26/12/2020 - 10:01

Nhật Bản - đối tác hợp tác đầu tư chiến lược của TP Cần Thơ 

Lũy kế đến tháng 12-2020, TP Cần Thơ có 7 dự án đầu tư trực tiếp của Nhật Bản với vốn đăng ký 31,78 triệu USD. Trong hoạt động kêu gọi đầu tư vào TP Cần Thơ thì Nhật Bản được xem là đối tác chiến lược của thành phố. Nhiều năm qua, TP Cần Thơ đã phối hợp với các đối tác Nhật Bản tổ chức nhiều chương trình lớn, thu hút sự quan tâm và được đánh giá cao của các đối tác Nhật Bản.

Lãnh đạo TP Cần Thơ chụp hình lưu niệm với đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Takesho Việt Nam tại buổi lễ khởi công Nhà máy chế biến thực phẩm Takesho tại TP Cần Thơ.

Thúc đẩy kết nối

Các chương trình xúc tiến đầu tư trong những năm gần đây, Việt Nam nói chung, TP Cần Thơ nói riêng xác định Nhật Bản là đối tác hợp tác đầu tư chiến lược. Trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030, TP Cần Thơ đã xác định ưu tiên phát triển các ngành gồm: điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, đóng tàu, môi trường, tiết kiệm năng lượng… Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết, thời gian qua, chính quyền TP Cần Thơ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để kết nối thông tin với các đối tác Nhật Bản. Bên cạnh ký kết hợp tác với tỉnh Hyogo, Okayama, thành phố đã phối hợp với các đối tác Nhật Bản tổ chức nhiều chương trình lớn, qua đó thu hút sự quan tâm và được các đối tác Nhật Bản đánh giá cao. TP Cần Thơ luôn đánh giá cao sự hợp tác và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tác, đặc biệt là đối tác Nhật Bản.

TP Cần Thơ với vị trí trung tâm của vùng ÐBSCL, nơi tập trung các đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không nối TP Cần Thơ với các địa phương trong vùng và các thành phố lớn trên cả nước tạo điều kiện để giao lưu kinh tế văn hóa thuận lợi. Hạ tầng cơ sở phát triển với sân bay quốc tế phục vụ 5 triệu lượt khách mỗi năm, có 3 cảng biển lớn giữ vai trò đầu mối trong việc tiếp nhận hàng hóa của toàn vùng, có thể tiếp nhận tàu hàng 5.000-20.000 tấn bằng các thiết bị hiện đại. Với hệ thống các trường đại học cấp quốc gia, hệ thống các trường cao đẳng, cơ sở đào tạo ngành đa lĩnh vực, TP Cần Thơ là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho toàn vùng.

Quan hệ hợp tác giữa TP Cần Thơ - Nhật Bản còn thể hiện qua các công trình giao thông trọng điểm quốc gia do Nhật Bản tài trợ, điển hình với công trình Cầu Cần Thơ, đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho TP Cần Thơ mà còn của cả vùng ÐBSCL. Cùng đó, các dự án viện trợ phi chính phủ Nhật Bản xây dựng các cầu nông thôn tại các huyện vùng sâu, vùng xa; các chương trình giáo dục, tài trợ trang thiết bị y tế, hỗ trợ tình nguyện viên trong một số lĩnh vực… Ðặc biệt, chính quyền TP Cần Thơ đã ký kết hợp tác với tỉnh Hyogo, thành phố Okayama. Về ngoại giao nhân dân, Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản TP Cần Thơ đã ký kết hợp tác với 6 Chi hội hữu nghị Nhật - Việt của Nhật Bản và thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn thông qua các sự kiện lớn của địa phương.

Nhiều năm qua, TP Cần Thơ đã phối hợp với các đối tác Nhật Bản tổ chức nhiều chương trình lớn, thu hút nhiều sự quan tâm và được đánh giá cao của các đối tác Nhật Bản. Ðiển hình là 5 lần tổ chức Chương trình Giao lưu Văn hóa Thương mại Việt Nam - Nhật Bản do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt nam, Chi nhánh Cần Thơ phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức. Ðặc biệt, đã tổ chức thành công 2 chuyến bay trực tiếp tại sân bay quốc tế Cần Thơ kết nối đưa, đón khoảng 250 doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại ÐBSCL. Bộ Ngoại giao phối hợp TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực ÐBSCL năm 2018; Hội thảo Xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ dành cho doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh năm 2019.

Hiện thực hóa hợp tác

Trong những năm gần đây, TP Cần Thơ luôn là một trong những địa phương nằm trong tốp đứng đầu của cả nước về chỉ số PCI. Ðặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, công khai minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Chính quyền thành phố nỗ lực tạo những điều kiện thuận lợi nhất để kết nối thông tin với các đối tác Nhật Bản như thành lập Văn phòng Japan Desk tại Cần Thơ; 2 Văn phòng liên lạc tại Osaka và Tokyo; xây dựng trang web tiếng Nhật giới thiệu về TP Cần Thơ; mở lớp cho cán bộ viên chức tham gia các khóa học tiếng Nhật. Ngoài ra, TP Cần Thơ đã dành 30ha đất xây dựng Khu công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật Bản với quy mô diện tích giai đoạn 1 là 30ha. Ðồng thời, thành phố ban hành 10 cam kết gửi cho các doanh nghiệp Nhật Bản khi đến đầu tư tại đây. Song song với nỗ lực đó, chính quyền TP Cần Thơ đã có kế hoạch thiết thực nhằm nâng chất hệ thống y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đạt chất lượng cao sẽ đáp ứng được nhu cầu cho nhà đầu tư.

Ngày 19-10-2020, trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, UBND TP Cần Thơ và Tập đoàn Marubeni đã tiến hành ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II, sự kiện được cho là sẽ góp phần lớn thúc đẩy kinh tế TP Cần Thơ nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung. Mới đây, ngày 17-12, tại Khu Công nghiệp Trà Nóc 2, quận Ô Môn, Công ty TNHH Thực phẩm Takesho Việt Nam (vốn 100% Nhật Bản) đã làm lễ khởi công xây dựng Nhà máy chế biến thực phẩm Takesho Food. Nhà máy hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gia vị từ phế phẩm trong sản xuất tôm (đầu tôm, vỏ tôm) và cá tra với tổng vốn đầu tư 8 triệu USD. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động tháng 10-2021.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố và đại diện doanh nghiệp TP Cần Thơ tại buổi kết nối trực tuyến với doanh nghiệp tỉnh Hyogo, Nhật Bản tổ chức tháng 12-2020.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố và đại diện doanh nghiệp TP Cần Thơ tại buổi kết nối trực tuyến với doanh nghiệp tỉnh Hyogo, Nhật Bản tổ chức tháng 12-2020.

Tại lễ khởi công xây dựng Nhà máy chế biến thực phẩm Takesho Food, ông Hiroki Fujikawa, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Takesho Việt Nam, cho biết, đây là dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên của công ty và chúng tôi lựa chọn TP Cần Thơ là điểm đến đầu tư dự án vì nhận thấy những tiềm năng, vai trò của TP Cần Thơ trong sự phát triển của khu vực ÐBSCL và cả nước. Hy vọng, nhà máy sau khi đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy các dự án đầu tư từ Nhật Bản, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, xuất khẩu, và hỗ trợ ngành công nghệ chế biến thực phẩm, đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

Ðược xem là "bà mối" cho Công ty Takesho Nhật Bản với TP Cần Thơ trong việc triển khai xây dựng dự án, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Ðại học Cần Thơ, cho biết, thông qua chương trình hợp tác toàn diện giữa Ðại học Cần Thơ và Công ty Takesho Nhật Bản tôi tin rằng, đây là bước đầu cho sự nối kết giữa ÐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng với các đối tác Nhật Bản. Trường Ðại học Cần Thơ với tư cách là cầu nối về mặt khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với các đối tác Nhật Bản sẽ nỗ lực để ngày càng thu hút nhiều hơn các đối tác, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào ÐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng để khai thác tài nguyên của vùng, xuất khẩu ra thị trường Nhật Bản và thế giới.

Theo kế hoạch xây dựng các hạng mục mời gọi hợp tác từ nhà đầu tư Nhật Bản, TP Cần Thơ có nhu cầu về tìm kiếm nhà đầu tư mở rộng sản xuất trong lĩnh vực: chế biến nông sản, hợp tác đầu tư công nghệ chế biến thủy sản và xuất khẩu sản phẩm (trái cây, nông sản, thực phẩm chế biến…). Ðặc biệt, quan tâm nghiên cứu đầu tư các dự án như: Khai thác Khu công nghệ thông tin tập trung TP Cần Thơ, Trung tâm logistics hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế ÐBSCL tại TP Cần Thơ… Ðồng thời, đề xuất Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ cho TP Cần Thơ tình nguyện viên trong lĩnh vực thể thao (huấn luyện viên môn Karate), du lịch nhằm quảng bá hình ảnh du lịch TP Cần Thơ đến Nhật Bản; các chương trình giao lưu trao đổi tại Nhật Bản dành cho giảng viên và sinh viên của TP Cần Thơ…

Ông Vũ Tuấn Hải, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka cho rằng, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam với nguồn vốn đầu tư lớn nhất. 11 tháng năm 2020 đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam có 889 dự án trong đó 251 dự án cấp mới, 139 dự án mở rộng và 499 dự án góp vốn mua cổ phần. Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản là thành viên của 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương gồm: Hiệp định đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEF). Đây là các FTA lớn nhất với thị trường 2,2 tỉ dân, đang mở ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi phát triển đối với hoạt động giao thương liên khu vực nói chung và 2 nước nói riêng.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết