17/07/2017 - 11:17

Nhận diện các yếu tố làm giảm hấp thu dưỡng chất và cách khắc phục 

Trà/cà phê làm giảm hấp thu khoáng chất

Các hợp chất như tannin trong trà và axít chlorogenic trong cà phê liên kết với nhiều khoáng chất trong thức ăn và thực phẩm bổ sung, qua đó làm giảm mức độ hấp thu các khoáng chất như sắt, kẽm, magiê, canxi… Ví dụ, cà phê giảm 80% khả năng hấp thu sắt nếu uống trong vòng 60 phút sau bữa ăn.

Lời khuyên: nên thay cà phê và trà bằng nước lọc hoặc nước cam trong bữa ăn. Chỉ bổ sung vitamin hoặc probiotic khoảng 1 giờ trước khi uống hoặc ăn đồ nóng để không tiêu diệt lợi khuẩn đường ruột.

Thực phẩm giàu chất xơ hạn chế hấp thu chất sắt

Thành phần cám và phytate (phốt pho hữu cơ) trong ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, hạt và bánh mì không men liên kết với các khoáng chất trong ruột, nên chúng không được hấp thu. Điều này làm giảm 65% khả năng hấp thu sắt phi haem (non-haem iron) có trong các loại thực phẩm kể trên. Cám và phytate cũng làm giảm sự hấp thu kẽm, canxi và mangan.

Lời khuyên: nếu đang áp dụng chế độ ăn giàu chất xơ, hãy chắc rằng bạn hấp thu đủ lượng canxi, có thể từ sữa, các sản phẩm từ sữa, bông cải xanh, các loại đậu và hạt. Khoảng nửa lít sữa cung cấp gần đủ lượng canxi cần thiết mỗi ngày. Đặc biệt, bổ sung vitamin C (từ cam, quýt) giúp tăng hấp thụ sắt phi haem.

Lạm dụng kem chống nắng gây thiếu hụt vitamin D và canxi cần cho hệ xương và nhiều khía cạnh sức khỏe. Ảnh: HuffPost

Thuốc tránh thai giảm hấp thu axít folic

Nhiều nghiên cứu bao gồm của Tổ chức Y tế Thế giới đã đặt ra những lo ngại về việc thuốc tránh thai có thể làm giảm hàm lượng axít folic, vitamin B2, B6, B12, vitamin C và E cùng với magiê, selenium và kẽm ở phụ nữ. Nguyên nhân được cho là vì các nội tiết tố oestrogen và progestogen trong thuốc tránh thai tác động đến hoạt động của thận, gây tích nước và muối sodium, từ đó làm loãng nồng độ các vi chất dinh dưỡng trong máu. Ngoài ra, thuốc tránh thai còn làm giảm sự hấp thu các dưỡng chất như axít folic và tăng bài tiết qua thận.

Lời khuyên: nên áp dụng chế độ ăn lành mạnh với nhiều trái cây và rau củ. Mỗi ngày tiêu thụ ít nhất 5 phần rau lá xanh đậm (như cải xoăn, bó xôi) để bổ sung axít folic, các loại quả khô và ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung vitamin và khoáng chất.

Thuốc nhuận tràng gây thiếu hụt vitamin, khoáng chất

Loại thuốc này đẩy nhanh quá trình thực phẩm đi qua đường tiêu hóa, nên cơ thể không kịp hấp thu các dưỡng chất, do đó, dùng quá nhiều thuốc nhuận tràng có thể gây thiếu hụt hàm lượng vitamin và khoáng chất, cũng như dẫn đến mất nước.

Lời khuyên: chế độ ăn chứa chất xơ thực vật, lợi khuẩn probiotic và bổ sung đủ nước sẽ giúp hạn chế nhu cầu sử dụng thuốc nhuận tràng. Thiếu magiê cũng gây táo bón nên mọi người cũng nên tiêu thụ các thực phẩm giàu magiê như ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, đậu, rau lá sậm, hải sản và sôcôla đen.

Thuốc kháng sinh hạn chế hấp thu vitamin K và canxi

Các loại thuốc kháng sinh cefalexin và tetracycline được dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng nhưng cũng có thể cản trở sự hấp thu vitamin K và canxi cần thiết cho chức năng đông máu và sức khỏe xương. Chúng cũng gây mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, dẫn tới các triệu chứng liên quan đến hội chứng ruột kích thích, đầy hơi và táo bón.

Lời khuyên: nếu buộc phải dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài để chữa bệnh, bạn nên tăng cường tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều vitamin K (như bông cải trắng và xanh, rau lá xanh đậm và thực phẩm lên men) và canxi (như sản phẩm từ sữa, trứng, đậu, hạt…).

Kem chống nắng ngăn cơ thể hấp thu vitamin D

Lạm dụng kem chống nắng hoặc tránh nắng hoàn toàn có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin D, không tốt cho xương và sức khỏe. Thiếu hụt dưỡng chất này cũng làm giảm sự hấp thu canxi từ thức ăn.

Lời khuyên: Tranh thủ phơi nắng sớm và bổ sung vitamin D bằng các thực phẩm như trứng và cá có dầu.

Thuốc Aspirin cản trở hấp thu vitamin C

Thường xuyên uống aspirin, dù với liều lượng nhỏ mỗi ngày, cũng làm tăng nguy cơ loét và chảy máu dạ dày. Lý do là thuốc ngăn cơ thể hấp thu vitamin C, qua đó giảm mức độ bảo vệ của vitamin C đối với niêm mạc dạ dày.

Lời khuyên: nếu uống aspirin trong thời gian dài, bạn nên bổ sung vitamin C từ các loại trái cây họ cam quýt.

Thuốc trị ợ nóng làm giảm nồng độ axít trong dạ dày

Thiếu hụt axít dạ dày làm giảm khả năng ruột hấp thu vitamin và khoáng chất từ 50-80%. Sử dụng thuốc lâu dài còn dẫn tới các tác hại như yếu xương, thiếu máu do thiếu sắt và khó lành vết thương. Khả năng hấp thu các vitamin nhóm B tăng cường năng lượng như B12, vitamin C và folate cũng bị ảnh hưởng bởi thuốc trị ợ nóng.

Lời khuyên: nên áp dụng chế độ ăn giàu dinh dưỡng nếu bạn dùng thuốc này trong thời gian dài, đồng thời dùng thêm vitamin C và chất sắt.

Thuốc nhóm statin ức chế men gan có lợi

Các statin làm giảm nồng độ cholesterol trong máu bằng cách ức chế một enzyme trong gan có tên men khử HMG-CoA. Tuy nhiên, enzyme này cũng được dùng để tạo ra coenzym Q10, một dưỡng chất cần thiết để tạo ra năng lượng cho các tế bào. Nghiên cứu cho thấy uống statin có thể giảm 50% nồng độ coenzym Q10 chỉ trong 4 tuần. Coenzym Q10 thấp gây yếu cơ và đau nhức. Statin cũng làm giảm sản sinh tự nhiên vitamin D3 qua da.

Lời khuyên: cân nhắc bổ sung vitamin D3 và coenzym Q10.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết