27/08/2017 - 10:48

Nhạc sĩ Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Cần Thơ: Cần bảo tồn và làm mới nhạc cách mạng 

Cứ đến những ngày lễ trọng đại của đất nước, nhiều sản phẩm âm nhạc về dòng nhạc cách mạng được ra mắt, giúp những bài ca gắn với một thời hào hùng của dân tộc được lan tỏa trong giới trẻ. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Cần Thơ, xoay quanh vấn đề giới trẻ hiện nay đang tiếp nhận dòng nhạc cách mạng như thế nào.

* Thưa nhạc sĩ, ông nhận định thế nào về sức sống của dòng nhạc cách mạng trong đời sống âm nhạc hiện nay, nhất là với giới trẻ?

- Trước hết, chúng ta cần thống nhất về những đặc điểm của dòng nhạc cách mạng. Nhạc cách mạng không ca ngợi tình yêu đôi lứa, gia đình, bằng hữu một cách đơn thuần, mà luôn luôn liên kết với tình yêu đất nước, lý tưởng cách mạng và nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng đất nước. Nhạc cách mạng không có tinh thần chủ bại, yếm thế, luôn luôn thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời dù ở bất kỳ tình huống nào, không ngại gian khó, hy sinh. Nhạc cách mạng phần đông được sáng tác ở miền Bắc từ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ đến nay. Còn ở miền Nam khá ít, chỉ nở rộ trong thời kỳ thống nhất và xây dựng đất nước.

Mỗi dòng nhạc luôn mang một hơi thở thời đại, nên sức sống của  dòng nhạc cách mạng vẫn còn nguyên trong lòng những người sống trong thời đại ấy. Nhưng đối với giới trẻ, thì họ chưa hiểu nhiều về dòng nhạc này lắm, muốn tiếp cận dòng nhạc cách mạng cần phải trang bị kiến thức, giống như một sinh viên nhạc viện muốn tiếp cận dòng nhạc cổ điển phải học hỏi nhiều. Mặt khác, dòng nhạc cách mạng muốn đến được giới trẻ ngày nay, cần phải hà thêm hơi thở thời đại để tạo nên sức sống mới.

Ca sĩ Anh Bằng biểu diễn ca khúc “Tình Bác sáng đời ta” trong chương trình nghệ thuật “85 mùa hoa dâng Đảng” tại Cần Thơ. Ảnh: Duy Khôi

* Nhạc sĩ quan niệm thế nào về chuyện cách tân, làm mới nhạc cách mạng như cách mà một số ca sĩ trẻ hiện nay đang làm?

- Hiện nay, một số ca sĩ trẻ đang làm mới một số ca khúc cách mạng, tôi cho đây là công việc đáng hoan nghênh. Tôi đã được xem vài video ca nhạc (MV) những ca khúc cách mạng ở thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, các bạn trẻ thực hiện rất hay, hòa âm phối khí hiện đại, hát rất chuyên nghiệp, trang phục rất đẹp, những cảnh quay thể hiện tay nghề cao.

Những ca khúc cách mạng mới sáng tác gần đây thì tự thân sẽ đến với giới trẻ, còn những ca khúc cách mạng xưa cần có chính sách bảo tồn và làm mới để con cháu chúng ta không quên lịch sử.

* Đâu là giới hạn và điểm dừng cho sự làm mới ấy, thưa nhạc sĩ?

- Thực sự, việc làm mới dòng nhạc cách mạng cũng cần có một giới hạn nhất định. Có thể ví von, trong âm nhạc tài tử muốn mạnh bạo thì dùng hơi Bắc, muốn buồn thảm thì dùng hơi Oán, muốn lãng mạn thì dùng hơi Quảng, muốn quân tử, chính trực thì dùng hơi Xuân. Trong làm mới dòng nhạc cách mạng cũng vậy, có thể uyển chuyển, tùy cách biến tấu sao cho hợp thời đại nhưng nhất quyết không nên, không được làm mất đi cái hồn, cái tinh túy của dòng nhạc cách mạng.

* Theo nhạc sĩ, đội ngũ nhạc sĩ sáng tác đề tài cách mạng hiện nay có nhiều, thực lực có mạnh và các tác phẩm ra đời có đủ sức hấp dẫn?

- Theo tôi, lực lượng sáng tác trẻ hiện nay được đào tạo bài bản, được tiếp cận nhiều thông tin và kiến thức, nên thực lực mạnh, những tác phẩm họ viết ra hấp dẫn và hợp thời. Tuy nhiên, họ lại hướng theo một khuynh hướng khác, đi vào những tình cảm riêng tư, những buồn bã. Nếu xã hội hướng họ theo những khuynh hướng cách mạng hơn thì những ca khúc cách mạng thế hệ mới sẽ hấp dẫn không thua gì những bậc tiền bối.

* Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Đăng Huỳnh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết