12/07/2008 - 20:28

Nhà của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long xưa

TRẦN PHỎNG DIỀU

Từ xưa, khi đến định cư ở ĐBSCL, những lưu dân phải thích nghi với điều kiện môi sinh ở địa bàn mình đang cư trú. Việc lựa chọn địa bàn cư trú có ý nghĩa rất quan trọng vì giúp người ta ổn định cuộc sống, “an cư lạc nghiệp”. Công việc của những lưu dân buổi đầu vào đây là khai hoang, tìm cuộc đất tốt để dựng nhà, lập làng, rồi sau đó mới lập chợ xây đình. Vì lẽ đó, trong buổi đầu khai phá, các lưu dân thường chọn cất nhà ở những nơi có bến sông để thuận tiện cho việc đi lại, đánh bắt thủy sản, có được một không gian thoáng đãng, có nước ngọt để sử dụng từ các con sông, kênh, rạch, tránh những nơi đầm lầy nê địa vừa không thuận tiện, vừa khó sinh nhai, lại thường xuyên đối mặt với bệnh tật và thú dữ.

Cư dân ở Đồng bằng sông Cửu Long thường chọn bố trí nhà ở trên đất giồng, gò, đồi và nhà ở chạy dọc theo sông rạch. Cách bố trí này vừa giúp cho họ dễ dàng trong việc lao động sản xuất cũng như trong các hoạt động bán buôn. “Nhất cận thị, nhị cận giang”. Vì là những lưu dân có cùng mục đích là tìm đất sinh nhai nên phải sống nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc tối lửa tắt đèn nên người ta thường sống tập trung thành một cụm dân cư không hề có sự phân chia rõ ràng ranh giới giữa làng này với làng kia. Nhà cửa cũng vậy, ở Đồng bằng sông Cửu Long, ranh giới giữa nhà này với nhà khác có khi chỉ là một con đường mòn nhỏ, hoặc là một con mương rộng độ vài mét. Nếu nhà nào có hàng rào thì cũng chỉ mang tính quy ước, tượng trưng cho ranh giới hơn là một sự xác định rạch ròi. Cổng vào nhà cũng vậy, người ta làm cổng là để trang trí, hoặc chỉ mang tính tượng trưng hơn là ý nghĩa thiết thực của nó là dùng để chống trộm. Chẳng vậy mà cổng không cần đóng, làm bằng những vật liệu đơn giản như tre, hoặc là chủ nhà trồng hai bên ngõ hai cây bông giấy hoặc dâm bụt và uốn giao cành với nhau.

Dân cư Đồng bằng sông Cửu Long thường chọn những vật liệu có sẵn trong vườn, hoặc ở địa phương để cất nhà, đó là các loại gỗ vườn, cây, lá... đặc biệt là các loại cây tròn, nhỏ như tràm, đước... làm cột và lợp mái bằng lá dừa nước. Một số ít nhà của những người giàu có thì được cất bằng các loại gỗ quý và mái lợp ngói, hoặc là xây bằng gạch...

Văn minh miệt vườn là một đặc trưng khá nổi bật của Đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy nhà cửa của cư dân thường gắn liền với thửa ruộng, miếng vườn. Những nhà trung nông thường có vườn, có sân với diện tích khoảng vài ba công đất. Vườn chủ yếu để trồng cây ăn trái, còn sân thì để trống cho thoáng, đôi khi tận dụng để phơi lúa, phơi củi. Hoặc giả, chủ nhà trồng ở đó năm bảy chậu kiểng để ngắm nhìn cho vui mắt, một ít cây thuốc nam để chữa bệnh thông thường, hoặc một bụi sả, bụi hành, vài ba cây ớt. Cũng có khi là cây xoài, cây mít được trồng ở một góc nào đó để lấy bóng mát. Mép ngoài của sân thường được đặt một bàn thờ Ông Thiên để thờ trời, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mua may bán đắt, gia đạo bình an. Mép trong của khoảng sân giáp mí với căn nhà thường có một cái hàng ba, rộng hay hẹp tùy nhà. Hàng ba này có tác dụng làm dịu cường độ ánh sáng, giảm oi bức vào mùa nắng và hạn chế mưa tạt vào những lúc trời mưa. Ngoài ra, hàng ba còn là nơi dành cho trẻ con chơi đùa, như nhảy dây, đánh chuyền chuyền, bún dây thun... Là nơi để người lớn mắc võng nghỉ ngơi và cũng là nơi để bà con lối xóm tới lui chuyện trò trong quan hệ hằng ngày. Còn phía sau nhà thường là một vườn cây, nơi bố trí chuồng nuôi súc vật, có bến nước dùng làm nơi tắm giặt, đậu ghe xuồng, cũng như dùng trong các sinh hoạt khác.

Đồng bằng sông Cửu Long có các dạng nhà chính sau đây:

Nhà chữ đinh

Đây là kiểu nhà rất phổ biến, bao gồm một nhà trên và một nhà dưới. Nhà chữ đinh được xây bằng gạch, lợp ngói, hoặc tôn. Có khi được xây cất bằng gỗ, lợp lá, vách ván, hoặc bằng lá dừa nước. Nhà chữ đinh rất rộng và thoáng phù hợp với tầng lớp trung nông trở lên. Nhà chữ đinh được cho rằng có xuất xứ từ chữ Hán, là kiểu nhà phân bố một căn ngang (-) và một căn xuôi (J) liền vách, tức là đòn dông nhà trên và đòn dông nhà dưới thẳng góc với nhau, tạo thành dạng giống chữ đinh (J). Ở kiểu nhà chữ đinh thì nhà trên và nhà dưới cùng một mặt phẳng nên tiện bố trí bàn ghế khi có đám tiệc. Nhà chữ đinh thường có dãy hàng ba phía trước, nên nắng không bị chói, mưa không tạt vào bên trong. Thông thường, nhà trên được xây cất với kích thước to hơn và vật liệu tốt hơn nhà dưới, vì nhà trên được quan niệm quan trọng hơn, có chức năng là nơi thờ cúng ông bà, tổ tiên, nơi dành để tiếp khách quý. Nhà dưới dùng để cho việc sinh hoạt trong gia đình. Một căn nhà chữ đinh theo kiểu xưa là ba gian hai chái, còn hiện nay nó được xây dựng phổ biến là ba gian không có chái hiên. Bên trong nhà trên thường được bố trí bàn thờ đặt ở gian giữa và các gian hai bên. Trước bàn thờ, bên phải và bên trái là nơi đặt đi-văng hoặc một bộ phản bằng gỗ. Trước bàn thờ gian giữa là nơi đặt chiếc bàn chữ U, hoặc chiếc bàn hình chữ nhật với hai hàng ghế hai bên... Nếu nhà khá giả thì có thêm tủ búp-phê đựng ly, tách, chén và trưng bày các vật dụng khác.

 Nhà chữ đinh đặc trưng Nam bộ. Ảnh: Welcome to Vietnam. NXB Thông Tấn

Bên cạnh loại nhà chữ đinh thông thường, cư dân ở Đồng bằng sông Cửu Long còn cải tiến nhà chữ đinh theo kiểu có sân trong. Nghĩa là nhà dưới tách khỏi đầu hồi nhà trên, tạo một sân nhỏ phía sau để lấy ánh sáng cho nhà dưới. Khoảng sân này cũng là nơi đặt thêm vài cái lu để chứa nước mưa.

Nhà sắp đọi

Kiểu nhà này cũng phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nó còn được gọi là nhà xếp đọi, nối đọi, sóc đọi. Đây là loại nhà mà ngoài căn nhà trên ba gian, người ta còn nối thêm phía sau sát liền vách nhà trên một căn nhà dưới có đòn dông song song với đòn dông của nhà trên, theo kiểu nhà dưới sắp liền kề cùng chiều dài với nhà trên. Giữa hai nhà có chiếc máng xối chạy suốt từ đầu này tới đầu kia để hứng nước mưa. Nhà sắp đọi thường là nhà lá, cột bằng gỗ mù u, sầu đâu, so đũa, gỗ mít.

Thông thường, chiều ngang của nhà dưới bằng chiều ngang của nhà trên, còn chiều sâu nhà dưới hẹp hơn nhà trên, và muốn vào nhà dưới thì phải đi qua cửa nhà trên. Nhà sắp đọi nối dài là dạng nhà sắp đọi có nhà dưới ló dài ra hơn nhà trên và ở phần ló ra đó người ta trổ cửa sổ hoặc cửa cái để lấy ánh sáng cho nhà dưới. Nếu ở đây trổ cửa cái thì từ cửa đó sẽ có một lối đi riêng dọc theo hông nhà trên ra thẳng cửa ngõ, không cần phải đi ở phía trong nhà trên. Nhà sắp đọi có sân trong là kiểu nhà mà phần nhà dưới được tách cách nhà trên độ hai, ba mét, có lối đi với mái che nối liền hai nhà. Sân trong vừa để lấy ánh sáng cho nhà dưới, vừa là chỗ để dãy lu chứa nước mưa.

Nhà chữ công

Kiểu nhà này ít phổ biến. Loại nhà này gồm có nhà trên và nhà dưới như kiểu nhà sắp đọi, nhưng thay vì nhà sắp đọi được bố trí hai mái đâu vào nhau, giữa có máng xối để hứng nước mưa thì ở đây giữa nhà trên và nhà dưới cách nhau một khoảng sân rộng, gian nhà trên (nhà chính) nằm ngay ở giữa, dành làm gian tiếp khách và thờ tự, hai gian nhà phụ nằm dọc hai bên được nối với nhà dưới bằng một nhà cầu dài từ mái sau nhà trên đến mái trước nhà dưới.

Nhà có chái

Thông thường, nhà loại này gồm có một nhà chính và một nhà phụ. Ngôi nhà chính thường là ba gian hai chái, hoặc ba gian một chái. Ngôi nhà ba gian hai chái thường là nhà của tầng lớp khá giả. Còn nhà chỉ một gian chính với một chái thường là của tầng lớp nghèo. Còn loại nhà năm gian hai chái thì khá hiếm hoi, chủ nhân của loại nhà này thường là các quan lại hoặc nhà quyền quý. Các gian trong căn nhà được xem là khu vực chính dùng để thờ tự, tiếp khách, hai chái hai bên dùng làm buồng chứa đồ đạc và làm buồng ngủ cho phụ nữ trong gia đình.

Nhà không chái

Loại nhà này thường là của những người nông dân nghèo, với cấu trúc rất đơn giản, dễ làm. Chỉ cần một ít gỗ, tre để làm sườn, còn mái che và hai bên vách đứng thì làm bằng lá dừa nước hay ván gỗ. Toàn bộ vách mặt tiền của nhà trên chỉ là chấn song gỗ nên nhà có nhiều ánh sáng, mát và thông thoáng. Cửa ra vào của loại nhà này phân bố ở hai bên vách của nhà trên. Các chấn song có tác dụng như tấm bình phông che mặt tiền nhà.

***

Ngày nay, nhà ở của cư dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã khác xưa rất nhiều, phát triển nhiều kiểu, đa dạng, bởi đời sống kinh tế - xã hội của vùng đất này đã không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, một số vùng quê nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay người ta vẫn còn giữ lại được khá nhiều các kiểu nhà truyền thống này.

Chia sẻ bài viết