Những năm tới, kho dự trữ vũ khí hạt nhân toàn cầu có thể tăng lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh và các cường quốc phải hành động để ngăn chặn điều này trong bối cảnh thế giới có nguy cơ tiến gần tới triển khai vũ khí hủy diệt - Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI - Thụy Điển) cảnh báo.
Xu hướng đáng lo ngại
Một trong các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân mà Mỹ tiến hành trên quần đảo Marshall. Ảnh: Reuters
Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ đều được “trang bị tận răng” với các đầu đạn hạt nhân. Vào cuối những năm 1980, số đầu đạn hạt nhân của 2 nước đã lên tới hơn 68.000 đầu đạn. Hiện số đầu đạn hạt nhân toàn cầu đã giảm từ 13.080 xuống còn 12.705 trong giai đoạn tháng 1-2021 đến tháng 1-2022.
Tuy nhiên, SIPRI trong kỷ yếu năm 2022 xuất bản ngày 13-6 cho biết chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành ở Ukraine và sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev đã làm tăng căng thẳng giữa 9 cường quốc hạt nhân trên thế giới (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Ấn Độ, Israel, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Pakistan). Đặc biệt, sau tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt lực lượng hạt nhân nước này trong tình trạng báo động cao và cảnh báo về “hậu quả chưa từng thấy” có thể xảy ra đối với quốc gia nào can thiệp trực tiếp vào tình hình Ukraine.
Wilfred Wan, Giám đốc Chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI, cho biết tất cả những nước có vũ khí hạt nhân đều đang mở rộng hoặc nâng cấp kho vũ khí; đồng thời bóng gió về khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt trong chiến lược quân sự. Đây là xu hướng đáng lo ngại và nếu các cường quốc không có hành động trong vấn đề giải trừ quân bị, kho dự trữ đầu đạn toàn cầu được dự đoán sẽ sớm tăng trở lại lần đầu tiên sau 35 năm.
Khó đạt tiến bộ
Theo cựu Thủ tướng Thụy Điển và hiện là Chủ tịch SIPRI Stefan Lofven, mối quan hệ giữa các cường quốc đã xấu đi đáng kể giữa thời điểm nhân loại phải đối mặt với một loạt thách thức chung mà chỉ có thể giải quyết bằng hợp tác quốc tế. Dù vậy, đồng tác giả của báo cáo SIPRI, Matt Korda dự đoán rất khó để đạt tiến bộ về giải trừ quân bị trong những năm tới vì xung đột ở Ukraine và vì cách Nga nói về kho vũ khí hạt nhân của họ.
Năm ngoái, hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc (LHQ) bắt đầu có hiệu lực trong khi hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới giữa Mỹ - Nga được gia hạn thêm 5 năm. Nhưng báo cáo của SIPRI cho biết tình hình vẫn xấu đi. Ngay cả 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) đầu năm nay ra tuyên bố khẳng định “không thể thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến này không được xảy ra”, nhưng SIPRI ghi nhận cả 5 nước dù chính thức hoặc không chính thức đều đang hiện đại hóa kho vũ khí của họ.
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, kho dự trữ vũ khí hạt nhân là bí mật quốc gia, vì vậy bất kỳ số liệu nào cũng chỉ là ước tính. Và hiện Nga được báo cáo là nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với tổng cộng 5.977 đầu đạn, giảm 280 đầu đạn so với một năm trước nhưng vẫn nhiều hơn Mỹ 550 đầu đạn. Hai nước này chiếm hơn 90% đầu đạn của thế giới. Sự sụt giảm tổng số vũ khí hạt nhân là do Nga - Mỹ tháo dỡ các đầu đạn đã ngưng hoạt động, trong khi số vũ khí có thể triển khai vẫn trong tình trạng sẵn sàng. Theo đó, hơn 1.600 đầu đạn của Nga có khả năng hoạt động ngay lập tức trong khi của Mỹ ở mức 1.750.
Trung Quốc đứng thứ 3 với 350 đầu đạn hạt nhân và đang mở rộng đáng kể kho vũ khí khi hình ảnh vệ tinh cho thấy nước này đang xây hơn 300 hầm chứa tên lửa mới. Theo Lầu Năm Góc, Bắc Kinh có thể sở hữu 700 đầu đạn vào năm 2027. Pháp hiện có 290 đầu đạn, Anh có 225 và dự kiến nâng mức trần lên nữa; Pakistan sở hữu 165 đầu đạn và Ấn Độ là 160. Kho dự trữ của Israel ước tính khoảng 90 đầu đạn nhưng họ không thừa nhận mình có vũ khí hủy diệt. Về Triều Tiên, SIPRI lần đầu tiên xác định quốc gia Đông Bắc Á hiện có 20 đầu đạn hạt nhân và được cho có đủ nguyên liệu để sản xuất khoảng 50 đầu đạn.
MAI QUYÊN (Theo AFP, Guardian)