10/01/2023 - 08:36

Nhật Bản tìm kiếm vai trò an ninh lớn hơn 

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, AP)

Mỹ đã sẵn sàng mở rộng “chiếc ô an ninh” cho Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng răn đe trước Nga và Trung Quốc, tờ Nikkei đưa tin.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida. Ảnh: AP

Theo kế hoạch được hé lộ, Mỹ đang hoàn thiện các bước để mở rộng phạm vi phòng thủ của Nhật Bản trong lĩnh vực không gian, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ hệ thống vệ tinh quan trọng đối với năng lực chiến đấu và giám sát quân sự. Hoạt động này sẽ được quy định dựa trên Ðiều 5 của Hiệp ước an ninh ký kết giữa hai nước vào năm 1960, trong đó Washington cam kết hành động chống lại bất cứ bên nào nếu lãnh thổ thuộc quyền quản lý của đồng minh bị tấn công. Hiện cả Mỹ - Nhật đều muốn đưa điều khoản mới vào tuyên bố chung của cuộc đối thoại chiến lược ngoại giao - quốc phòng “2+2” ​​diễn ra ngày 11-1 tại Washington. Thỏa thuận cũng sẽ được thảo luận trong cuộc hội đàm hai ngày sau đó giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Nhà Trắng.

Ðược biết, từ ngày 9-11, Thủ tướng Kishida khởi động chuyến công du kéo dài một tuần tập trung vào liên minh Mỹ - Nhật cũng như tìm cách thắt chặt hơn nữa quan hệ quân sự song phương với 4 đồng minh châu Âu thuộc Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7). Từ cuối năm ngoái, Tokyo đã thông qua các cải cách quan trọng về an ninh và quốc phòng, bao gồm định vị Trung Quốc như “thách thức chiến lược” lớn nhất từ trước đến nay, dẫn tới việc Nhật Bản tăng cường “khả năng phản công” thay vì chỉ phòng vệ. Chiến lược mới của Nhật Bản được Nhà Trắng. Trước đó, vào tháng 10-2022, Washington vốn đã thông qua chiến lược an ninh, hoan nghênh Nhật Bản hỗ trợ cung cấp và lưu trữ nhiên liệu, đạn dược trong tình huống bất ngờ ở Ðài Loan. Hai bên cũng được cho đang xem xét thành lập một bộ chỉ huy chung.

Và trong cuộc hội đàm sắp tới ở Nhà Trắng, Thủ tướng Kishida cho biết ông sẽ trao đổi thêm với lãnh đạo Mỹ về chiến lược mới trong bối cảnh hệ thống phòng thủ trong nước không đủ bảo vệ Tokyo trước đà mở rộng quân sự của Trung Quốc, mối đe dọa từ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cũng như tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine. Hai nhà lãnh đạo cũng dự kiến thảo luận giải pháp cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn, thích nghi các chiến lược an ninh và quốc phòng mới. Hiện tại, Nhật Bản đang củng cố hệ thống phòng thủ trên các đảo phía Tây Nam gần Ðài Loan. Tokyo cũng lên kế hoạch đến năm 2026 triển khai tên lửa hành trình tầm xa có thể đưa các mục tiêu tiềm năng ở Trung Quốc vào tầm ngắm. Ðể nâng cao năng lực không gian mạng và tình báo, chính quyền Thủ tướng Kishida còn cam kết tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng trong vòng 5 năm, từ mức 1% GDP hiện tại lên khoảng 2% GDP theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO).

Song song nhiệm vụ củng cố liên minh Mỹ - Nhật, các quan chức cho biết Thủ tướng Kishida trong chuyến đi lần này sẽ tìm cách tăng cường hơn nữa quan hệ quân sự với Pháp, Ý, Anh và Canada. Cụ thể, ở trạm dừng chân đầu tiên tại thủ đô Paris, lãnh đạo Nhật trong cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến chia sẻ mối quan ngại về hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương và thúc đẩy hình thức tập trận quân sự chung giữa hai bên. Trong chuyến thăm Ý và Anh vào các ngày tiếp theo, lãnh đạo 3 nước dự kiến tập trung vào thương vụ cùng phát triển một loại máy bay chiến đấu phản lực mới tiên tiến để triển khai vào năm 2035. Ngoài ra, Nhật Bản và Anh cũng đang hợp tác về Thỏa thuận tiếp cận đối ứng nhằm loại bỏ trở ngại đối với việc tổ chức tập trận quân sự chung.

Theo giới quan sát, chương trình nghị sự dày đặc của Thủ tướng Kishida trong thời gian ngắn phản ánh quan ngại gia tăng về rủi ro ngày càng leo thang trước khả năng Trung Quốc có thể hành động chống Ðài Loan.l

Chia sẻ bài viết