15/12/2017 - 21:00

Nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi đã không còn “lăn xe chiều góc phố” 

Mấy tháng trước, nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi ra mắt tập thơ thứ 9- “Gió lộng ven chiều” và gửi tặng tôi khi sách còn “nóng hổi”. Facebook của ông cũng luôn cập nhật những bài thơ đầy tình tự. Vậy mà, bỗng giật mình hay tin ông không còn “Lăn xe chiều góc phố. Tán gẫu quán vỉa hè” như “Vô thường”- bài thơ sau cùng trong tập thơ cuối cùng của nhà thơ xứ Bạc Liêu.

Bìa tập thơ “Gió lộng ven chiều” và thủ bút ký tặng của nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Cầm trên tay “Gió lộng ven chiều”, tôi bị cuốn hút bởi bài “Vô thường”- dù là bài thơ cuối cùng. Ở tuổi 67 với bao thăng trầm cuộc đời, nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi điềm nhiên trước những biến thiên của cuộc đời:

“Buông tay hồn đánh mất
Phù hư nẻo vô thường!”

Và, phải chăng, như một sự linh tính nào đó, ông đã điềm nhiên cho sự ra đi mãi mãi của mình khi viết hai câu thơ sau cùng trong tập thơ cuối cùng:

“Ta bây giờ bóng xế
Trăng treo hồn ngõ sau”

Giới văn nghệ sĩ cả nước rất nhiều người biết đến nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi không chỉ bởi thơ ca mà còn ở cái tình ông sống ở đời và cách ông sống cho chính mình. Bị bại liệt từ nhỏ nhưng ông trưởng thành bằng nghị lực để trở thành một doanh nhân có tiếng ở Bạc Liêu, một nhà thơ tên tuổi. Đời không cho ông đôi chân để bước nhưng bù lại, ông có một tâm hồn dạt dạt yêu thương và xúc cảm. Những khát khao sống, khát khao yêu thương cứ tuôn chảy trong những vần thơ ông viết:

“Mình già rồi gặp như gió thoảng qua
Còn thấy nhau đã là niềm hạnh ngộ
Mắt nhá nhem những nỗi niềm xưa cũ
Tiếng gọi buồn bìm bịp nước ven sông”

                                                                       (“Ấm lại chiều đông”)

Hồi nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi ra mắt tập thơ thứ 7- “Hương xa từng góc khuất”, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài- bạn thơ xứ Bảy Núi- đã viết thay lời giới thiệu, có đoạn như vầy: “Những tập thơ gần đây anh cho in thêm tên Lâm Trấn Khuê… À, thì ra Lâm Tẻn Cuôi phiên âm từ tiếng Hoa ra chữ Việt là Lâm Trấn Khuê… Thôi thì dù lấy tên nào thì cũng là anh, một người mê thơ và làm thơ bằng trái tim cháy bỏng của mình”. Quả vậy, thế nên nhiều người bạn văn chương của ông vẫn hay nói đùa: Lâm Tẻn Cuôi tới già vẫn còn yêu như trai trẻ!

Nghe tin ông ra đi, bạn văn chương của ông ai cũng ngậm ngùi. Đó là khi mất mát một người bạn “chơi được”, dễ thương. Ai đến Bạc Liêu, ông hay được là y như rằng sẽ tiếp đón nồng hậu kiểu “từ A tới Z”, dù chuyện di chuyển khó khăn. Đến Cần Thơ, ông lại liên lạc bạn thơ văn, nhâm nhi cà phê, tán dóc chuyện đời. Mấy lần thấy tôi “check-in” Bạc Liêu trên facebook, ông gọi điện ngay, hỏi có cần giúp gì không? Tôi nhớ hoài hình ảnh nhà thơ ngồi trầm tư ngắm nhìn quảng trường Hùng Vương (Bạc Liêu), nhìn biểu tượng đờn kìm… trên chiếc xe lăn. Ông vẫn hay cười, cười mỉm, nhưng rất viên mãn khiến người khác cảm giác rằng con người ấy chưa từng khổ đau ở đời.

Xin tiễn nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi bằng đôi câu thơ ông viết:

“Tôi về góp nhặt hồn mơ cũ
Trải đầy hoa bướm những trang thơ…”

                                                                      (“Dừng chân quê cũ”)

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết