21/12/2019 - 10:51

Nhiều điểm mới của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 

Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 và sẽ thay thế cho Bộ luật Lao động 2012 hiện hành. Bộ luật mới có những điểm thay đổi tích cực như: mở rộng phạm vi điều chỉnh; tăng tuổi nghỉ hưu; có thể giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử; Quốc khánh được nghỉ 2 ngày...

Bộ luật Lao động 2012 quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động... Trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động, Bộ luật Lao động 2019 mở rộng thêm đối tượng là người làm việc không có quan hệ lao động cùng một số tiêu chuẩn riêng. Đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động 2019 gồm: người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động; người sử dụng lao động; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Người lao động làm việc tại Cảng Tân Cảng - Cái Cui, TP Cần Thơ.

Người lao động làm việc tại Cảng Tân Cảng - Cái Cui, TP Cần Thơ.  

Bộ luật mới đã quy định tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ. Cụ thể: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Theo đó, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với lao động nam; 4 tháng với lao động nữ. Tuy nhiên, nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từng năm như trên được cho là hợp lý, đồng thời tận dụng được nguồn lực cho xã hội.

Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 đã bỏ nội dung về hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng, thay vào đó chỉ còn 2 loại hợp đồng là: hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn. Quy định này được đánh giá là tiến bộ lớn của pháp luật lao động nhằm bảo vệ người lao động, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động cố tình “lách luật”, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng cách ký các loại hợp đồng mùa vụ, dịch vụ... Thêm một điểm mới đối với hợp đồng lao động là ngoài việc ký kết hợp đồng bằng văn bản, luật mới đã ghi nhận thêm hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do mà chỉ cần báo trước 30 ngày với hợp đồng xác định thời hạn và 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn. Trong một số trường hợp, người lao động còn được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước, như: không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; lao động nữ mang thai phải nghỉ việc; đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Ngoài ra, luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó, nổi bật là khi chấm dứt hợp động lao động, người sử dụng lao động phải hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động; cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Ngoài những quy định trên, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định từ năm 2021, vào dịp Quốc khánh, người lao động sẽ được nghỉ 2 ngày (hiện nay là 1 ngày). Như vậy, tổng số ngày nghỉ lễ, Tết hàng năm sẽ nâng lên 11 ngày, trong những ngày này, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương. Ngoài ra, Bộ luật Lao động năm 2019 còn bổ sung thêm trường hợp người lao động nghỉ việc được hưởng nguyên lương khi cha nuôi, mẹ nuôi chết. Luật hiện hành quy định các trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương: bản thân kết hôn; con kết hôn; bố/mẹ đẻ, bố/mẹ vợ hoặc bố/mẹ chồng chết.

Hoàng Yến (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết