19/10/2021 - 08:26

Nguy cơ leo thang căng thẳng EU - Belarus 

Vụ việc Belarus trục xuất đại sứ Pháp có thể “làm nóng” mối quan hệ vốn bất hòa giữa quốc gia Ðông Âu và Liên minh châu Âu (EU).

Lực lượng biên phòng Ba Lan tuần tra ở ngôi làng sát biên giới Belarus. Ảnh: Getty Images

Hôm 17-10, phát ngôn viên đại sứ quán Pháp tại Belarus xác nhận đại sứ Nicolas de Lacoste đã trở về nước sau lệnh trục xuất của chính quyền Minsk. Người này không đưa ra lý do cụ thể, nhưng truyền thông địa phương tiết lộ ông de Lacoste bị trục xuất do chưa từng trình quốc thư lên Tổng thống Alexander Lukashenko. Thay vào đó, vị đại sứ này chỉ trao văn kiện nói trên cho Ngoại trưởng Vladimir Makei.

Cũng như Mỹ và nhiều quốc gia EU khác, Pháp không công nhận nhiệm kỳ tổng thống thứ 6 liên tiếp của ông Lukashenko sau cuộc bầu cử bị cáo buộc “không công bằng” hồi tháng 8-2020. Các nhà lãnh đạo EU tiếp đó đã áp cấm vận nhắm vào chế độ của Tổng thống Lukashenko liên quan các hoạt động “gian lận bầu cử và vi phạm nhân quyền”. Ðáp lại, nhà lãnh đạo 67 tuổi đến nay vẫn gạt bỏ cái gọi là “nỗ lực của EU” nhằm lật đổ ông và từng bước cắt đứt quan hệ với một số quốc gia phương Tây. Ðơn cử như hồi tháng 3, chính quyền Minsk đã trục xuất đại sứ Latvia và toàn bộ nhân viên đại sứ quán sau khi Riga sử dụng lá cờ phe đối lập Belarus tại giải vô địch khúc côn cầu trên băng. Ðến tháng 8, quốc gia Ðông Âu đã hủy thỏa thuận bổ nhiệm đại sứ Mỹ ở nước này và yêu cầu Washington cắt giảm nhân viên đại sứ quán, vài ngày sau khi Nhà Trắng giáng đòn trừng phạt mới vào Belarus.

Ngoài mặt trận ngoại giao, chính quyền Tổng thống Lukashenko còn bị tố gây ra cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus với các quốc gia EU như Latvia, Lithuania và Ba Lan để trả đũa khối này. Tuần rồi, Ủy viên về các vấn đề nội vụ EU Ylva Johansson đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp với đại sứ 3 nước kể trên trước cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng ở khu vực biên giới phía Ðông. Hôm 18-10, Ngoại trưởng các nước thành viên EU tiếp tục nhóm họp để thảo luận những vấn đề liên quan Belarus. Theo một số nguồn tin thân cận, khối này có thể tung ra đợt trừng phạt mới nhắm vào chế độ Tổng thống Lukashenko trong tháng 11.

“Trục Nga - Belrarus”

Từ năm 2004, khi ông Lukashenko chuẩn bị tái tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 3, EU đã bắt đầu thực thi những biện pháp cấm vận đối với quốc gia Ðông Âu. Mối quan hệ xa cách với Brussels đã đẩy Belarus xích lại nước láng giềng Nga. Những năm gần đây, vai trò của Minsk ngày càng quan trọng khi trở thành cánh cửa xuất khẩu dầu khí từ Nga sang EU trong bối cảnh tình hình Ukraine trở nên bất ổn. Ðến năm 2016, EU dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào các cá nhân và tổ chức ủng hộ ông Lukashenko như một phần của nỗ lực tìm kiếm quan hệ hợp tác. Tuy nhiên, căng thẳng nhen nhóm trở lại sau cuộc bầu cử bị tố gian lận và hành động bất ngờ từ Minsk điều chiến đấu cơ để buộc máy bay dân sự từ Hy Lạp đến Lithuania hạ cánh và sau đó bắt giữ một nhân vật đối lập.

Theo Tướng Roman Polko, Quyền Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Ba Lan, leo thang căng thẳng giữa EU và Belarus diễn ra giữa lúc chính quyền Tổng thống Lukashenko ngày càng trở nên quân sự hóa trong khi Nga dần mở rộng ảnh hưởng tại nước láng giềng. Tướng Polko nhận định, cuộc khủng hoảng ở biên giới EU là một phần trong cuộc đối đầu liên tục giữa Mát-xcơ-va với phương Tây khi Tổng thống Nga Putin “tiến hành chiến tranh phức hợp và gây bất ổn ở châu Âu”.

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 18-10 đã đến Georgia trong khuôn khổ chuyến thăm 3 quốc gia ở Biển Ðen. Theo giới quan sát, mục tiêu chuyến công du là thể hiện cam kết của Mỹ với các nước thuộc tuyến đầu trước mối đe dọa từ Nga. Ðó cũng là một phần trong chương trình nghị sự khi ông Austin tới Brussels (Bỉ) tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO).

MAI QUYÊN (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết