17/06/2014 - 08:51

Thực hiện các FTA

Nhiều cơ hội và thách thức

Mới đây, Bộ Công thương và Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu âu (EU-MUTRAP) phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia”. Hội thảo đã giúp các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn hiểu sâu sắc hơn về AEC và các FTA mà nước ta tham gia, từ đó có sự chủ động hơn trong hội nhập quốc tế...

Hướng đến AEC và tham gia nhiều FTA

Thành lập vào năm 1967, đến nay Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã trải qua một chặng đường dài phát triển và đã quy tụ được 10 quốc gia Đông Nam Á, trong đó Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN vào năm 1995. Hướng đến tầm nhìn phát triển, năm 2013 các nhà lãnh đạo của ASEAN tuyên bố xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2007, các nhà lãnh đạo ASEAN quyết định đẩy nhanh việc thành lập AEC vào năm 2015. Năm 2008, Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực, đã khẳng định mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN trên nền tảng ba trụ cột: Cộng đồng Kinh tế (AEC), Cộng đồng An ninh-Chính trị ASEAN (APSC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC). Trong đó, AEC dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015 được coi là một bước ngoặt đánh dấu tiến trình hội nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á. AEC sẽ tạo ra không gian kinh tế chung đưa nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất thương mại và đầu tư thống nhất, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và GDP hằng năm khoảng 2.000 tỉ USD.

Theo Trung tâm Xúc tiến  Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ, hàng hóa của TP Cần Thơ xuất khẩu sang các nước ASEAN đang chiếm khoảng 50% trên tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH May Xuất khẩu Việt Thành. 

Để hình thành AEC, các quốc gia ASEAN hướng đến một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua việc dỡ bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan, tạo thuận lợi cho việc tự do hóa thương mại, dịch vụ và đầu tư trong khu vực. Bên cạnh đó, hướng đến một khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử. ASEAN cũng hướng tới mục tiêu phát triển đồng đều và hội nhập tốt vào nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, chú ý hỗ trợ các thành viên mới, khuyến khích phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu (WTO), hướng đến hình thành một không gian kinh tế mở toàn Đông Nam Á vào năm 2015, với GDP chiếm 1/3 tổng GDP toàn cầu và quy mô thị trường chiếm 1/2 dân số thế giới.

Theo Bộ Công thương, song song với tiến trình hội nhập nội khối, xây dựng AEC, từ năm 2004 đến nay, ASEAN đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Niu Di-lân và Ấn Độ. Bên cạnh đó, năm 2008, Việt Nam còn ký kết Hiệp định đối tác kinh tế với Nhật Bản, Hiệp định FTA song phương với Chile. Ngoài ra, nước ta đang đàm phán các FTA với EU, Liên minh hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan), Hiệp định RCEP gồm các bước ASEAN + 6, Hàn Quốc, Khối Thương mại tự do châu Âu (Thụy Sĩ, Na Uy, Liechtenstein, Iceland) và Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do vậy, ngoài việc thực hiện các cam kết trong nội khối ASEAN, nước ta phải thực hiện nhiều các FTA do ASEAN ký với với các đối tác, cũng như do Việt Nam chủ động ký kết với các đối tác.

Mở ra nhiều cơ hội và thách thức

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, thời gian qua, cùng với việc gia nhập ASEAN và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nước ta đã hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới khi tham gia liên kết thương mại đối với nhiều quốc gia, khu vực. Qua đó, giúp mang lại nhiều cơ hội phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần giúp nước ta hoàn thiện thể chế pháp luật để đẩy mạnh thu hút đầu tư và liên kết hợp tác cùng phát triển với các nước. Tuy nhiên, khó khăn thách thức đặt ra là việc chủ động trong hội nhập của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước còn hạn chế do còn thiếu thông tin và sức cạnh tranh của nhiều loại hàng hóa trong nước chưa cao. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành cũng chưa thật tốt, do vậy tới đây cần quan tâm khắc phục các hạn chế, nhất là việc tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân trong hội nhập quốc tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian qua thị trường xuất khẩu hàng hóa của nước ta không ngừng được mở rộng và đa dạng hóa. Đây là một lợi ích dễ nhận thấy trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam thực hiện các cam kết về giảm thuế nhập khẩu hàng hóa theo các FTA cũng giúp cho hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào nước ta đa dạng hơn về chủng loại và giá cả, tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong điều kiện sức cạnh tranh của nhiều loại hàng hóa trong nước chưa cao thì nền sản xuất trong nước cũng hứng chịu nhiều tác động tiêu cực do một số loại hàng hóa sản xuất trong nước khó tiêu thụ so với hàng nhập khẩu.

Theo cam kết thuế của Việt Nam trong các FTA, sẽ có nhiều ngành hàng có thuế suất giảm sâu trong giai đoạn từ nay đến năm 2018. Trong đó, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến năm 2015 Việt Nam phải thực hiện giảm thuế nhập khẩu về mức 0% đối với 93% các dòng thuế đối với hàng hóa từ các nước ASEAN, còn lại 7% các dòng thuế được linh hoạt thực hiện đến 2018 mới cắt giảm hoàn toàn về mức 0%. Tương tự, thực hiện theo FTA giữa ASEAN- Trung Quốc(ACFTA), năm 2015 nước ta phải giảm thuế nhập khẩu về mức 0% đối với 85% các dòng thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc và thực hiện cắt giảm thuế đối với 90% các dòng thuế vào năm 2018. Theo FTA giữa ASEAN- Hàn Quốc, năm 2015 nước ta phải giảm thuế nhập khẩu về mức 0% đối với 90% các dòng thuế đối với hàng hóa của Hàn Quốc nằm trong danh mục hàng hóa thông thường, đến năm 2018 thực hiện cắt giảm thuế đối với 85% các dòng thuế đối với tất cả các loại hàng hóa theo cam kết. Ngoài ra, thực hiện theo các FTA khác mà Việt Nam tham gia, trong giai đoạn từ 2017-2030 nước ta cũng phải thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu về mức 0% đối với 41%- 92,01% các dòng thuế đối với các loại hàng hóa nhập khẩu từ các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Chi Lê, Úc, Niu Di-lân… Bà Trần Thị Thu Huyền, công tác tại Phòng hội nhập kinh tế quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, cho rằng: “Nền sản xuất trong nước sẽ chịu tác động khi nhiều loại hàng hóa nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu trong thời gian tới, do vậy các lĩnh vực sản xuất trong nước cũng cần có sự tính toán để chủ động thích ứng, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thuế giảm cũng giúp các doanh nghiệp trong nước thuận lợi hơn trong nhập khẩu hàng, doanh nghiệp cần theo dõi, so sánh lộ trình giảm thuế của các FTA nhằm lựa chọn đối tác nhập khẩu có lợi nhất cho mình”.

Hội nhập kinh tế trong khu vực và thế giới đang là một xu hướng tất yếu, cần cho sự phát triển của nước ta. Hơn bao giờ hết, các nhà quản lý và doanh nghiệp trong nước cần phải có các biện pháp chủ động trong hội nhập nhằm khai thác và tận dụng tốt các cơ hội, đồng thời hạn chế được các tác động tiêu cực.

Bài, ảnh: VĂN CỘNG

Chia sẻ bài viết