30/07/2010 - 21:28

Nhiệt tâm với việc làng, việc xóm

Ông Châu (bìa trái) cùng cán bộ trong ấp đến thăm hỏi chị Ngô Thị Mai Thu về việc làm ăn của
gia đình.

Bao khó khăn chồng chất: vợ bệnh, con gái cần tiền ăn học, công việc đòi hỏi nhiều thời gian kể cả thứ 7, chủ nhật… nhưng người trưởng ấp mà tôi gặp đã vượt qua tất cả để làm tốt công việc của một người “vác tù và hàng tổng” và chu tất việc gia đình. Có lẽ bản chất người lính cụ Hồ đã rèn luyện cho ông một ý chí kiên cường, biết vượt qua mọi gian khó để luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Đó là ông Đoàn Văn Châu, Trưởng ấp Thạnh Hưng, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê của huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, ông Châu có 4 anh chị em, nhà nghèo không ruộng đất, nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu nhờ vào sạp tạp hóa của mẹ, trong khi đó, cha bệnh liên miên, cuộc sống của gia đình ông càng trở nên cơ cực. Năm ông 13 tuổi cha mất, cả nhà nương tựa vào nhau để sống, 4 anh em ông đi làm thuê phụ giúp mẹ phần nào. Năm 1983, ông Châu xin nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Đằng đẵng 7 năm đi chiến đấu, ông được giữ cấp bậc trung úy và được về thăm nhà. Về đến nhà ông sững sờ khi thấy ảnh mẹ trên bàn thờ, nhà cửa quạnh hiu, em út không người chăm sóc. Thế là ông Châu đành từ giã cuộc đời binh nghiệp, xin xuất ngũ về quê lo việc gia đình.

Chân ướt chân ráo về quê hương, ruộng đất không có, ông xin vào làm việc tại lò đường gần nhà, thời gian rảnh ai mướn gì làm đó, cuộc sống gia đình dần ổn định. Lúc này, ông Châu bắt đầu nghĩ đến chuyện lập gia đình và chợt nhớ đến người con gái ông đã gặp tại chiến trường Campuchia, quê ở xã Thạnh Phú, huyện Thốt Nốt (nay thuộc huyện Cờ Đỏ). Ông sắp xếp việc nhà, tìm và cưới người con gái đó. Nhà vợ đơn chiếc, quê ông thì lại xa. Thấy các em ai cũng đã tự lập được, có việc làm nuôi sống bản thân. Thế là, ông quyết định giao lại việc thờ cúng cha mẹ cho đứa em út, về sống bên vợ. Hằng ngày ông phụ vợ mua bán nhỏ và đi làm thuê.

Việc nhà có nhiều thời gian rảnh, nên anh em trong ấp vận động ông tham gia công tác đoàn thể tại địa phương. Ông nhận lời và đảm nhận chức vụ Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh xã Thạnh Phú, huyện Thốt Nốt. Làm việc ở Hội cựu chiến binh hơn 10 năm, ông được điều động sang làm Công an ấp Thạnh Hưng, huyện Cờ Đỏ vào năm 2003. Đến năm 2006 ông được người dân ấp tín nhiệm bầu làm trưởng ấp Thạnh Hưng.

Ông Châu bộc bạch: “Tính người lính ăn sâu vào con người tôi, nên ở không là tôi chịu không nổi. Không có việc giải quyết tại nhà thông tin, tôi thường xuống ấp xem bà con làm ăn sinh sống thế nào, tìm cách ngăn chặn dịch bệnh trên ruộng lúa, hoa màu, phòng chống thiên tai...”. Là một trưởng ấp tận tụy với công việc, ông còn là một tổ trưởng tổ hòa giải được bà con tin tưởng quý mến.

Ở ấp Thạnh Hưng trước đây nạn số đề, cờ bạc, tranh chấp đất đai, bạo hành gia đình... xảy ra thường xuyên. Ông Châu tìm cách tiếp cận, khuyên nhủ những người mê trò đỏ đen từ bỏ cờ bạc, chí thú làm ăn. Có nhiều gia đình hay cự cãi, đánh nhau, qua lời khuyên nhủ của ông đã có cuộc sống hạnh phúc. Khi hỏi ông có bí quyết gì không, ông cười nói: “Tôi đọc hầu hết các văn bản do Sở Tư pháp gởi về, xem các chương trình pháp luật trên truyền hình, nhất là các tình huống giải đáp pháp luật. Thêm vào đó, tôi ráng tiết kiệm mỗi ngày mua một tờ báo Pháp luật bổ sung thêm thông tin. Hòa giải ngoài phân tích mặt tình nghĩa, phải đi kèm với pháp luật để bà con hiểu và đồng tình với cách giải quyết của mình”. Trong ấp, có anh Nguyễn Văn Thạnh là người thường xuyên nhậu và đánh vợ. Con của anh Thạnh bênh vực mẹ nên quay sang đánh cha. Việc cả nhà đánh nhau xảy ra như cơm bữa. Trước tình trạng đó, Tổ hòa giải cho mời riêng anh Thạnh, rồi đến vợ anh lên làm việc, giải thích cặn kẽ. Khi hai bên lắng dịu thì tổ hòa giải cho mời cả hai đến để phân tích, khuyên nhủ. Qua đợt hòa giải đó, 2 vợ chồng anh Thạnh sống êm ấm, không còn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Ông Châu cho biết đó là biện pháp ban đầu, còn đối với những gia đình có nạn bạo hành không khuyên giải được, thì Tổ hòa giải nhờ công an can thiệp, răn đe. Nhờ vậy đã giảm hẳn tình trạng này. Nếu như trước kia mỗi năm có từ 4 -5 vụ bạo hành thì giờ còn khoảng 1 vụ.

Nạn bạo hành gia đình được giải quyết, tình trạng cờ bạc, số đề ở ấp cũng được ông Châu dần tháo gỡ. Ông Châu nói: “Các trường hợp này mình khuyên giải bằng tình cảm là chủ yếu, mưa dầm thấm lâu”. Nhớ lại vụ việc của ông Nguyễn Văn Tư là người thường xuyên chơi đề. Ông Châu đến khuyên giải, ông Tư có lời lẽ và thái độ không tốt, nhưng ông không nản lòng, cứ có dịp là lại giải thích cho ông Tư hiểu: “Ông Tư đã lớn tuổi, có con cháu, đi làm thuê không bao nhiêu tiền, đánh đề nữa thì tiền đâu mà xài, còn nêu gương xấu cho con cháu”. Dần dần, ông Tư cũng thấu hiểu và từ bỏ số đề. Gặp chúng tôi, ông Tư giải thích: “Nhờ có chú Châu phân tích tác hại của số đề nên tôi quyết tâm không chơi nữa. Lúc trước, cũng vì ham vui, thấy người ta mua trúng, mình cũng mua cầu may”.

Gắn với công tác đoàn thể gần 20 năm, ông Châu chứng kiến bao chuyện vui buồn, từ chuyện hàng xóm đánh nhau, vợ chồng cãi vã, thanh niên tụ tập rượu chè... nhưng đều được ông Châu hòa giải, hàn gắn giải quyết êm thắm. Có gặp được những người từng được ông Châu giải quyết mâu thuẫn, mới thấy được tâm huyết ông dành cho công việc và những kết quả đó chính là động lực giúp ông ngày càng nỗ lực, gắn bó với công việc hơn nữa. Để trụ lại được với công việc, đồng thời phải đảm bảo cuộc sống gia đình, mỗi buổi trưa ông Châu phải tranh thủ thời gian đi lấy vé số từ đại lý lớn về bỏ lại cho đại lý nhỏ để kiếm thêm vài trăm ngàn mỗi tháng. Ông Châu tâm sự: “Công tác càng nhiều năm, tôi càng cảm thấy yêu thích công việc này. Giờ kinh tế gia đình tương đối mới ổn định, chứ lúc trước gia đình tôi cũng là hộ nghèo. Cứ mỗi khi mưa tới, nhà không có chỗ khô, mùa nước lên thì nền nhà ngập lênh láng, khổ hết chỗ nói. Những lúc như thế, tôi cũng muốn bỏ việc mà về lo cho gia đình, nhưng bà con và anh em động viên nên tôi cố gắng sắp xếp để làm tốt nhiệm vụ, không phụ lòng mong mỏi, quý mến của mọi người”.

Bước vào căn nhà nhỏ của ông Châu, chúng tôi thấy được sự cố gắng nhiều năm qua của ông, đó là những tấm giấy khen của UBND huyện Cờ Đỏ về công tác hòa giải, về phong trào văn – thể,... Năm 2009, ông Châu được chọn đi báo cáo điển hình về công tác hòa giải tại Sở Tư pháp TP Cần Thơ. Hôm gặp tôi, ông Châu còn vui mừng, khoe: “Sau bao nhiêu năm phấn đấu, hiện nay ấp Thạnh Hưng đã đủ tiêu chuẩn đạt Ấp Văn hóa, đó là niềm mong ước và vui mừng lớn lao của tôi và bà con nơi đây”. Ông Trần Tấn Lợi, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cờ Đỏ, nói: “Ông Châu rất tận tâm với công việc, lại chịu khó học hỏi. Các phong trào của huyện phát động, từ tuyên truyền pháp luật đến phong trào văn – thể, ấp của ông Châu luôn đạt thành tích tốt và dẫn đầu”.

Ra về, tôi nhớ mãi câu nói của ông Châu: “Ngày nào bà con còn tín nhiệm thì mình phải cố gắng làm việc thật tốt để chung tay với bà con xây dựng quê mình phát triển”. Hy vọng những mong muốn của ông Châu cùng bà con ấp Thạnh Hưng sớm thành hiện thực, vì nơi đây có một trưởng ấp năng nổ, đầy tâm huyết, tận tụy với công việc và hết lòng quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, vận động mọi người góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

NGỌC MINH

Chia sẻ bài viết