11/10/2019 - 09:10

Nhiều giải pháp ứng phó sụt lún đất, nước biển dâng 

Sụt lún đất và nước biển dâng là hiện tượng được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước xác định đã và đang diễn ra tại TP Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Hiện tượng này không những ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương, mà còn khiến khoảng 20 triệu dân ở ĐBSCL có nguy cơ bị ảnh hưởng đến đời sống, an sinh xã hội… Giải pháp ứng phó, hạn chế tác động xấu do sụt lún đất, nước biển dâng đang cần sự nỗ lực thực hiện của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng. TP Cần Thơ từng bước thực hiện các giải pháp ứng phó với mong muốn hạn chế thấp nhất những thiệt hại từ các hiện tượng trên...

Tác hại của sụt lún, nước biển dâng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ, những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2019, TP Cần Thơ chịu tác động mạnh từ đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch, mực nước lên cao nhất lịch sử trong vòng 40 năm gần đây, gây ngập lụt đường phố, nhà cửa, ảnh hưởng giao thông, sinh hoạt, kinh doanh… của người dân địa phương. Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết: "Năm nay, mực nước thượng nguồn sông Mekong đổ về rất thấp. Tại trạm đo thủy văn ở Châu Đốc, mực nước chỉ vượt báo động 1, do đó, đợt ngập lụt đô thị TP Cần Thơ và các địa phương vừa qua được nhận định là do ảnh hưởng của nước biển dâng, triều cường và tình trạng sụt lún ngày càng tăng ở khu vực ĐBSCL. TP Cần Thơ cũng như các địa phương khác trong khu vực còn tiếp tục chịu tác động của nước biển dâng, triều cường trong tháng 10, tháng 11 âm lịch tới. Riêng, TP Cần Thơ hiện đang gấp rút triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm tác hại từ các đợt triều cường sắp tới".

Thời gian qua, nhiều công trình nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài nước cũng xác định sụt lún đang diễn ra nghiêm trọng tại TP Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Từ các kết quả nghiên cứu cho thấy, ĐBSCL có khả năng diễn ra sụt lún đất với tốc độ khá nhanh, với mức trên dưới 2,5cm/năm và trong vòng 10 năm qua khả năng ĐBSCL đã bị sụt lún khoảng 25cm. Cụ thể, công bố gần đây của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Utrech (Hà Lan) cho biết, ĐBSCL thực tế chỉ cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m, thấp hơn dự báo trước kia là 2,6m. trong khi đó, hằng năm, ĐBSCL sụt lún khoảng 2-3cm và mực nước biển dâng ít nhất khoảng 0,5cm. Do đó, khoảng 20 triệu dân ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ diễn biến này trong khoảng 50 năm tới…

Tuy nhiên, theo Sở TN&MT TP Cần Thơ, từ nhận định trên, TP Cần Thơ cũng như các tỉnh trong khu vực ĐBSCL cần có các nghiên cứu chuyên ngành, nghiên cứu sâu hơn để tìm ra các nguyên nhân, giải pháp và các thông tin, số liệu thuyết phục để từ đó kịp thời có chương trình, hành động phù hợp với thực tế của từng địa phương. Tại TP Cần Thơ, tình trạng ngập lụt đã được dự báo sẽ diễn ra ngày càng phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống người dân. Thực tế cho thấy, đợt triều cường vừa rồi đã gây ảnh hưởng đáng kể đến đời sống, an sinh xã hội, đi lại, nhà cửa, sản xuất nông nghiệp, buôn bán, du lịch trên địa bàn thành phố. Đây là vấn đề mà TP Cần Thơ quan tâm và tìm giải pháp hạn chế…

Hạn chế tác hại

Ông Nguyễn Chí Kiên cho biết: "Để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nguy cơ sụt lún đất, nước biển dâng, TP Cần Thơ cũng như các địa phương trong vùng tập trung thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Nghị quyết là cơ sở để Cần Thơ định hướng đúng tiềm năng, lợi thế của mình, thực hiện liên kết với địa phương khác để phát huy sức mạnh tổng hợp của vùng triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển bền vững TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung trong thời kỳ BĐKH".

Đường Lý Tự Trọng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) ngập sâu do triều cường, người dân tự chế xuồng đi lại trên đường.

Theo Sở TN&MT TP Cần Thơ, thời gian qua, TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2015-2030, với nhiều nhiệm vụ được giao cho sở, ngành, địa phương thực hiện. Đồng thời, thành phố cũng đang triển khai nhiều dự án nâng cấp đô thị, trong đó có 2 dự án lớn là: Dự án kè sông Cần Thơ - ứng phó BĐKH; Dự án phát triển TP Cần Thơ tăng cường khả năng thích ứng đô thị. Đây là những dự án góp phần giảm ngập đô thị, hạn chế tác động do nước biển dâng. Bên cạnh đó, thành phố cũng siết chặt việc cấp phép khai thác nguồn nước ngầm, nhằm góp phần hạn chế tình trạng sụt lún đất diễn ra. Thời gian tới, TP Cần Thơ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định hiện có và xây dựng các quy định mới trên cơ sở tích hợp các yếu tố BĐKH, nhất là đối với các quy hoạch về phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng, đô thị, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, ổn định dân cư… Trong đó, TP Cần Thơ tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ người dân chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng BĐKH và nước biển dâng…

Tuy nhiên, để thực hiện các giải pháp trên, TP Cần Thơ và cả khu vực ĐBSCL cần được sự đầu tư, hỗ trợ xây dựng hệ thống quan trắc sụt lún đất nhằm theo dõi, cập nhật kịp thời độ sụt lún thành phố, khu vực ĐBSCL. Đây là cơ sở quan trọng cho các chương trình quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững trong tương lai. Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Trường Đại học Fulbright Việt Nam về tình hình sụt lún, nước biển dâng ảnh hưởng đến an sinh xã hội và phát triển kinh tế ở TP Cần Thơ, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Để ứng phó BĐKH, sụt lún đất, nước biển dâng, TP Cần Thơ sẽ tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương, các bộ, ngành Trung ương và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong thực hiện nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH, phòng tránh thiên tai, sạt lở bờ sông, chương trình tăng trưởng xanh, Kế hoạch Thỏa thuận Paris về BĐKH và các chương trình, kế hoạch, dự án liên quan đến BĐKH đã ban hành… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BĐKH, phòng tránh thiên tai, đánh giá mục tiêu, chỉ tiêu về ứng phó BĐKH; quan tâm đào tạo, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng và hiệu quả nhằm đáp ứng nhiệm vụ, tình hình mới khi BĐKH diễn ra ngày càng
gay gắt…".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết