31/07/2016 - 15:45

Nhận diện thách thức, chủ động hội nhập

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhất thể hóa kinh tế khu vực sẽ làm gia tăng sự liên kết trực tiếp giữa các doanh nghiệp (DN) của các nước. Quá trình cạnh tranh sản phẩm hàng hóa và thị trường cũng diễn ra gay gắt hơn. Đón cơ hội hội nhập là điều tất yếu nhưng để vững vàng trước làn sóng hội nhập, DN phải nhận diện cơ hội lẫn thách thức, am hiểu thị trường và nội lực bản thân để có chiến lược phát triển phù hợp.

Nhận diện thách thức

Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), động lực của toàn cầu hóa chính là lợi ích mà các quốc gia có thể thu được nhờ vào sự mở rộng thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trực tiếp nước ngoài. PGS.TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng: Với Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), áp lực cạnh tranh giữa các nước ASEAN sẽ trở nên gay gắt hơn. Trước hết là áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa với việc xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Cơ cấu sản xuất và thương mại tương đồng, Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ chất lượng tốt hơn và giá rẻ hơn từ các nước ASEAN. Với TPP, mục tiêu lớn nhất khi tham gia TPP của Việt Nam là tăng cường lợi thế xuất khẩu sang các nước TPP thông qua việc các nước này miễn hoặc giảm thuế cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, điều này chỉ đạt được nếu hàng hóa của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phức tạp về quy tắc xuất xứ, bắt buộc phải có nguyên liệu hoặc giá trị chủ yếu từ các nước thành viên.

 Công ty cổ phần Liên hiệp Kim Xuân trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong các dịp hội nghị, hội thảo.

Cùng với cả nước trong tiến trình hội nhập kinh tế, TP Cần Thơ xác định chủ đề năm 2016 là "Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế", lãnh đạo thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành hữu quan tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho DN khởi nghiệp, phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam, Trưởng ban Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế thành phố, cho biết: Trong 2 năm qua, Cần Thơ là một trong những địa phương thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề, các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về hội nhập với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, các diễn giả nổi tiếng. Qua đó, cung cấp thông tin kịp thời đến các sở, ban, ngành, các DN về nội dung của các FTA, thông tin về diễn biến thị trường, các kinh nghiệm hội nhập của cộng đồng DN. Bản thân DN cần phải nhận thức rằng, hội nhập kinh tế đã hiện hữu tại TP Cần Thơ, đã sát sườn với DN. Do đó, DN cần tiếp cận đầy đủ thông tin một cách nhanh chóng và chính xác để hội nhập tốt hơn trong tương lai.

Theo các chuyên gia, dù tham gia cung ứng nội địa hay xuất khẩu, các DN cần chú trọng tổ chức các hoạt động nghiên cứu thị trường, xác định đối tượng khách hàng mục tiêu, tiến tới xây dựng thương hiệu, hoạch định chiến lược phát triển thương hiệu nhằm mở rộng và phát triển thị phần, chiếm lĩnh thị trường.

Hiểu thị trường để có chiến lược đúng

Một số DN trên địa bàn TP Cần Thơ nhận định, hội nhập đã hiện hữu trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. DN muốn phát triển có thể chọn giải pháp từng bước giữ vững thị trường nội địa và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu. Theo lãnh đạo một DN trong ngành chế biến, xuất khẩu gạo trên địa bàn TP Cần Thơ, để phát triển bền vững, DN chọn giải pháp "đi 2 chân" vừa cung ứng cho thị trường nội địa vừa xuất khẩu trực tiếp. DN khai thác thị trường nội địa chủ yếu thông qua mạng lưới cửa hàng, đại lý bán gạo và kênh chợ truyền thống tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Về xuất khẩu, DN đã phát triển thị trường ở hơn 40 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, DN tự tin vì đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, có thể đáp ứng được các đơn đặt hàng của các khách hàng khó tính nhờ truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, kiểm soát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật theo đúng yêu cầu của đối tác nhập khẩu.

Ông Phan Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Liên hiệp Kim Xuân (khu công nghiệp Trà Nóc 1), chia sẻ: Công ty chuyên sản xuất đinh công nghiệp xuất khẩu. Trong giai đoạn 2000-2014, thị trường chính của công ty là Mỹ. Để từng bước đa dạng thị trường, giảm phụ thuộc vào một thị trường cố định, công ty đã mở rộng thị trường sang Mexico, châu Âu, Đông Nam Á thay vì chỉ tập trung ở Mỹ. Trong quá trình tìm kiếm thị trường mới, công ty xác định chọn những nước có nhiều gỗ, hướng đến đối tượng khách hàng có nhu cầu xây dựng nhà bằng nguyên liệu gỗ và cần sử dụng đinh để đóng. Trước khi gửi mẫu, chào hàng, công ty luôn chú trọng xem xét tập quán của nước khách hàng, tìm kiếm các đơn vị thu mua phân phối để thu thập thông tin về các tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm của nước sở tại để cung ứng sản phẩm phù hợp.

Theo Tiến sĩ Vũ Dương Hòa, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), DN đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của các địa phương. Trong bối cảnh hội nhập, để DN tự tin bước vào sân chơi rộng lớn hơn, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ, cung cấp thông tin về hội nhập từ chính quyền địa phương, các bộ, ngành Trung ương. DN cần kịp thời nắm bắt thông tin và tận dụng thời cơ hội nhập. Trong nền kinh tế hội nhập, tất cả các yếu tố liên quan đều có sự vận động mạnh mẽ. Bản thân DN phải trả lời câu hỏi thị trường sẽ diễn tiến như thế nào để thay đổi và thích ứng thay vì chỉ dựa vào những lợi thế sẵn có và hài lòng với năng lực sản xuất hiện có của mình. DN cần chú trọng tổ chức các hoạt động nghiên cứu thị trường, xác định đối tượng khách hàng mục tiêu, tiến tới xây dựng thương hiệu, hoạch định chiến lược phát triển thương hiệu nhằm mở rộng và phát triển thị phần trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết