Truyện ngắn: Phạm Phong Vinh
Tôi hay ngửi thấy mùi khói ấy, nó lấn át cả mùi giấy mực trong căn phòng chứa đầy hồ sơ sổ sách. Tôi ngửa mặt lên, hít căng lồng ngực mùi khói nồng nàn ấy, sợ nó bay đi mất. Đồng nghiệp cười bảo tôi chỉ giỏi tưởng tượng, trong căn phòng làm việc trên tầng mười sáu của tòa nhà giữa trung tâm thành phố này, làm gì có ngọn khói nào bay tới được? Tôi hụt hẫng. Ngọn khói vụt tan. Tôi cũng thấy lòng mình vỡ tan.
Má tôi hay đốt cỏ khô ở bờ ruộng phía sau nhà, cách mảnh vườn nhỏ một dãy tre xanh đã trải bao trận gió giông vẫn không bật gốc. Ba tôi hay đốt đồng mỗi khi vụ lúa đi qua, cánh đồng trơ gốc rạ. Những mùi ấy tôi còn nhớ mãi, nhưng tìm từ ngữ để tả về nó thì khó vô cùng. Má nói khói quê thuộc về ký ức, trú ngụ tận sâu trong tâm hồn của con người, nên làm sao mà xa rời cho được. Bởi vậy má không rời khỏi đất quê, má trụ lại hoài, dù có bận mưa dầm hay hạn mặn, chuyện đồng áng cực nhọc oằn vai.
Điều tôi ân hận nhất có lẽ là lần tôi quyết liệt xúi má bỏ đất quê, bỏ làng xóm mà đi. Ra trường, tôi xin việc ở thành phố, mấy năm vất vả chắt chiu, cuối cùng tôi cũng mua được căn hộ làm nhà, cuộc sống dần thoải mái. Nhà tôi nằm ở tầng cao chót vót, cao đến độ tôi có thể ngắm một phần thành phố bên sông, những đêm đô thị lung linh đèn màu và những chiều vàng rụng rơi nơi chân trời xa thẳm. Tôi nói với má lên thành phố ở luôn với tôi. Nhà ở quê thì đóng cửa, ruộng vườn thì cho vợ chồng thằng út, sẵn trông coi và giẫy cỏ mộ của ba… Chừng nào Tết nhất hay cúng giỗ thì má con tôi về. Ba mất rồi, thằng út có vợ ra ở riêng bên kia sông, tôi sống ở thành phố cũng bận rộn, má ở chi nơi này một mình, rủi ốm đau nửa đêm về sáng ai hay?
Nghe tôi nói, má không giận, chỉ bước tới bàn thờ đốt nhang cho ba rồi nói:
- Đất đai này cưu mang ba má từ hồi còn chưa biết mặt nhau. Giờ ba con đi rồi, thân xác nằm trên mảnh đất này, má cũng sẽ nằm cạnh ba con lúc trăm tuổi già...
Má tôi sống tình nghĩa lắm, bởi vậy má đâu nỡ bỏ làng, bỏ đất, bỏ mộ phần của ba mà đi. Tôi chợt thấy lòng mình chùng xuống sau một hồi lý lẽ thuyết phục má. Sao tôi nỡ không hiểu lòng má mà xúi má rũ bỏ cố hương…
Tôi ngồi bên bờ sông nhìn con nước đỏ phù sa chảy êm trong buổi chiều vàng nắng. Trái bần trên cây rơi bõm xuống sông làm tôi giật mình. Tôi bỗng nhớ ngày xưa có lần tôi nhảy xuống sông vớt trái bần chín, tưởng chỗ đó cạn, ai ngờ hụt chân xuống nước sâu. May mà ba tôi đi ruộng về thấy, nhảy xuống kéo tôi lên. Ba dặn tôi đừng xuống mé sông chơi một mình, có ngày ma da nó bắt mất. Từ lần đó tôi sợ nước. Mỗi lần tôi đi qua sông phải có ba má đi cùng trên xuồng và luôn tìm cách né không phải đi dọc bờ sông dài có vô số bụi dừa nước um tùm. Ba chính là chỗ dựa an toàn nhất của tôi. Bị má rầy tôi cũng ngồi phụp vào lòng ba, qua con mương nhỏ cũng nhảy lên lưng ba để ba cõng, qua cánh đồng khô hạn tôi nắm tay ba. Ba là tất cả của tôi.
Hàng xóm đùa dai chọc ghẹo tôi không phải con gái ruột của má. Tôi giận sôi nước mắt, ôm giận chạy về ngồi trong buồng không nói không rằng. Nhìn tôi y hệt má, có khác nét nào đâu. Thấy tôi hay giận, người ta gặp tôi lại càng chọc dữ hơn, nói rằng thằng út mới là con của má với ba, còn tôi chỉ là con riêng cùng cha khác mẹ. Những câu nói mà người lớn cho rằng đùa vui với con nít lại như lưỡi dao cắm vào tim tôi. Má tôi đâu có ghét hay lạnh lùng với tôi như những người dì ghẻ khác trong truyện cổ tích mà bà ngoại hay kể. Má tôi hiền lắm, từng chiều kêu tôi ra cầu ao sau nhà ngồi để má gội đầu, chải tóc cho tôi. Bán cặp vịt đổi được mớ vải vóc, má cũng dành may áo cho tôi. Một chiều, tôi lấy hết can đảm hỏi má: "Má, con có phải con ruột của ba má hay không?". Má tôi giật mình: "Ủa, sao con hỏi má kỳ vậy, không phải con má thì con của ai?". Tôi gục đầu vào lòng má bật khóc: "Cô Ngân ở bên sông bơi xuồng cập bến nhà mình nói con không phải con ruột của má. Con cãi lại, cô Ngân cười cười rồi bơi xuồng đi". Má tôi cười phá lên. Sau lời giải thích của má, tôi biết hồi còn trẻ cô Ngân thích ba tôi lắm. Ba tôi hiền lành, chăm chỉ, lại chí thú làm ăn, bởi vậy cô Ngân mới ưng bụng. Ngặt nỗi ba tôi chỉ thương mỗi má tôi thôi, nên mới thành chồng vợ. Chuyện năm xưa cô Ngân vẫn để bụng đến tận bây giờ. Dù không phải là thù ghét gì, nhưng cô hay trêu ba tôi, trêu chúng tôi. Dẫu sao cô Ngân cũng đã có chồng, có con, gia đình êm ấm chứ nhỡ lỡ làng thì ba tôi mang tội. Má kể xong, lau nước mắt cho tôi, kêu tôi đi dọn cơm.
Những suy nghĩ trẻ dại năm nào đã vụt tan khi tôi lớn lên, rời quê, bước chân lên thành phố với khát vọng bám trụ và lập thân. Ba má tôi ở quê, thằng út không thích học hành nên má cho nó lấy vợ sớm, hai vợ chồng thuê sạp buôn bán ngoài chợ làng. Năm hai đại học, một buổi sáng ngồi trên giảng đường tôi bỗng nhận được điện thoại từ quê nhà. Người làng báo cho tôi tin dữ, ba tôi bị nước cuốn ra sông Cái trong buổi chiều lội sông đặt lú bắt cá tôm. Ba được tìm thấy ở ngã ba sông…
* * *
Có việc làm ở phố rồi, thi thoảng tôi mới về làng, thường ngay mùa lúa chín, hoặc vào lúc mưa dầm, nước sông dâng lên. Lần nào qua sông Cái tôi cũng khóc, cũng nhìn về hướng đó mà mường tượng khuôn mặt hiền từ của ba tôi. Má tôi coi sông là một vệt đau thương trong đời, nên từ đó má không một lần đặt chân xuống nước. Ba mất đi, má không biết trách ai, chỉ biết giận sông nhiều. Má khóc không biết bao nhiêu là nước mắt những lúc mưa lất phất rơi xuống dòng sông chậm buồn chảy ngang qua ngôi nhà mà ba má chắt chiu gầy dựng. Ngày xưa, đã có lần tôi ngồi bên bờ sông này ngắm từng chuyến đò đưa người làng rời khỏi đất quê, đi làm ăn, đi lên thành phố định cư. Tôi lúc tuổi mộng mơ cũng nghĩ lớn lên mình sẽ rời làng, không biết là đi đâu. Sau khi ba mất, tôi càng nung nấu muốn đưa má đi xa khỏi dòng sông vui ít buồn nhiều, xa từng chiều chim mồ côi bay về, nhìn thôi cũng chạnh buồn chua xót.
Và rồi tôi đi thật. Nhưng má tôi không đi, má quyết định ở lại dù khung cảnh quê nhà từng chiều mưa có buồn đến cỡ nào, dù dòng sông này có đau thương đến đâu. Đơn giản vì đất quê có ba tôi nằm lại. Vĩnh viễn.
Tôi nhớ có lần đang ngủ trong căn hộ ở tầng cao chót vót, tôi chợt nghe tiếng má gọi tôi trong đêm, thảng thốt giật mình tỉnh dậy gọi điện thoại cho má, biết má bình an, tôi mới dám thở dài. Tiếng má gọi tôi hay tiếng làng gọi tôi, tiếng cỏ xanh và gió đồng réo gọi tôi trong những giấc mơ chập chờn đứt quãng. Tôi nhớ những chiều ngồi ngắm mưa rơi từ tầng nhà cao cao, mà nghĩ về mưa quê mình. Từng giọt, từng cơn đổ xuống mái nhà chảy ào ào xuống máng xối, dòng nước làm đất phía dưới khuyết một vòm hình lòng chảo. Tôi nhớ những ngày thèm khói bếp quê nhà, thèm được thấy nụ cười của ba, thèm được nghe giọng điệu ngọt ngào hiền lành của má… Những lúc như vậy tôi chỉ thấy nước mắt mình ứa ra, chảy dài trong đêm.
Tôi về quê. Mùa nắng. Đồng khô. Giọt mồ hôi tuôn rơi. Mà nhà xưa vẫn mát lành như tấm lòng của má. Quanh mộ ba xanh cỏ. Má bạc mái đầu…