06/04/2011 - 21:24

Nhật Bản chặn được nguồn rò rỉ nước nhiễm xạ ra biển

Công nhân TEPCO nỗ lực ngăn rò rỉ phóng xạ từ nhà máy Fukushima. Ảnh: Reuters

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 tại Nhật Bản - cho biết sáng hôm qua 6-4, công ty này đã chặn được dòng nước chứa hàm lượng phóng xạ cao rò rỉ từ nhà máy trên ra Thái Bình Dương.

TEPCO đã bơm khoảng 6.000 lít sodium silicate và một chất hóa học khác xung quanh điểm rò rỉ ở bờ biển gần đường hầm thoát nước thải của lò phản ứng số 2 thuộc nhà máy trên.

Ngày 5-4, TEPCO tuyên bố cuối tháng này sẽ bắt đầu chi trả tiền bồi thường cho những người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố tại nhà máy Fukushima số 1. Các quan chức của công ty cũng cho biết công ty sẽ hỗ trợ 180 triệu yen (tương đương 21 triệu USD), chia đều cho 9 tỉnh thành đã phải tổ chức cho người dân đi sơ tán để tránh phơi nhiễm phóng xạ. Khoảng 80.000 cư dân sinh sống gần nhà máy Fukushima số 1 đã được lệnh sơ tán kể từ khi nhà máy trên xảy ra sự cố, trong khi nhiều nông dân ở tỉnh Fukushima và các khu vực lân cận đang phải đối mặt với lệnh cấm vận chuyển thực phẩm ra khỏi địa phương do lo ngại các sản phẩm này có thể nhiễm phóng xạ.

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản hôm qua công bố số người thiệt mạng trong thảm họa động đất ngày 11-3 đã lên tới 12.468 người và 15.091 người vẫn mất tích.

Trong khi đó, một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết có thể sớm nhất là vào tháng 9 tới mới có thể thực hiện kế hoạch phủ tấm chắn làm bằng chất liệu đặc biệt lên các tòa nhà có lò phản ứng tại nhà máy Fukushima số 1 để ngăn không cho chất phóng xạ phát tán rộng. Dự kiến, chi phí cho việc phủ các tấm chắn phóng xạ tại khu vực các lò phản ứng số 1, 2, 3 và 4 của nhà máy có thể lên tới 80 tỉ yen (tương đương 930 triệu USD).

Lo ngại thực phẩm nhiễm phóng xạ, Chính phủ Ấn Độ ngày 5-4 thông báo cấm nhập khẩu một số mặt hàng lương thực, thực phẩm từ Nhật Bản trong ba tháng, có thể gia hạn cho đến khi có các số liệu đáng tin cậy chứng minh độ an toàn phóng xạ. Các mặt hàng bị cấm chưa được công bố cụ thể, song dự kiến trong danh sách này có thể có hải sản và trái cây tươi.

PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết