13/11/2023 - 14:56

Nhiều hình thức sáng tạo hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp 

Qua 6 năm các cấp hội phụ nữ trong tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 939), đã góp phần nâng cao nhận thức cho các chị về phụ nữ khởi nghiệp thời đại 4.0. Qua đó, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, thúc đẩy tinh thần cho hàng ngàn chị em mạnh dạn khởi nghiệp.

Nghề đan lục bình giúp chị em phụ nữ thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kiên Giang, cho biết, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được đẩy mạnh với nhiều hình thức sáng tạo. Chủ đề “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” hằng năm đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, sự chuyển động của nền kinh tế; theo đó, tỉnh tổ chức “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” thu hút trên 140 phụ nữ có ý tưởng, dự án dự thi; vận động, hỗ trợ cho gần 1.000 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thông qua các hình thức tập huấn nâng cao năng lực, kết nối tiếp cận tín dụng, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối xúc tiến thương mại, đầu tư...

Trong khuôn khổ Đề án 939, từ năm 2017 đến nay, đã có 100% số cán bộ hội phụ nữ chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% số hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 847 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Việc kết nối với mạng lưới Hội nữ doanh nhân tỉnh với Câu lạc bộ nữ doanh nhân cấp huyện được chú trọng hơn; thúc đẩy phát triển mạng lưới hội, câu lạc bộ doanh nghiệp nữ. Đến nay, có 15 Câu lạc bộ nữ cấp huyện được chính thức thành lập, với gần 250 hội viên.

Có ý tưởng, quyết tâm theo đuổi đam mê khởi sự kinh doanh, cùng với sự hỗ trợ từ các cấp hội LHPN về kiến thức khởi nghiệp, hỗ trợ vay vốn, kết nối giao thương giới thiệu, trưng bày, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh, đã giúp nhiều chị em tự tin vươn lên trong lập thân lập nghiệp. Trong số đó phải kể đến cô Nguyễn Thị Pha Phăng, giáo viên dạy môn vật lý tại Trường THCS và THPT Long Thạnh, huyện Giồng Riềng. Nhận thấy quả gấc có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe và có thể làm đẹp, cô lên mạng nghiên cứu, học hỏi cách chế biến các sản phẩm từ quả gấc. Kể từ đó, cô Phăng bắt tay vào việc nấu tinh dầu gấc, chế biến ra các sản phẩm, như son gấc, dầu gấc dưỡng da, dầu gấc dùng trong chế biến món ăn... Bên cạnh đó, cô còn tham gia các lớp tập huấn khởi nghiệp, theo đó đã được giáo viên dạy lớp khởi nghiệp giới thiệu tham dự nhiều cuộc thi, đến tháng 11-2021, dự án son Gấc P’Phăng của cô đạt giải khuyến khích cuộc thi “Nữ doanh nhân với kế hoạch kinh doanh thành công” do Bộ Công Thương và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đồng tổ chức. Kết quả này đã tiếp thêm sức mạnh để cô có thêm quyết tâm hoàn thành các thủ tục pháp lý, cải tiến bao bì, mẫu mã mở rộng thêm thị trường.

Đến nay, cô Phăng tự tin thành lập cơ sở kinh doanh do mình làm chủ. Mới đây cô Phăng cùng một số chị em phụ nữ tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát triển tài nguyên bản địa năm 2023” cấp khu vực niềm Nam, do Hội LHPNVN tổ chức. Cô Phăng xuất sắc mang về cho tỉnh giải Khuyến khích. 

Còn chị Nguyễn Hồng Bóng, Tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ đan lục bình xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao với hướng đi lập thân, lập nghiệp cũng chính từ nguồn tài nguyên bản địa là đan lục bình. Chị Nguyễn Hồng Bóng sinh ra trong một gia đình nghèo, đông chị em, kinh tế hết sức khó khăn. Đến khi lập gia đình riêng, cuộc sống cũng không khá hơn, lại phải lo cho hai con đi học nên chị quyết tâm học nghề đan lục bình để có thêm thu nhập.

Khi đan thành thạo chị liên hệ với doanh nghiệp để nhận sản phẩm về đan gia công. Có được việc làm tại chỗ và thấy ổn định, chị nhờ Hội LHPN xã Vĩnh Thắng vận động thành lập Tổ hợp tác đan lục bình cho chị em địa phương tham gia và mở lớp dạy nghề tại chỗ. Chị Bóng đứng ra nhận sản phẩm về giao cho các chị em trong tổ đan, bên cạnh đó chị còn hướng dẫn các chị em cách rào nuôi lục bình để làm nguyên liệu mà không phải mua, giảm được rất nhiều chi phí.

Chị Bóng còn tự nhận khuôn mẫu từ doanh nghiệp về phân phối lại cho các thành viên trong tổ để đan và sau đó đi thu các sản phẩm lại để giao cho doanh nghiệp. Chị Bóng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ, đến nay thu hút được 31 chị tham gia vào Tổ hợp tác đan lục bình, giúp các chị em trong tổ có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện dần cuộc sống. Các chị tham gia tổ hợp tác có thu nhập bình quân hàng tháng từ 2-2,5 triệu đồng trở lên đã góp phần cải thiện đời sống của chị em.

Thực hiện Đề án 939, bằng nhiều hình thức tập huấn, truyền thông nâng cao kiến thức khởi nghiệp, tạo mô hình sinh kế, học nghề, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, đến nay các cấp hội phụ nữ trong tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ thành lập 12 hợp tác xã, 384 tổ hợp tác, tổ, nhóm liên kết sản xuất do có phụ nữ tham gia quản lý. Toàn tỉnh có 73 sản phẩm OCOP do phụ nữ là chủ thể, đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. 

Thông qua việc tập huấn kiến thức, hỗ trợ vốn, cây, con giống… Hội LHPN các cấp kịp thời hỗ trợ cho nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, duy trì và tái đầu tư, hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, mô hình sinh kế, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh, sản xuất là nữ có vốn đầu tư vào sản xuất, có việc làm tăng thu nhập; vận động hỗ trợ xây dựng nhà góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo của địa phương, giúp phụ nữ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng… qua đó đã giúp 2.798 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo.

Thực hiện Đề án 939, tỉnh Kiên Giang được cấp tổng kinh phí là 3,5 tỉ đồng; ngoài ra, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh còn vận động thêm nguồn xã hội hóa hàng tỉ đồng. Qua đó, hỗ trợ và khuyến khích giúp 1.127 phụ nữ khởi nghiệp thành công, trong đó có 267 chị được biểu dương gương điển hình phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu xuất sắc qua các năm. 

Có thể nói, Đề án 939 của Chính phủ là điểm tựa thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đến các tầng lớp phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, biên giới, hải đảo, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế, bảo đảm thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết