17/09/2009 - 06:44

Thực hiện cải cách hành chính ở Sở Tư pháp Cần Thơ:

Nhiều chuyển biến mới

Cán bộ ở bộ phận “một cửa” Sở Tư pháp Cần Thơ tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho công dân.

Để đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính (CCHC), thời gian qua, lãnh đạo Sở Tư pháp đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, như: tăng cường giáo dục, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm của cán bộ; sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp; nghiên cứu áp dụng hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 (gọi tắt là ISO) vào hoạt động... qua đó, đã tạo nhiều chuyển biến trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.

* Nỗ lực phục vụ nhân dân

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện CCHC thành phố, Sở Tư pháp là một trong những đơn vị điển hình trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính. Cụ thể, Sở thường xuyên biên soạn đưa lên cổng thông tin điện tử các thông tin, quy trình, thủ tục liên quan đến công tác CCHC của ngành, nhất là ở hai lĩnh vực công chứng và hộ tịch. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức Sở đều thành thục việc ứng dụng tin học để phục vụ cho công việc. Riêng hai Phòng Công chứng tiếp tục vận hành tốt phần mềm ứng dụng phù hợp với hoạt động chuyên môn, tiến tới mục tiêu tin học hóa công chứng. Lãnh đạo Sở còn quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ công chức. Trong 6 tháng đầu năm 2009, Sở đã cử có 6 cán bộ tham gia các khóa tập huấn về nghiệp vụ; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh những cán bộ, công chức tác phong chưa tốt khi tiếp xúc với nhân dân. Chị Nguyễn Huỳnh Anh Thư, chuyên viên của Sở Tư pháp, đang tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận “một cửa” Sở Tư pháp, cho biết: “Mỗi ngày, bộ phận “một cửa” tiếp nhận và trả kết quả rất nhiều hồ sơ, vì vậy, bên cạnh việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, chúng tôi còn học lẫn nhau để những khi cần thiết có thể hỗ trợ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không thất hẹn với người dân”.

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân đến liên hệ, giải quyết các thủ tục hành chính, lãnh đạo Sở Tư pháp đã bố trí, sắp xếp lại bộ phận “một cửa” ở vị trí thuận lợi, rộng rãi hơn. Tại bộ phận “một cửa” có bố trí chỗ ngồi, quạt, nước uống để phục vụ nhân dân trong khi chờ cán bộ giải quyết các hồ sơ hành chính. Bên cạnh việc niêm yết công khai các quy trình, thủ tục giấy tờ, biểu mẫu hồ sơ, lệ phí theo quy định để tổ chức, cá nhân biết và thực hiện, Sở còn lập đường dây nóng để giải đáp các nhu cầu của tổ chức và công dân qua điện thoại. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều bà con đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính đều tỏ ý hài lòng về tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ nơi đây. Bà Đỗ Thị Phỉ ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, đến trích lục giấy kết hôn cho con gái để chuẩn bị làm hồ sơ nhập quốc tịch Hàn Quốc, cho biết: “Những gì tôi không biết đều được cán bộ hướng dẫn tận tình nên khi điền vào các biểu mẫu không bị sai”. Chị Huỳnh Kim Loan ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, nói: “Tôi lấy chồng Đài Loan. Vừa qua, khi về nước chơi, tôi bị mất giấy kết hôn. Do tôi không nhớ chính xác ngày tháng cấp giấy nên việc trích lục gặp khó. Nhưng biết tôi ở xa, đi lại mất nhiều thời gian, các cán bộ ở đây đã cố gắng tìm và đưa kết quả trong ngày. Tôi rất hài lòng”.

Bên cạnh việc nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, Sở Tư pháp còn tăng cường rà soát các thủ tục hành chính, sửa chữa nhiều quy định không cần thiết. Điển hình như ở lĩnh vực công chứng, lãnh đạo Sở chỉ đạo tiếp tục tổ chức thực hiện công tác cải cách thể chế, quy trình tiếp nhận hồ sơ thuộc lĩnh vực này, từ đó góp phần tạo một diện mạo mới cho hoạt động công chứng, nhận được sự ủng hộ của tổ chức, công dân. Ông Nguyễn Thành Đông, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: “Qua rà soát, Sở đã loại bỏ một số biểu mẫu, giấy tờ trong thủ tục hồ sơ không còn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn thực hiện, như: thực hiện chuẩn hóa các loại mẫu công chứng (thừa kế); đối với hợp đồng mua bán nhà, việc xác minh tình trạng pháp luật của tài sản chỉ thực hiện khi tổ chức, công dân có yêu cầu”. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục tổ chức thực hiện tốt làm việc vào ngày thứ bảy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, công chứng. Nhờ thực hiện CCHC tốt mà trong 6 tháng đầu năm 2009, Sở đã giải quyết đúng hạn 99,86% hồ sơ trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp và 100% hồ sơ trong lĩnh vực công chứng.

* Nâng cao kỹ năng

Những ngày đầu tuần, người dân đến bộ phận “một cửa” của Sở Tư pháp nộp hồ sơ đông hơn hẳn. Tuy nhiên, khâu tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ của cán bộ Sở phục vụ tại bộ phận này luôn đảm bảo đúng quy trình; kết quả trả cho người dân đảm bảo đúng hẹn. Kết quả này là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức của Sở khi ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000.

Theo ông Nguyễn Thành Đông, Giám đốc Sở Tư pháp, mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí, đội ngũ... nhưng từ đầu tháng 6-2009, Sở đã triển khai thực hiện ứng dụng vận hành ISO vào hoạt động hành chính của đơn vị. Theo đó, Sở đã tiến hành rà soát, đưa vào danh mục 23 công việc áp dụng ISO, như đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, công nhận việc nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài; trích lục các chứng thư về hộ tịch trong nước và có yếu tố nước ngoài; đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân... Đối với các công việc thực hiện theo quy trình ISO, khi tiếp nhận mỗi hồ sơ đều có phiếu theo dõi kèm theo để kiểm tra quy trình thực hiện của các bộ phận liên quan. Trong phiếu ghi rõ thời gian thực hiện của từng bộ phận, ngày nhận, ngày giao phải được ký nhận rõ ràng; có diễn giải và cách xử lý những trường hợp phát sinh trong quy trình thực hiện như lỗi trễ hạn công đoạn, trễ hồ sơ, lỗi thất lạc, nội dung không đúng yêu cầu... Ông Nguyễn Thành Đông cho biết: “Bước đầu thực hiện ISO tại Sở đã tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ tại Sở, giải quyết hồ sơ nhanh hơn. Việc áp dụng ISO còn giúp đơn vị kiểm soát chặt chẽ hồ sơ đầu vào, đầu ra; giúp lãnh đạo Sở điều hành tác nghiệp đối với các bộ phận khoa học hơn và tăng cường kiểm soát công việc lẫn nhau giữa các bộ phận chuyên môn, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả”.

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện CCHC, theo Ban chỉ đạo CCHC thành phố, việc thực hiện CCHC ở Sở Tư pháp vẫn còn mặt hạn chế, như: Trong các lĩnh vực công tác của Sở liên quan đến nhiều ngành, nhưng công tác phối hợp giữa các ngành chức năng giải quyết các hồ sơ có liên quan đến yếu tố nước ngoài chưa kịp thời. Một số cán bộ Sở chưa nắm vững chuyên môn nên đôi lúc giải thích, hướng dẫn chưa đầy đủ dẫn đến một số trường hợp người dân chưa hài lòng. Để khắc phục những hạn chế này, ông Nguyễn Thành Đông, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Thời gian tới, lãnh đạo Sở tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng hiệu quả ISO vào hoạt động để được các cơ quan chức năng công nhận; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hành chính và tinh thần trách nhiệm cũng như thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ dân ngày càng tốt hơn.

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết