07/02/2019 - 09:47

Nhất nghệ tinh
Người mở cửa tri thức 

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư sẽ thay đổi thị trường lao động và điều đó khiến những người làm công tác giảng dạy ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không còn đơn thuần làm nhiệm vụ truyền nghề. Giảng viên trường nghề ngày nay vừa trao truyền kiến thức, vừa trang bị cho người học kỹ năng tự mở từng cánh cửa tri thức khi lập nghiệp, cũng như tinh thần tự học suốt đời...

Tiết trời se lạnh cuối năm không làm giảm “độ nóng” của buổi thảo luận bài động cơ phun xăng, do kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên - Phó khoa Động lực, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ đứng lớp. Thầy Tuấn khéo léo lồng ghép thực tiễn vào bài, hướng dẫn thao tác cặn kẽ và gợi mở cho sinh viên nhiều hướng nghiên cứu.

Giờ học của sinh viên do thầy Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ phụ trách.

Tiết học làm tôi nhớ 6 năm trước đây, cũng từng dự một giờ dạy của thầy Tuấn. Đó là khi Tổng cục Dạy nghề cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ giao Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ tuyển chọn giáo viên các nghề trọng điểm tham gia khóa bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn ASEAN. Thầy Tuấn là một trong 15 giáo viên được chọn sang Malaysia dự khóa học để đạt trình độ kỹ năng nghề bậc 3/5. “Đi xa mới thấy điểm thiếu và yếu của mình. Từ đó ngoài trau dồi chuyên môn, tôi thu xếp học thêm tiếng Anh, để chủ động tiếp cận những tài liệu kỹ thuật mới nhất và cập nhật bài giảng”, thầy Tuấn bộc bạch.

Hơn 15 năm trước, chàng thanh niên Nguyễn Anh Tuấn, quê huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, với tấm bằng Kỹ sư cao đẳng ngành Cơ khí động lực (Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long) “đầu quân” về Trường Công nhân Kỹ thuật Cần Thơ (nay là Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ). Thầy Tuấn đã bắt nhịp công tác khá nhanh nhờ thực sự yêu thích cơ khí và nghề sư phạm. Sau đó thầy theo học tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. “Tôi vừa dạy vừa làm thêm ở xưởng ô tô và lại tìm thấy niềm vui khi có thêm kiến thức thực tế đưa vào giảng dạy”- thầy Tuấn nhớ lại.

Thầy Tuấn luôn động viên, tạo điều kiện để đồng nghiệp cùng khoa học tập nâng chuẩn kiến thức, kỹ năng nghề. Nay, 100% thầy cô ở khoa đạt chuẩn kỹ năng nghề, 3 thầy cô đạt trình độ trên chuẩn. Khoa hiện đào tạo ngành Công nghệ ô tô trọng điểm quốc gia, quốc tế. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, nhận định: “Khi thực hiện các chương trình đào tạo nghề chất lượng cao, cần có đội ngũ nhà giáo mạnh. Thầy Tuấn là một trong những hạt nhân, góp phần xây nền móng vững chắc để trường phát triển”.

Với 15 tuổi nghề, từng đạt giải giáo viên dạy giỏi nghề toàn quốc, thầy Tuấn đang ôn luyện dự tuyển sau đại học. Sau Tết Nguyên đán 2019, thầy còn cùng 5 đồng nghiệp học ngoại ngữ nâng cao để chuẩn bị dạy chương trình liên kết với Cộng hòa Liên bang Đức. Thầy Tuấn kỳ vọng: “Sinh viên thụ hưởng chương trình này có thể vươn xa trên thị trường lao động quốc tế”.

***

Cũng như thầy Tuấn, rất nhiều thầy cô ở các cơ sở giáo dục nghề nghề nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đang lao động và sáng tạo để làm tốt nhất việc trao truyền những kiến thức, kỹ năng giúp người học tự tin vào đời. Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng, giảng viên Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, là một câu chuyện khác.

Nhiều tháng nay thầy Tùng miệt mài làm “Thiết bị chưng cất nước mặn thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời” để sử dụng cho bài giảng môn Năng lượng mặt trời. Thiết bị này cũng vừa đạt giải Nhất tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm TP Cần Thơ năm 2018. “Tôi có thể chứng minh cho sinh viên thấy rõ quá trình bốc hơi nước, ngưng tụ; rồi liên hệ cụ thể đến bài học môn Năng lượng mặt trời, để các em có trải nghiệm trực quan. Đây còn là cơ sở để các sinh viên nghiên cứu, sáng tạo trong thực hiện đề tài khoa học, luận văn…”- thầy Tùng bày tỏ.

Tấm lòng luôn nghĩ cho học viên của thầy Tùng khiến tôi nhớ đến hình ảnh cô Đinh Thị Đào, giảng viên Khoa Nông nghiệp, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, cùng học trò dọn cỏ, trồng rau, làm nông nghiệp thông minh tại nhà lưới. Những giọt mồ hôi lăn dài theo từng chỉ dẫn tỉ mỉ về lý thuyết lẫn thực hành của cô. Cậu học trò và nay đã là đồng nghiệp cùng khoa của cô - Trần Chí Tiền nói: “Nhờ học luôn đi đôi với hành, lại thêm cô Đào luôn khuyến khích chúng tôi nghiên cứu nâng cao, mà chúng tôi được trang bị kiến thức vững vàng”. Tiền là cựu sinh viên của trường, từng đạt giải Nhất tại Hội thi tay nghề do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức năm 2018.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của toàn thành phố hiện có hơn 2.000 cán bộ, viên chức. Trong đó có khối cao đẳng với hơn 930 cán bộ, giảng viên; 100% giảng viên đạt chuẩn và từ 40% trên chuẩn (tùy trường). Nhiều thầy, cô đạt giải thưởng cao ở hội thi các cấp: Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm TP Cần Thơ, cấp toàn quốc; Hội giảng Giáo viên dạy giỏi khối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp thành phố, toàn quốc… 

Bài, ảnh: BÍCH NGỌC

Chia sẻ bài viết