30/01/2023 - 16:24

Nguồn vốn đồng hành cùng chị em 

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Tại hội nghị tổng kết hoạt động tín dụng chính sách năm 2022, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Cần Thơ đánh giá cao vai trò các cấp Hội LHPN trong công tác quản lý và hỗ trợ phụ nữ phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi. Qua đó, góp phần giúp chị em có việc làm, tăng thu nhập.

Phụ nữ huyện Cờ Đỏ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, mở rộng mô hình may gia công, phát triển kinh tế gia đình.

Theo Chi nhánh NHCSXH thành phố, đến cuối năm 2022, tổng dư nợ ủy thác qua 4 hội, đoàn thể trên 3.534,2 tỉ đồng, chiếm 99,84% tổng dư nợ. Trong đó, nhiều nhất là Hội LHPN quản lý trên 1.632 tỉ đồng; nợ quá hạn 1,798 tỉ đồng (tỷ lệ 0,11%), giảm 0,861 tỉ đồng so với năm 2021. Hội LHPN cấp quận, huyện không chỉ quản lý tốt mà còn hướng dẫn hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Nhờ vậy, nhiều chị em mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp điều kiện gia đình; cập nhật xu thế thị trường, sở thích người tiêu dùng để chuyển hướng canh tác.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm, ở ấp Thới Lộc, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, được hỗ trợ vay 70 triệu đồng, bổ sung vốn trồng 300 cây mãng cầu xiêm. Tết vừa qua, không chỉ trúng mùa trái, chị Diễm còn vận dụng thế mạnh mạng xã hội, thu lợi nhuận từ 50kg mứt mãng cầu “nhà làm”, hàng chục ký trà mãng cầu, đáp ứng đơn hàng thực khách gần, xa. Theo chị Phạm Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Thắng, hiện Hội quản lý trên 18 tỉ đồng vốn vay ưu đãi, với hơn 550 hộ vay để làm vườn, mua bán nhỏ. Bên cạnh đó, Hội tăng cường các mô hình hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho chị em; quan tâm cập nhật thông tin tuyển dụng, giới thiệu chị em vào làm việc tại các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh tư nhân, đảm bảo thu nhập ổn định.

Ông Phạm Văn Kiệt, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thới Lai, cho biết, dư nợ ủy thác trong các hội, đoàn thể trên 460,9 tỉ đồng, với 14.055 hộ vay, trong đó, Hội Phụ nữ dư nợ trên 245,5 tỉ đồng, với 7.230 hộ vay… Một số hộ phát huy hiệu quả vốn vay trong sản xuất, kinh doanh, như mô hình trồng sầu riêng của bà Lê Thị Ẩn, ở xã Ðịnh Môn; bà Nguyễn Thị Diệu, ở thị trấn Thới Lai, mở rộng kinh doanh bán trái cây; bà Nguyễn Thanh Hồng, ở xã Tân Thạnh, tăng thu nhập nhờ làm nước nắm; bà Trương Thị Hồng, ở xã Trường Thắng, phát triển kinh tế gia đình nhờ trồng na Thái...

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Ðề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, trong khoảng 250.000 lao động được tạo việc làm mới, có 20.000 lao động có việc làm thông qua vốn vay giải quyết việc làm và tại các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố. Qua đó, góp phần duy trì việc làm và giảm thiểu tỷ lệ lao động thất nghiệp. Sở tiếp tục phối hợp tổ chức cho vay hỗ trợ tạo và mở rộng việc làm; chỉ đạo phòng, đơn vị chức năng tổ chức nhiều hoạt động thu hút chị em tham gia, như dạy nghề ngắn hạn gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, tổ chức ngày hội việc làm, ngày hội tuyển dụng và hỗ trợ giới thiệu việc làm đến các doanh nghiệp. Cùng với tạo điều kiện khích lệ khởi nghiệp, khơi nguồn sáng tạo các mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại chỗ, ngành, đoàn thể thành phố chú trọng trang bị kiến thức, hướng dẫn kỹ năng cần thiết, phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hình thức kinh doanh trên mạng xã hội; ứng dụng chuyển đổi số để tăng chất lượng và hiệu quả tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Chia sẻ bài viết