13/10/2019 - 10:32

Nguyễn Tú - Vị Tiền Hiền của Nam bộ 

Nam bộ cách đây khoảng 300 năm là một vùng đầm lầy, cỏ mọc um tùm, ít thấy bóng người. Những lưu dân người Việt cùng với các dân tộc cộng cư chung lưng đấu cật khai phá. Họ đã vượt qua sơn lam chướng khí, cọp trên bờ, sấu dưới sông... để bạt núi xẻ rừng, đào mương lên liếp... hầu mong tìm sự sinh tồn và tạo nên vùng đồng bằng trù phú hôm nay. Trong những tiền nhân vào Nam khai khẩn đất hoang, có nhiều người đã gửi thân lại vùng đất này - người ta gọi những người tiền phong đó là Tiền Hiền.

Khi vùng đất đã được khai hoang, lớp người đến sau tiếp tục công việc xây cầu, đắp lộ, dựng chợ, mở đường, tạo lập xóm làng... công đức của các vị này không hề nhỏ, có thể sánh ngang với Tiền Hiền, nên người ta gọi họ là Hậu Hiền. Để tri ân công lao của các bậc tiền nhân này, sau khi ổn định cuộc sống, người ta mới xây đình, dựng miễu để tôn thờ và tôn xưng họ với danh hiệu là Tiền Hiền và Hậu Hiền. Điều này phù hợp với đạo lý ngàn đời của dân tộc - truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.

Tiền Hiền, Hậu Hiền là các bậc tiền bối đứng ra khai hoang hay lập làng, bỏ công sức và tiền của để xây dựng làng xã, làm cầu, lập chợ hay đình làng trong buổi đầu lập làng. Danh hiệu tôn xưng thường gặp là Tiền Hiền khai khẩn, Hậu Hiền khai cơ: có nghĩa là vị Tiền Hiền quy dân khai hoang và Hậu Hiền xây dựng các công trình cơ bản. Đây là quan niệm phổ biến, cá biệt lại có danh hiệu Tiền Hiền khai khẩn, Hậu Hiền khai khẩn: Tiền Hiền quy dân khai hoang; Hậu Hiền cũng tiếp tục quy dân khai hoang, do thiên nhiên khắc nghiệt dân cư xiêu tán phải khai đi khẩn lại nhiều lần mới thành. Ngoài ra còn có danh hiệu: Tiền Hiền khai khẩn, Hậu Hiền khai canh: Tiền Hiền quy dân khai hoang và Hậu Hiền tiếp tục cày cấy.

Đặc biệt có những vị đã đóng góp nhiều công lao to lớn, quan trọng, được đời sau gọi là Tiền Hiền Cẩm Địa hay gọi tắt là Cẩm Địa. Cẩm Địa nguyên là miếng thịt vai của con heo cúng, loại thịt nạc quý nhất mà sau khi cúng tế ở đình sẽ dành riêng để kiếng cho các vị Tiền Hiền này. Các Tiền Hiền hay Hậu Hiền được thờ ở hương án đặt trong chánh điện của ngôi đình, cạnh bàn Tả Ban và Hữu Ban, hai bên hương án thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng được coi là các vị từng góp công sức xây dựng, phát triển làng xã, đình miếu từ buổi đầu. Còn các Tiền Hiền, Hậu Hiền được thờ ở hương án đặt ở nhà hậu ngôi đình, hai bên bàn thờ Tiên Sư, được coi là các vị đã từng góp công sức, khai hoang phát triển làng mạc, chợ búa, cầu đường từ ngày đã lập cho đến hiện tại.

Ít địa phương còn lưu lại tên họ, tiểu sử các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền và đa phần thì chỉ có danh hiệu mà không có tên họ và tiểu sử. Việc tôn thờ các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền là một cử chỉ biểu lộ tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, thắt chặt tinh thần đoàn kết trong xóm làng. Đồng thời cũng là động lực khiến cháu chắt các vị này tích cực tham gia việc làng xã. Việc thờ Tiền Hiền, Hậu Hiền thực sự đã tăng cường tính chất lịch sử văn hóa cho đình”(1).

Tuy vậy, cũng có một số ít vị Tiền Hiền, Hậu Hiền được người đời sau biết đến công lao và danh tính nên được nhắc đến với danh tính cụ thể. Tiền Hiền Nguyễn Tú là một trong số ít người thuộc trường hợp này. Theo sách “Địa chí tỉnh Đồng Tháp” thì:

“Nguyễn Tú, người thôn Bả Canh, xã Đập Đá, phủ Hoài Nhơn, trấn Bình Định, nguyên là tùy tướng của nghĩa quân Tây Sơn trước đây. Khi nhà Tây Sơn sụp đổ, để tránh sự trả thù của nhà Nguyễn, ông cùng vợ vào Nam lập nghiệp. Thuở ấy, vùng Mỹ Trà còn có nhiều nơi là rừng rậm đầy thú dữ. Ông hô hào những người đi khẩn hoang cùng nhau phá rừng cất nhà làm ruộng. Năm nọ, thú loạn rừng chạy ra bờ rạch Cái Sao phá hoại mùa màng, gia súc, thậm chí còn bắt người ăn thịt. Những việc đó làm cho mọi người hoang mang lo sợ, công việc ruộng rẫy ngưng trệ, cứ trời về chiều là mọi người đóng chặt cửa không dám ra ngoài.

Thấy vậy, Nguyễn Tú tập hợp trai tráng truyền dạy võ nghệ, tổ chức rào thôn xóm canh phòng thú dữ. Hễ có báo động mọi nhà đều đánh mõ, đánh trống ầm lên xua đuổi chúng đi. Nhiều lần đi tuần phòng gặp cọp, ông đều hạ được. Nhờ vậy, lần hồi thú dữ bị đẩy lùi vào rừng sâu, mọi người làm ăn bình thường trở lại. Công cuộc khai hoang ngày một mở rộng, nhiều bà con cùng quê quán vào lập nghiệp được ông giúp đỡ mọi mặt, thôn xóm ngày một đông vui, làm ăn sung túc. Lúc bấy giờ, ở Nam tổ chức hành chính còn lỏng lẻo, chưa phân chia thành phủ huyện rạch ròi. Toàn vùng chia 9 khố trường chủ yếu là để thu thuế, miền đất sau này mang tên Cao Lãnh lúc này thuộc khố trường Bả Canh. Phải chăng, ở đây có nhiều lưu dân xuất thân từ thôn Bả Canh - Bình Định, nên Bả Canh được dùng làm tên đặt cho khố trường này? Sau đó hai thôn An Bình, Mỹ Trà lần lượt ra đời.

Di tích Lịch sử Văn hóa Tiền Hiền Nguyễn Tú tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: DUY KHÔI

Nguyễn Tú được mọi người cử làm người đứng đầu khố trường thay mặt nhân dân giao tiếp với quan trên. Với địa vị này, ông đứng về phía dân chúng chống lại áp bức của bọn cường hào ác bá, giúp người nghèo thoát cảnh sưu thế nặng.

Đến khi vợ chồng ông già yếu chết đi, mặc dù không có con thừa tự, nhưng hai người vẫn được dân làng mai táng chu đáo trong niềm thương tiếc và biết ơn. Người đời sau dựng bia ghi công đức của ông, gọi là Bia Tiền Hiền làng Mỹ Trà”(2).

Nội dung văn bia nhắc lại quá trình khai hoang mở đất của ông cho đến lúc gửi lại xác thân mình trên vùng đất này và được người đời nhớ đến công lao tạc bia để ghi nhớ. Sau đây là nội dung văn bia qua bản dịch của ông Nguyễn Văn Vẹn:

“Người khai mở trước, hằng lo thành tựu để đời sau, kẻ nối tiếp sau, há nở quên công noi gốc trước.

Tệ chức kính dân Phái đạo cấp bằng Tường Võ nhập cơ đội Ban biện Suất đội. Sau đây bổn xã giữ chức Chủ Trưởng.

Nhân thấy ngày trước tại bổn xã, ấp Nam, ấp Bắc, đường sá cách trở, gò nổng bùn lầy. Đến lệ kỳ an lập miễu theo trước, tới lui chân ướt chân ráo khó nhọc, nhân viên nhóm họp không đành để như cũ, bèn phóng hoa tiêu chung sức đắp một con đường lớn. Thấy có hai ngôi mộ, sai người hỏi chủ là ai phải chọn đất di táng… Ngay lúc này, có một vài kỳ lão thuật lại rằng: “Đó là hai ngôi mộ vợ chồng ông Nguyễn Tú, ông là vị Tiền Hiền đến ở làng ta từ trước”.

Hỏi đến con cháu, thì không còn hậu tự.

Nghe chừng trong thời niên hiệu Gia Long, ông Nguyễn Tú là người ở Quy Nhơn đến ở đất này, xưa xưng danh hiệu là Bả Canh Trường (là Canh nông) người có tính quyết đoán mưu quy tụ những chỗ nhân dân chưa thành tựu hiệp thành những chỗ hương thôn chưa lập thành. Dựng danh sách đặt tên thôn là thôn Mỹ Trà, trải qua niên hiệu Minh Mạng thứ 22 (1840), năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), năm Tự Đức thứ 29 (1876) công lớn lâu dài, đến nay rõ rệt.

Tệ chức trước sau nghe đủ, bèn đắp cao hai ngôi mộ. Đến khi rảnh việc, tĩnh tâm nghĩ đến. Người nay ăn trái, nhớ kẻ trồng cây; chim Hồng in móng chỗ tuyết lầy, e lâu năm mai một. Bèn nhóm hương chức nghị bàn dựng bia đá ghi công tích. Ôi! Tưởng đến đề tạo khó nhọc, dầu không có ý đời sau thờ kính; hưng phong nối giữ phải soi gương đời trước danh thơm. Người ưa làm phải, đồng nói ra một lề. Chọn ngày 15 tháng 10, các Hương chức sắm đủ rượu thịt tế mộ lập bia”(3).

Bia Tiền Hiền làng Mỹ Trà không chỉ là một tấm bia ghi lại công lao khẩn hoang lập ấp của vị Tiền Hiền Nguyễn Tú mà nó còn thể hiện đạo lý biết ơn nguồn cội truyền thống văn hóa dân tộc. Đồng thời, qua đó giáo dục con cháu đời sau phải ghi nhớ công lao của những người đi trước, cũng như giữ gìn di sản của cha ông để lại. Vì lẽ đó, Bia Tiền Hiền làng Mỹ Trà đã được UBND tỉnh Đồng Tháp xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh.

----------------------------

[1] Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam Bộ xưa và nay, Nxb Đồng Nai, tr. 87-88.

[2] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp (2013), Địa chí tỉnh Đồng Tháp, Nxb Trẻ, tr.820-821.

[3] Theo Tập san Sử Địa (1970), số 19-20, Khai trí, tr.226-227.

Trần Kiều Quang

Chia sẻ bài viết