01/08/2018 - 16:03

Nhật Bản thử nghiệm tế bào gốc chữa bệnh Parkinson ở người 

Các nhà khoa học Nhật Bản thông báo cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên thế giới dùng tế bào gốc chữa hội chứng liệt rung (bệnh Parkinson) ở người sẽ bắt đầu từ hôm nay, ngày 1-8.

Giáo sư Jun Takahashi thông báo về cuộc thử nghiệm lâm sàng sắp tới trong cuộc họp báo ngày 30-7. Ảnh: Japan Times

Bệnh Parkinson là tình trạng thoái hóa thần kinh, khiến các tế bào thần kinh sản xuất dopamine trong não chết dần đi và ảnh hưởng đến hệ thống cử động của cơ thể, điển hình là gây rung lắc ở tay và chân, thân thể cứng đờ và di chuyển khó khăn. Các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu làm giảm các triệu chứng, chứ không thể chữa khỏi bệnh.

Trong một nghiên cứu tiền lâm sàng trên khỉ kết thúc hồi năm ngoái, các nhà khoa học tại Đại học Kyoto thông báo những con khỉ mắc các triệu chứng Parkinson đã phục hồi đáng kể khả năng cử động sau khi được cấy vào não tế bào Pluripotent Stem (iPS). Họ cũng khẳng định các tế bào iPS không biến đổi thành khối u trong 2 năm sau khi cấy ghép.

Trong một thông cáo báo chí ngày 30-7, nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào iPS tại Đại học Kyoto cho biết sẽ tiến hành tiêm 5 triệu tế bào iPS vào não của một nhóm bệnh nhân Parkinson tuổi từ 50 đến 69. Những người này sẽ được theo dõi tình trạng bệnh trong 2 năm sau khi cấy ghép.

Về cơ bản, tế bào iPS được tạo ra bằng cách kích thích các tế bào trưởng thành, đã chuyên biệt hóa, trở lại trạng thái chưa trưởng thành – nói cách khác là nhân bản mà không cần đến phôi thai. Những tế bào “trẻ hóa” này có khả năng phát triển thành bất kỳ tế bào nào trong cơ thể và đã được sử dụng nhiều trong lĩnh vực nghiên cứu y học. Ngoài ra, các tế bào iPS có thể được trích xuất từ bệnh nhân nên ít có nguy cơ bị đào thải, đồng thời cũng tránh được lo ngại về mặt đạo đức so với việc lấy tế bào từ phôi thai.

Trong thử nghiệm mới, các tế bào thần kinh lấy từ não của những người khỏe mạnh sẽ được biến đổi và cấy vào não của bệnh nhân để phục hồi các tế bào thần kinh bị hư hỏng. Do được tạo ra từ tế bào của những người có cùng khả năng miễn dịch nên các tế bào mới ít có nguy cơ bị từ đào thải sau cấy ghép.

Giáo sư Jun Takahashi, trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định cuộc thử nghiệm lâm sàng này có thể mở ra một “lựa chọn điều trị đầy hứa hẹn” cho các bệnh nhân. Kosei Hasegawa, Chủ tịch Hiệp hội bệnh Parkinson Nhật Bản, cho biết các bệnh nhân hiện đặt kỳ vọng rất lớn vào liệu pháp iPS, nhiều người muốn tham gia vào nghiên cứu lâm sàng và mong nó “được xác định là một phương pháp điều trị sẵn có càng sớm càng tốt”.

Được biết, một trong các liệu pháp được ứng dụng chữa Parkinson hiện nay là cấy các điện cực vào não để truyền tín hiệu điện và làm giảm triệu chứng bệnh, nhưng cách này không hữu dụng với tất cả các bệnh nhân. “Nếu phương pháp điều trị bằng iPS được thành lập, nó sẽ cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho những bệnh nhân có triệu chứng tiến triển” - một phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson hơn 10 năm bày tỏ.

THANH TRÚC (Theo Japan Times, AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết