16/05/2020 - 08:26

Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác theo dõi thi hành pháp luật 

Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm xem xét, đánh giá thực trạng và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước. Trên địa bàn TP Cần Thơ, công tác này được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực.

Người dân phường Trung Nhứt (quận Thốt Nốt) tìm hiểu quy trình thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND phường.

Ngay từ đầu năm, Phòng Tư pháp quận Thốt Nốt đã tham mưu UBND quận ban hành Kế hoạch về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kế hoạch công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính... Năm 2019, quận đã tổ chức kiểm tra tất cả 9 phường trong lĩnh vực chứng thực và xử lý vi phạm hành chính các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UBND các phường trên địa bàn, kết quả thực hiện đúng các quy định pháp luật. Theo ông Nguyễn Trọng Trí, Phó Trưởng Phòng Tư pháp quận, công tác theo dõi thi hành pháp luật được sự quan tâm của các cấp, các ngành, bước đầu đạt được một số kết quả khả quan, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN quận Thốt Nốt và Phòng Tư pháp quận ký kế hoạch phối hợp số 35/KHPH-MTTQVN-PTP ngày 22-1-2019 về thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn quận Thốt Nốt giai đoạn 2018-2020.

Theo bà Võ Thị Ngọc Sương, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Thới Lai, Phòng Tư pháp huyện theo dõi việc thi hành pháp luật của Phòng trên tất cả các lĩnh vực. Riêng đối với các phòng, ban của huyện và UBND các xã, thị trấn, Phòng Tư pháp huyện chỉ theo dõi việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị và một số lĩnh vực trọng tâm, nhạy cảm khi được cấp trên giao quyền, như: việc bồi hoàn tái định cư, cưỡng chế thi hành án dân sự...

Năm 2019, Sở Tư pháp tham mưu UBND thành phố tổ chức Hội nghị tập huấn công tác theo dõi thi hành pháp luật, với 133 công chức, viên chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn tham dự. Sở phối hợp Ủy ban MTTQVN thành phố tổ chức Hội nghị triển khai, tập huấn cho gần 100 cán bộ, công chức thuộc MTTQ cấp xã và tư pháp các quận, huyện. Đồng thời, phối hợp các cơ quan có liên quan thẩm tra 105 hồ sơ xử lý vi phạm hành chính; trao đổi nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính 15 vụ việc...

Từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp thành phố tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND về theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục triển khai Quyết định số 242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018 - 2022 và Quyết định 1020/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018-2022”. Sở Tư pháp cũng đã tham mưu UBND thành phố báo cáo Bộ Tư pháp tình hình theo dõi thi hành pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Hiện tại, Sở Tư pháp thành phố có 4 biên chế thuộc Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật. Phòng Tư pháp các quận, huyện đều có phân công công chức thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật, chủ yếu là kiêm nhiệm. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố giao cho công chức pháp chế hoặc Phòng Pháp chế thực hiện công tác này.

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết