06/07/2012 - 22:27

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 9/7/2012)

Nguyễn Văn Cừ
Người cộng sản kiên trung của Đảng ta

* PGS, TS: LÊ VĂN YÊN
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ thuộc thế hệ những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Đảng ta, một người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phẩm chất bất khuất, kiên trung và những cống hiến lớn lao của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ mãi mãi được được Đảng và nhân dân ta ghi nhớ và tôn vinh, là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản, cho nhân dân và các thế hệ trẻ Việt Nam học tập, noi theo.

Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912 trong một gia đình nhà Nho nghèo ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh thuộc vùng quê Kinh Bắc, nơi giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và đấu tranh cách mạng kiên cường. Thuở nhỏ, Nguyễn Văn Cừ đã nổi tiếng là thần đồng, ham học hay chữ, có chí tiến thủ và kế thừa truyền thống yêu nước của cha ông. Ba năm đầu, anh học tiểu học ở phủ Từ Sơn. Tháng 9-1927, vượt qua kỳ thi tuyển với kết quả xuất sắc, anh được nhận vào học ở Trường Bưởi với suất học bổng toàn phần. Không tự ti, mặc cảm với những thiếu thốn về vật chất, anh đã vượt lên tất cả, miệt mài học tập, thể hiện rõ tư chất thông minh và tinh thần kiên trì, kỳ thi nào cũng đạt kết quả xuất sắc.

Vào những năm này, phong trào yêu nước và cách mạng ở Việt Nam phát triển mạnh. Nhiều thanh niên yêu nước, sau khi dự lớp huấn luyện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã trở về nước hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, thành lập các cơ sở cách mạng ở nhiều địa phương, trong đó Trường Bưởi là một cơ sở cách mạng bí mật. Khi còn học ở Trường Bưởi, với sự nỗ lực của bản thân, Nguyễn Văn Cừ đã không chỉ trưởng thành trong việc tiếp thu kiến thức văn hóa, mà còn được bồi dưỡng tinh thần yêu nước và cách mạng. Anh đã bí mật tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, có điều kiện tiếp xúc với những tài liệu quan trọng, như cuốn “Đường cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc và nhiều sách, báo bí mật khác, đồng thời tích cực tham gia công tác của Hội. Đầu năm 1928, anh được chi bộ tổ chức kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Vốn là người thẳng thắn, cương trực, có tinh thần tự tôn dân tộc, Nguyễn Văn Cừ không chịu nổi thái độ khinh rẻ, miệt thị của một số giáo viên người Pháp đối với học trò người Việt, anh đã cùng một số bạn bè làm bài thơ đả kích những kẻ vô sỉ đó. Bài thơ được phổ biến rộng rãi làm bọn mật thám rất tức tối, và chúng quyết truy tìm tác giả. Không muốn để bạn bè liên lụy, anh đứng ra nhận là tác giả bài thơ. Sở Mật thám Hà Nội đã bắt và thẩm vấn anh suốt gần một tuần liền, nhưng không có kết quả, chúng phải trả tự do. Tuy vậy, cuối tháng 5-1928, viên Hiệu trưởng cho gọi anh. Sau khi mạt sát anh về cái gọi là “hành vi chống đối”, y liền ra quyết định đuổi học. Không ân hận về những việc làm đúng đắn của mình, anh quyết định về làng Hà Lỗ thuộc phủ Từ Sơn dạy học. Với lòng yêu trẻ, anh được học trò rất kính trọng, tin yêu. Tháng 8-1928, bất thình lình mật thám Bắc Ninh bắt anh và gán cho tội “hoạt động chính trị”, rồi giải về Sở Mật thám Hà Nội. Trong 12 ngày bị giam giữ, liên tục bị thẩm vấn, nhưng Nguyễn Văn Cừ không nhận bất cứ điều gì. Cuối cùng, lại một lần nữa chúng buộc phải trả lại tự do cho anh. Cuối tháng 9-1928, anh được tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cử đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ Quảng Ninh và từ đây anh trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp.

Cuối năm 1928, Nguyễn Văn Cừ đến hoạt động tại mỏ than Vàng Danh. Tại đây, anh hiểu rằng để tuyên truyền, giác ngộ công nhân và quần chúng, phải sâu sát phong trào, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó vận động, tổ chức họ tham gia các phong trào cách mạng mới có kết quả. Với phẩm chất kiên trì, không quản khó khăn và nguy hiểm, anh hòa mình vào cuộc sống lao động vất vả, luôn bám sát, gắn bó và cùng sinh hoạt với công nhân nơi đây. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động và thử thách, Nguyễn Văn Cừ đã tổ chức và thành lập Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mỏ than Vàng Danh và tổ chức được một số quần chúng tích cực tham gia Công hội mỏ. Thời gian này, phong trào cách mạng cả nước lên cao, đòi hỏi có sự lãnh đạo của một đảng cộng sản thống nhất. Ngày 17-6-1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội, Hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng được tổ chức. Hội nghị quyết định tuyển lựa những người tiên tiến nhất của Hội Thanh niên để kết nạp vào Đảng. Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương, Hạ Bá Cang... được công nhận là những đảng viên đầu tiên của  Đông Dương Cộng sản Đảng.

Thời gian này, Nguyễn Văn Cừ vẫn hoạt động ở mỏ than Vàng Danh. Do làm việc và sinh hoạt trong những điều kiện khắc nghiệt và khó khăn, thiếu thốn, anh đã bị mắc bệnh sốt rét. Khoảng tháng 9-1929, anh được điều về Hải Phòng để vừa chữa bệnh, vừa phụ trách xây dựng một trạm liên lạc của Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng với nước ngoài bằng đường biển. Sau một thời gian ngắn, việc tổ chức trạm liên lạc được hoàn thành và bệnh tình của anh đã đỡ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Trung ương lâm thời của Đảng điều anh về làm cán bộ đảng chuyên trách, phụ trách công tác kiểm tra hoạt động của các tổ chức đảng ở khu mỏ. Anh thường xuyên đi lại, chắp nối liên lạc giữa Hải Phòng - Quảng Ninh. Nhờ sự kiểm tra, chỉ đạo kịp thời của anh, phong trào công nhân mỏ ngày càng lớn mạnh. Đến cuối năm 1929, toàn khu mỏ đã có bốn chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được chuyển đổi về mặt tổ chức thành chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng.

Cuối tháng 10-1929, Nguyễn Văn Cừ được cử về phụ trách tổ chức đảng ở mỏ than Mạo Khê, nơi có truyền thống đấu tranh và có cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ rất sớm, nhưng hiện đang gặp khó khăn do bị địch đàn áp tàn bạo. Lại một lần nữa, anh hòa vào cuộc sống lao động của anh em thợ thuyền nơi đây. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh, phong trào đấu tranh cách mạng ở Mạo Khê từng bước được củng cố và phát triển vững chắc. Đầu năm 1930, anh và toàn thể công nhân nhận được tin vui Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Vào thời gian này, anh chủ trì thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam mỏ than Mạo Khê. Sau khi thành lập chi bộ đảng tại đây, Nguyễn Văn Cừ được tổ chức phân công nhiệm vụ mới. Với vai trò là phái viên của Trung ương Đảng tại vùng mỏ và với sự hoạt động năng nổ, có hiệu quả của anh, các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, Uông Bí, Vàng Danh lần lượt ra đời. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, phong trào đấu tranh của công nhân mỏ bước vào thời kỳ sôi động, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, hòa nhịp với phong trào đấu tranh cách mạng của cả nước. Để thực hiện sự thống nhất chỉ đạo, anh đã cùng các đồng chí Ngô Gia Tự và Nguyễn Đức Cảnh chỉ đạo thành lập Đặc khu ủy mỏ Quảng Ninh. Nguyễn Văn Cừ được cử làm đại diện của Xứ ủy tại Đặc khu ủy mỏ. Trên cương vị này, anh trực tiếp truyền đạt các chỉ thị của Xứ ủy đến Đặc khu ủy và giúp đỡ Đặc khu ủy chỉ đạo phong trào, nên phong trào ở đây bùng lên mạnh mẽ, như các cuộc đấu tranh ủng hộ Xô-viết Nghệ Tĩnh, kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, rải truyền đơn, v.v.. Bọn thực dân hoảng sợ, ra sức đàn áp, khủng bố, đánh phá ác liệt các cơ sở cách mạng. 

Ngày 15-2-1931, trên đường đi công tác tại Cẩm Phả, Nguyễn Văn Cừ bị mật thám Pháp bắt, đưa về Sở Mật thám Hòn Gai. Bọn chúng đã dùng đủ mọi thủ đoạn nhà nghề, từ dụ dỗ đến cực hình tra tấn dã man, nhưng không khuất phục được ý chí kiên cường, tinh thần kiên định của người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Văn Cừ một lòng tận trung với Đảng. Đồng chí Phạm Văn Hảo, người cùng hoạt động với Nguyễn Văn Cừ ở vùng mỏ kể lại: “Hồi hoạt động ở khu mỏ, đồng chí Phùng (biệt danh của Nguyễn Văn Cừ) bị mật thám theo dõi và bắt giam. Chúng tra tấn hết sức dã man, chúng dùng một cái trống lớn, bỏ mặt trống đi, đóng đinh xung quanh miệng tang trống, bắt anh Phùng ngồi, rồi úp tang trống lên. Đang làm cho trống quay tít thì một chiếc đinh móc vào bên mắt trái, máu tóe ra, anh ngất đi... Mắt trái anh bị đau lâu mới khỏi và khi khỏi thì bé hẳn đi, từ đó anh bị một mắt to, một mắt nhỏ. Anh lại có tên mới nữa là Phùng Lé”(1). Sau đó, bọn mật thám đưa anh về Nhà lao Hải Phòng, rồi đưa về giam ở Nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội). Tại hai nhà lao này, anh lại phải đương đầu với những thủ đoạn hiểm độc hơn, những trận tra tấn ác liệt hơn, nhưng kẻ thù vẫn không khai thác được gì hơn ở anh. Trong điều kiện nhà tù khắc nghiệt, ăn uống kham khổ, lại bị bọn cai tù đánh đập thường xuyên, anh vẫn chịu khó học tập. Đặc biệt, anh nghiền ngẫm, thuộc lòng bản Luận cương chánh trị của Đảng do Tổng Bí thư Trần Phú khởi thảo. Không chỉ có vậy, anh còn thường xuyên gần gũi, động viên mọi người đoàn kết, giữ vững chí khí của người cộng sản. Bởi thế, các bạn tù ở Nhà lao Hỏa Lò rất khâm phục và tin tưởng anh. Ngày 13-5-1931, Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp đưa ra xét xử tại Hội đồng đề hình Hà Nội. Cùng bị xét xử với anh còn có hơn 80 người khác. Trước phiên tòa, Nguyễn Văn Cừ dõng dạc bác bỏ những lời buộc tội của viên biện lý. Khi chánh án hỏi: Anh làm nghề gì? Anh trả lời: Tôi làm nghề cách mệnh! Rồi anh nói tiếp: “Có phải tòa khép tôi vào tội có chân trong Đảng Cộng sản và âm mưu làm rối trị an chăng? Vì đâu mà tôi phải làm cách mệnh? Vì bọn đế quốc quá áp bức quần chúng, tìm hết cách mà bóc lột, nào sưu thuế, nào quốc trái... Còn bảo là “rối cuộc trị an” thì cuộc trị an ấy là do tư bản đặt ra để bảo vệ họ, chúng tôi là vô sản giai cấp thì phải phá cuộc trị an ấy!”(2). Ngày 16-5-1931, trong phiên xử cuối cùng, mặc dù không tìm ra chứng cứ để buộc tội, nhưng tòa án thực dân kết án anh “Phát lưu chung thân” và đày ra Côn Đảo. Đáp lại kết án của tòa, Nguyễn Văn Cừ cùng những người bị xử án hô vang khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Pháp! Đả đảo Hội đồng đề hình!”(3). Sau khi bị kết án và trong thời gian chờ ngày đày đi Côn Đảo, anh vẫn tranh thủ học tập và cùng với đồng chí Hoàng Quốc Việt bí mật in “báo liếp” và tài liệu để phân phát trong nhà tù.

Theo Tạp chí Cộng sản online
(Còn tiếp)

----------------------
(1)  Phạm Văn Hảo: Nguyễn Văn Cừ đã sống như thế đấy, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 33
(2), (3) Báo Đông Pháp, số 1385, ngày 16-5-1931

 

Chia sẻ bài viết