31/05/2022 - 15:39

Vĩnh Thạnh

Nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp chất lượng cao 

Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, toàn huyện có diện tích tự nhiên 30.705ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 27.064ha. Người dân trên địa bàn sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, lúa cây trồng chủ lực và là nguồn thu nhập chính, với diện tích sản xuất hằng năm là 25.289ha, chiếm 93,04% đất sản xuất nông nghiệp.

Ông Cao Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự điều hành của UBND huyện, nhất là sự đồng thuận của người dân, huyện Vĩnh Thạnh đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy hoạch như thủy lợi, đê bao, giao thông, trạm bơm... Qua đó, điều kiện sản xuất nông nghiệp thuận lợi, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng lên. Ðặc biệt, nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Hiện nay, Vĩnh Thạnh đã hình thành và phát triển mô hình cánh đồng lớn, quản lý và tổ chức sản xuất có hiệu quả. Ðến nay, Vĩnh Thạnh đạt 9/9 xã nông thôn mới, trong đó có 3/9 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao”.

Trạm bơm điện được đầu tư xây dựng tại huyện Vĩnh Thạnh, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh được đánh giá có sự chuyển biến mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng tăng, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác có bước tiến bộ và hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Ðến nay, hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp là một chủ thể quan trọng, được coi là thành phần kinh tế quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hộ gia đình, tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, gắn kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ và chế biến. Ðến nay, toàn huyện có 24 HTX đang hoạt động với tổng số 834 thành viên và vốn điều lệ là 29,624 tỉ đồng, trong đó có 8 HTX hoạt động có hiệu quả (HTX Thủy sản Thắng Lợi, HTX Khiết Tâm, HTX Nông nghiệp Hiếu Bình, HTX Thịnh Phát, HTX Ðồng Thuận, HTX Quyết Thắng, HTX Nước sạch nông thôn ấp C2, HTX DVNN My Hậu). Huyện đã xây dựng được 113 cánh đồng lớn với diện tích 17.297,45ha (chiếm 68,52%) và tổng số 11.318 hộ với các mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (VietGAP, Global GAP...) cũng được phổ biến nhân rộng; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư phát triển sản xuất rau sạch, rau thủy canh để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm…

Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, phát triển kinh tế hợp tác, HTX nông nghiệp và dịch vụ góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại huyện Vĩnh Thạnh là hướng đi phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp của TP Cần Thơ nói chung và ở huyện Vĩnh Thạnh nói riêng. Trong đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp tập trung trên quy mô lớn, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Ðây là nền tảng để xây dựng nông thôn mới giúp giải quyết các bài toán về tích tụ ruộng đất, vốn sản xuất, tăng cường liên kết 5 nhà và từng bước nâng cao năng lực cho nông dân; có khả năng quản lý tốt, ứng dụng thành thạo khoa học công nghệ, am hiểu thị trường và giải quyết đầu ra cho nông sản…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt, huyện Vĩnh Thạnh vẫn còn một số khó khăn cần giải quyết. Cụ thể, các hoạt động đầu tư cho ngành nông nghiệp còn chậm, nhất là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn khó khăn, hạn chế... Thị trường, giá cả nông sản hàng hóa thường xuyên biến động, gây khó khăn trong định hướng và thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, bền vững; công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế...

Những tháng cuối năm 2022, huyện Vĩnh Thạnh tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng sản xuất an toàn, sạch, nâng cao giá trị gia tăng gắn với thị trường tiêu thụ. Tiếp tục quy hoạch bố trí các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng sản xuất và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức sản xuất theo quy mô hàng hóa, chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình tổ hợp tác, HTX, liên kết 5 nhà trong sản xuất nông nghiệp, phát triển các hình thức bao tiêu, giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân; khuyến khích nông dân tham gia sàn thương mại điện tử; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ. Tập trung xây dựng, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo chất lượng có chiều sâu và nâng cao thu nhập cho người dân. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Phát triển mạnh, đa dạng cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát huy lợi thế từng vùng; quy hoạch xây dựng vùng sản xuất giống cho các sản phẩm chủ lực của huyện (lúa, rau quả, thủy sản, chăn nuôi) gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm…

Ông Cao Văn Ngoan nhấn mạnh: “Thời gian tới, sẽ tăng cường thực hiện liên kết 5 nhà thông qua việc thực thi chính sách khuyến khích phát triển, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Gắn hoạt động sản xuất - kinh doanh của HTX với xây dựng nông thôn mới và hoàn thiện cơ chế chính sách cho HTX; liên kết và nâng cao kỹ năng cho nông dân, tạo công ăn việc làm ở nông thôn từ kết quả phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, kết hợp với mở thị trường nông thôn, nâng cao trình độ quản lý nông thôn…”.

Chia sẻ bài viết