08/02/2019 - 10:01

Nhất nghệ tinh
Trường nghề hội nhập 

“Các trường nghề hướng đến mục tiêu trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng và sự tự tin cạnh tranh trên thị trường lao động, vốn đã rộng cửa đón các làn sóng quốc tế, nhất là trong khu vực ASEAN”- thạc sĩ Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ mở đầu câu chuyện...

“Sinh viên trường nghề ngày nay có tâm thế sẽ thành công bằng con đường “nhất nghệ tinh”; hoặc xuất khẩu lao động, hay xuất ngoại du học cao hơn. Đó là điều làm chúng tôi hạnh phúc nhất”- ông Sơn chia sẻ. Chúng tôi hiểu niềm vui đó, khi trong những ngày cuối năm se lạnh và các học phần đã kết thúc, vẫn thấy những sinh viên ngành Ứng dụng phần mềm- chương trình liên kết giữa Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ với Học viện Chisholm, Úc- miệt mài trong phòng máy. Sinh viên Nguyễn Thị Bảo Yến chia sẻ: “Giáo trình hoàn toàn bằng tiếng Anh, bài tập nhiều hơn, đòi hỏi sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu; nhưng cũng phải biết cách làm việc nhóm. Mỗi môn học kết thúc, sinh viên phải nỗ lực gấp bội trong kỳ thi, bởi nếu trượt thì chỉ có thể thi lại một lần duy nhất, nhưng độ khó sẽ tăng gấp đôi. Khó nhưng càng học, em càng cảm thấy quyết định từ bỏ công việc trước đó để dự tuyển khóa học này là chính xác”. 

Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ ngày càng chủ động tham gia tìm hiểu 
thông tin tuyển dụng. Trong ảnh: Ngày hội việc làm học sinh sinh viên của trường năm 2018.

Năm 2017 Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ đào tạo thí điểm 2 nghề: Quản trị mạng, Công nghệ thông tin (Ứng dụng phần mềm) cấp độ quốc tế, liên kết với Học viện Chisholm, Úc. Theo ông Nguyễn Trọng Sơn, khóa học được khởi động trong nỗ lực rất lớn của tập thể nhà trường, bởi đối tác đòi hỏi cao về chất lượng đầu vào, cơ sở vật chất, trình độ, kỹ năng của giảng viên và kiểm soát nghiêm chất lượng dạy - học... Từ kinh nghiệm này, mùa xuân 2019, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ tiếp tục thí điểm triển khai thêm các ngành nghề theo tiêu chuẩn quốc tế: Công nghệ ô tô (liên kết Cộng hòa Liên bang Đức); phối hợp với Trường KunChang, Hàn Quốc đào tạo bằng kép một số ngành nghề. “Nhờ liên kết, các trường học được cách quản trị năng động, vượt qua tư duy lối mòn để đào tạo những gì xã hội cần, chứ không phải những gì chúng tôi có”- ông Sơn đúc kết. 

***

TP Cần Thơ hiện có 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 7 trường cao đẳng, 3 phân hiệu trường cao đẳng). Để đảm bảo hoạt động cho các đơn vị, từ nhiều nguồn, thành phố đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị thực hành thực tập theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, thành phố chỉ đạo và đồng hành cùng 8 trường tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư 34 nghề trọng điểm các cấp (10 nghề cấp quốc tế, 7 nghề cấp khu vực ASEAN, 17 nghề quốc gia) theo lựa chọn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thực hiện Chiến lược Phát triển Dạy nghề giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Cần Thơ hiện có 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ đào tạo các ngành, nghề trọng điểm các cấp. Cụ thể, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ có 5 nghề trọng điểm cấp quốc tế, 3 nghề cấp khu vực ASEAN; Trường Trung cấp Nghề Thới Lai có 3 nghề cấp quốc gia; Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn Cần Thơ có 1 nghề cấp quốc gia; Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ có 5 nghề cấp quốc tế, 2 nghề cấp khu vực ASEAN; Trường Trung cấp Giao thông vận tải miền Nam có 1 nghề cấp quốc gia; Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ có 5 nghề cấp quốc gia; Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ có 1 nghề cấp khu vực ASEAN và 4 nghề cấp quốc gia; Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ có 1 nghề cấp khu vực ASEAN và 3 nghề cấp quốc gia. 

Tiến sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, chia sẻ: “Toàn đơn vị đã chuẩn bị mọi điều kiện, nguồn lực để triển khai giảng dạy 5 nghề cấp quốc gia”. Còn thạc sĩ Phạm Việt Ngoan, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, kỳ vọng: “Sinh viên tốt nghiệp những ngành trọng điểm sẽ có năng lực tay nghề, trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn ASEAN và quốc tế, có thể cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế”.

Tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Cần Thơ đều điều chỉnh chương trình, cơ cấu thời lượng giữa lý thuyết và thực hành theo hướng tăng dần tỷ trọng thực hành lên 50%, thậm chí 70%. Các trường chủ động tăng cường gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo và thực hành. Đây cũng được xem là mũi đột phá để các trường gửi giảng viên đến doanh nghiệp tiếp cận thực tế sản xuất, đưa sinh viên đến thực tập và nhận phản hồi về chương trình đào tạo để điều chỉnh phù hợp đời sống. 

Bài, ảnh: BÍCH NGỌC

Chia sẻ bài viết