24/01/2011 - 14:15

Nhiều nước chìm trong làn sóng biểu tình

Hãng tin Anh BBC hôm qua cho biết những người biểu tình ở Tunisie đang gia tăng sức ép đòi Thủ tướng Mohammed Ghannouchi và nội các của ông từ chức. Trong khi đó, tình hình ở Yemen, Algérie và Albanie cũng không hề sáng sủa hơn.

Người Yemen biểu tình đòi Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức ngày 22-1. Ảnh: AFP 

Theo BBC, các cuộc biểu tình chống chính phủ lâm thời Tunisie tiếp tục diễn ra ở Thủ đô Tunis và nhiều thành phố khác. Riêng tại Tunis, liên đoàn lao động chính ở nước này đã bắt đầu cuộc tuần hành đình công rầm rộ. Cuộc tuần hành đã thu hút hàng ngàn người tham gia, trong đó có cả cảnh sát, đòi loại bỏ tất cả các quan chức chính phủ lâm thời có quan hệ với Tổng thống bị phế truất Zinee El Abidine Ben Ali.

Trong một thông báo hôm 22-1, người phát ngôn chính phủ Tunisie Taieb Baccouche đã nhấn mạnh ranh giới giữa “quyền biểu tình hòa bình và nguy cơ đảo chính”. Trước đó, Thủ tướng chính phủ lâm thời Mohammed Ghannouchi cam kết sẽ rời khỏi chính trường sau khi các cuộc bầu cử diễn ra trong vòng 6 tháng tới.

Mặc dù các trường học sẽ được mở cửa trở lại trong tuần này, song lệnh giới nghiêm được áp đặt từ nhiều ngày qua sẽ tiếp tục được kéo dài.

Giới chức Canada ngày 22-1 cho biết các thành viên gia đình của cựu Tổng thống Ben Ali đã tới Canada. Theo nguồn tin trên, một trong số các anh rể của ông Ben Ali đã tới Montreal cùng vợ, các con và một nữ gia sư vào sáng 21-1 bằng máy bay riêng.

Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở Albanie ngày 21-1. Ảnh: AP 

Tình hình ở Yemen cũng không khả quan hơn khi làn sóng chống chính phủ của Tổng thống Ali Abdullah Saleh ngày càng dâng cao. Họ biểu tình phản đối việc sửa đổi hiến pháp cho phép ông Saleh, người đã lãnh đạo Yemen 32 năm, nắm quyền suốt đời cũng như phản đối tình trạng giá hàng hóa và nhiên liệu tăng cao trong thời gian qua. Những người biểu tình đã tập trung trong khuôn viên và bên ngoài trường Đại học Sanaa ở thủ đô, hô vang các khẩu hiệu kêu gọi lật đổ Tổng thống Saleh. Cảnh sát đã được triển khai để giải tán đám đông biểu tình, song không xảy ra xung đột.

Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho biết, bạo lực đã xảy ra khi cảnh sát chống bạo động phong tỏa, dùng dùi cui và hơi cay để ngăn chặn khoảng 300 người biểu tình từ khu vực gần trụ sở của đảng đối lập Liên minh Văn hóa và Dân chủ (RCD) tiến tới tòa nhà Quốc hội tại khu vực trung tâm Thủ đô Algiers của Algérie ngày 22-1. Theo RCD, ít nhất 5 người biểu tình bị thương, 6 người biểu tình khác bị bắt giữ, trong đó có người đứng đầu nhóm nghị sĩ của RCD tại Quốc hội. RCD đã kêu gọi người dân tiến hành cuộc biểu tình nhằm phản đối tình trạng giá lương thực tăng cao thời gian gần đây. Chính quyền Algérie trước đó đã ra lệnh cấm các cuộc tuần hành, biểu tình tại khu vực thủ đô, đồng thời kêu gọi người dân không ủng hộ lời kêu gọi của RCD.

Tại Thủ đô Tirana của Albanie, theo hãng tin Pháp AFP ngày 22-1, cuộc biểu tình của những người ủng hộ đảng Xã hội đối lập chống chính phủ của Thủ tướng Albanie Sali Berisha cũng đã biến thành bạo động, làm 3 người thiệt mạng, 55 người trong đó có 25 cảnh sát bị thương. Ba nạn nhân bị chết do trúng đạn. Phe đối lập đã cáo buộc lực lượng quân đội và cảnh sát gây ra những cái chết trên nhưng chính phủ Albanie đã bác bỏ.

Căng thẳng giữa chính phủ và đảng Xã hội đối lập gia tăng trong những tháng qua, sau khi các cuộc đối thoại giữa hai bên không đáp ứng được yêu cầu của đảng Xã hội, đòi điều tra về kết quả cuộc bầu cử quốc hội nước này hồi tháng 6-2009 và những cáo buộc về tham nhũng trong chính phủ.

Tình hình bạo lực tại Albanie đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Mỹ, các nước EU và tổ chức OSCE kêu gọi các bên kiềm chế để tránh gây bất ổn khu vực Balkan.

N.Q (Theo BBC, AP và TTXVN)

Chia sẻ bài viết