23/01/2022 - 08:41

Nhà mình ngàyTết 

♦ Bút ký: ĐĂNG HUỲNH

Ðó là căn nhà của những ngày xưa, ở quê - mà có lẽ, đi bao xa, bao lâu cũng chưa thôi dặm dài ký ức. Nhà mình với những mùa Tết mọi người quây quần chuẩn bị sửa sang, quét dọn. Một mái lá mà đẹp lắm mỗi độ xuân sang…

Trẻ em mặc đồ đẹp trong những ngày Tết.

Gà mới gáy rạng 23 tháng Chạp, nhà người cậu hàng xóm đã bật đèn sáng choang, thấy có dáng ai đó thấp thoáng qua khung cửa sổ bằng lá dừa nước. Cậu mợ có 4 người con và cả 6 thành viên trong nhà đều đi làm ở TP Hồ Chí Minh. Qua nhà hỏi thăm, cậu đang cầm cây chổi lông gà quét mạng nhện, mợ thì lau chùi bàn ghế, sắp xếp lại mấy vật dụng sau thời gian xa chủ. Cậu cười tươi rói: “Cậu với mợ bây về hồi hôm. Ðược về sớm nên nôn, mà về tới nhà rồi ngủ cũng không được, mừng quá con ơi. Thức sớm quét dọn nhà cửa đặng ăn Tết”.

Sau một năm xa quê mưu sinh, với biết bao khó khăn ở xứ sở đất chật người đông, cậu mợ về với nỗi nhớ quê, nỗi mừng đoàn tụ và về với căn nhà lá còn vững vàng. Nhìn cậu mợ lui cui dọn nhà, tôi lại bồi hồi nhớ về chuyện dọn dẹp, điểm trang căn nhà để ăn Tết hồi xưa.

Nhà tôi, nhà cậu và cả xóm Bà Từ này đều day mặt về phía sông. Có phải vậy chăng mà lòng người luôn rộng mở như dòng sông trước cửa. Dòng sông chảy muôn đời qua vạn dặm mùa xuân, mà hễ gió từ sông mang khí trời se lạnh của ngọn bấc là nội lại nói: “Lạnh nhiều rồi à, còn mấy hồi nữa đâu là tới Tết!”.

Nhà tôi hồi xưa bằng cây lá, dưới sông có sàn lãn để giặt giũ, lấy nước sinh hoạt. Ba chị của tôi hễ qua rằm tháng Chạp là lại nôn nao chuẩn bị Tết. Việc đầu tiên là đi mần cỏ xung quanh nhà, gom lại chất đống để đốt cho sạch. Hai hàng vạn thọ tía trồng cũng đã nhu nhú nụ xuân, chờ bung nở hoa vàng. Anh Hai chiều nào cũng xách nước tưới bông, không quên tưới luôn hàng rào bông trang sát mé lộ, mấy chậu mào gà má trồng trong cái thau bể và bụi mai già trồng giữa sân, ngay bàn thờ Ông Thiên, đã lặt trụi lá. Má lụi hụi lấy mấy xề mứt ra phơi trên ghế đẩu giữa sân. Tía thì sơn lại cây nước bơm tay cho đẹp, hết sét.

Chuẩn bị Tết, chuyện giặt giũ đồ đạc được xếp vào danh sách “phải làm đặng ăn Tết”. Má và các chị gom áo gối, mùng, mền, màn cửa sổ, cửa buồng… để đem ra sàn lãn giặt, phơi ở cái sào gác từ cây dừa qua gốc bình bát. Tôi thì khoái nhất phần giặt chiếu, vì được nhảy ùm xuống sông, trải chiếc chiếu lên mặt nước để lấy bàn chải chà cho sạch. Dưới sông, mấy chiếc vỏ chở bông, chở dưa hấu bán Tết đã rôm rả rao mời: “Dưa hấu ăn Tết bà con ơi!”.

Nhà vách lá, tía dừng vách bằng lá dừa nước xé, dày và nẹp kỹ nên bảy mùa Tết mà còn nguyên. Chị Ba, chị Tư thời đó hay đọc báo ảnh Ðất Mũi, có in hình màu các minh tinh màn bạc, nghệ sĩ cải lương. Tết tới, các chị khuấy hồ bằng bột nếp rồi xé từng tờ báo dán lên vách cho đẹp. Không chỉ nhà tôi thôi đâu, cả xóm, mà còn nhiều xóm khác ở miền Tây, báo ảnh Ðất Mũi như một kiểu trang trí cho mùa Tết, làm đẹp, che khuyết điểm cho những mái lá quê. Hồi đó, hễ đi chợ Tết thì ai cũng thích được tặng lịch. Mua ít thì được tặng lịch một tờ, mua nhiều, khách “mối” thì được tặng lịch 5 tờ, trên đó ngoài in ngày tháng, còn in hình nghệ sĩ, diễn viên, rất được mọi người ưa thích. Lịch đó được tháo ra thành từng tờ, rồi treo kỹ càng trên vách, để làm đẹp và để coi chơi, như một kiểu giải trí. Vách buồng thì được dán bằng giấy bông, màu xanh hoặc màu đỏ làm chủ đạo.

Các chị tôi hồi đó dù chừng 14,15 tuổi nhưng khéo tay, nữ công gia chánh cũng giỏi. Bà nội hồi còn sống, và má tôi nữa, dạy con gái kỹ càng lắm, nhất là chuyện trong nhà, trong cửa. Các chị năm nào cũng mua giấy bông về cắt thành trái châu, dây thiều để treo nhà trên. Những sợi dây thiều hoa văn đan cài lên nhau, nối tiếp, rất điệu nghệ, các chị phải làm mấy ngày mới xong.

Nói chuyện làm đẹp ngôi nhà, lại nhớ công việc của má và anh Hai, đó là giãy nền nhà. Nhà tôi hồi xưa nền đất, ba lấy đất từ trên miếng đất biền về đắp nền cho cao, càng lâu càng dẽ dặt. Nhưng xài lâu thì nền đất lồi lõm do chân đi đất từ ngoài vào hay bị nứt nẻ, trổ mốc. Vậy là má và anh Hai lấy dao sủi, giãy cho bằng nền nhà, chỗ nào thiếu đất thì lấy đắp vào rồi đầm cho kỹ. Tôi có nhiệm vụ đi theo sau chân má và anh Hai, chỗ nào giãy rồi thì lấy nước rưới lên chút ít cho mềm đất, dùng chai nước thủy tinh lăn nền đất bóng, đẹp. Mấy chuyện này bây giờ chắc ít ai còn làm, vì nhà nào cũng nền xi măng, hay lát gạch sạch trơn.

Dường như mọi sự tươm tất đều dành riêng cho Tết. Ăn mặc cũng đẹp hơn, nhà cửa tinh tươm hơn, món ăn cũng ngon hơn. Năm nào có tiền thì má đi chợ sắm đồ Tết cho cả nhà, năm nào lúa thất, heo bể chuồng, thì má cũng gói ghém sắm cho tôi, vì còn con nít, một hai bộ đồ rẻ tiền. Tía má và các anh chị thì mặc đồ cũ. Thời đó còn xài bàn ủi con gà, nhà không có than đước nên chị Ba hay đốt miểng dừa để làm than. Than miểng dừa cháy hỗn, nóng dữ nhưng mau tàn, trước khi ủi lên quần áo, chị Ba hay ủi lên lá chuối tươi để cho hạ nhiệt. Có lần chị Ba quạt bàn ủi cho than nóng nhanh, rủi sao tro than bay ra cháy cái áo dài của má - cái áo dài có tuổi đời còn lớn hơn cả tuổi tôi, một năm má chỉ mặc cúng ông bà ngày mùng Một Tết. Chị Ba thút thít chịu lỗi với má, má nói: “Thôi nín đi con, con lỡ mà…”. Rồi má đi lấy kim chỉ mạng lại chỗ cháy. Chiếc áo đó tới nay vẫn còn.

Tết là những dặm dài ký ức nối tiếp nhau, là sự đan xen của hồi đó - bây giờ để nhắc nhớ, kể cho nhau chuyện của nhà mình, xóm mình, xứ sở quê hương. Tôi lại nhớ những điều nho nhỏ trong mái ấm của mình, với hình ảnh những người thân yêu chuẩn bị, vun vén cho ba ngày Tết tròn đầy. Cái cự củi, vài ba bó lá dừa má chuẩn bị trước Tết. Bàn thờ gia tiên rực rỡ, thơm thảo lòng hiếu mà tía tôi tỉ mẫn từng chút một. Khuôn nướng bánh kẹp của chị Ba, chị Tư nhuộm màu thời gian mà bánh nướng ra thì thơm lừng mùi nhớ… Mỗi sự vun vén là một biểu hiện sinh động cho “nhà là chốn bình yên”, “nhà là nơi để về”, “có trăm chốn đi nhưng có một chốn về - đó là nhà mình”…

Ðôi khi tôi nghĩ, lạ quá, hễ nghĩ về Tết là người ta lại nghĩ về nhà, mái ấm và quê hương. “Ăn Tết” lớn nhất là ăn với người thân, với cha mẹ và với đấng bậc tổ tiên vãng tiền, trong ngôi nhà của mình. Về quê ăn Tết là chuyến về nguồn đẹp đẽ nhất. Nét đẹp Tết cổ truyền đằm sâu trong những điều thiêng liêng và nhân văn đó.

Trong cơ hồ ký ức của đời người, ký ức Tết quê hẳn sẽ là một giềng mối tâm hồn sâu nặng nhất. Gió xuân đã rào rạt, nhấp chén trà sớm mai, lòng lại nghĩ về nhà mình ngày Tết hồi xưa…

Cần Thơ, giáp Tết Nhâm Dần

Chia sẻ bài viết