ong là thế, nhưng do cây tràm mất giá nên diện tích tràm ở các xã Minh Thuận, An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng), Đông Hưng, Đông Hưng B (huyện An Minh) thu hẹp dần, kéo theo sản lượng mật ong giảm, ngày càng khan hiếm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng mật ong của người tiêu dùng ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Hoàng Oanh, một trong những người đăng ký nhãn hiệu tập thể mật ong rừng U Minh Thượng, ngụ xã Minh Thuận, cho biết: "Gần đây do người dân trong xã phá tràm để chuyển sang trồng mía và các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn, nên số lượng đàn ong tụ họp về đây ít, lượng mật ong thu về giảm hơn 50% so với trước". Còn với ông Nguyễn Văn Thọ, người có thâm niên 40 năm làm nghề gác kèo ong ngụ xã Minh Thuận, chia sẻ: "Trước đây tràm còn nhiều, mỗi mùa gác kèo ong, tôi có thể thu hoạch vài trăm lít. Mấy năm nay chỉ thu hoạch vài chục lít/năm, không đủ bán. So với sức mua bây giờ, gia đình tôi phải có từ 500 lít mật ong trở lên mới đủ đáp ứng nhu cầu".

Ở vùng U Minh Thượng, việc xây dựng cá sặt rằn thành một thương hiệu độc quyền lại mang ý nghĩa nhân văn. Đây là sản phẩm đặc trưng cho văn hóa ẩm thực chuyên biệt tự nhiên từ cá đến rau và hương liệu chế biến để cho ra những món bổ dưỡng, dân dã và độc đáo. Cùng với mật ong rừng, cá sặt rằn là sản phẩm điển hình phục vụ cho du lịch tại địa phương. Nuôi cá sặt rằn giảm tốc độ xâm lấn mặn và giữ nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng đa dạng sản phẩm, tạo sự cân bằng sinh thái và bảo tồn giống cá đồng tự nhiên. Mặt khác, cá sặt rằn cũng là một sản phẩm chủ lực giúp nhà nông giảm nghèo. Tuy nhiên, hiện nay, do con tôm đang "ôm cây lúa" nhiều hơn là dành đất cho nguồn cá sặt rằn tồn tại. Do vậy, hiện giờ sản lượng khô sặt rằn cũng giảm đáng kể, kèm theo đó là việc nhãn hiệu giả khô cá sặt rằn cũng xuất hiện nhiều nơi trên thị trường, làm mất uy tín cho thương hiệu đặc trưng vùng U Minh Thượng.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Thượng, cho biết: "Là đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể mật ong rừng U Minh Thượng và khô cá sặt rằn, thời gian tới, Hội thành lập lại các tổ gác kèo ong truyền thống, tổ nuôi cá nước ngọt. Huyện phát động các hộ kinh doanh mật ong, khô cá sặt rằn phải đăng ký nhãn hiệu tập thể thông qua cơ quan chuyên môn. Hội kết hợp với các cơ quan chức năng vận động nhân dân trồng lại cây tràm; mở rộng diện tích nuôi cá nước ngọt, trong đó chú trọng đến nguồn cá sặt rằn; tăng cường tuyên truyền rộng rãi đến các đại lý, cơ sở kinh doanh mật ong, khô cá sặc rằn phải đảm bảo chất lượng để bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Lương Thanh Hải, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Để các nghề truyền thống của Kiên Giang duy trì và phát triển, thời gian tới Sở KH&CN và các địa phương cần quy hoạch định hướng phát triển gắn với bảo tồn nghề truyền thống; cần quản lý chặt chẽ việc cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; các cơ quan chức năng cần hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp sản xuất nghề truyền thống để phát triển mạnh hơn nữa; tăng cường quảng bá, giới thiệu và xuất khẩu đi các nước…

Bài, ảnh: LÊ SEN

Chia sẻ bài viết